Tại các sân vận động nơi đội tuyển Argentina thi đấu, "đội quân" CĐV trong trang phục xanh trắng luôn duy trì bầu không khí sôi động bằng những khúc ca bóng đá nổi tiếng tại quê nhà.
"Tôi sinh ra ở Argentina, trên vùng đất của Diego (Maradona) và Lionel (Messi)", lời ca khúc quen thuộc trên các khán đài sân vận động tại World Cup năm nay có đoạn. Bất kể lúc các tuyển thủ cầm bóng hay mất bóng, ghi bàn hay để thủng lưới, âm thanh sôi động từ các CĐV Argentina luôn vang lên suốt trận đấu.
"Người Argentina chúng tôi phát cuồng vì bóng đá và muốn tạo bầu không khí tích cực", Victor Ramos, CĐV 47 tuổi, giải thích. "Đó là cách chúng tôi tiếp sức cho các cầu thủ. Sự ủng hộ từ người hâm mộ là một phần rất quan trọng của bất kỳ môn thể thao nào, không chỉ bóng đá".
Jessica Costa, CĐV 28 tuổi từ Buenos Aires, cho biết niềm đam mê bóng đá của người Argentina có thể bắt nguồn từ sự gắn bó "bất diệt" đối với các CLB địa phương.
"Vào dịp cuối tuần, một số người đi nhà thờ, số còn lại đến sân bóng. Chúng tôi hâm mộ các đội địa phương từ khi còn nhỏ", Costa giải thích với Al Jazeera về cảnh tượng CĐV Argentina tụ tập trước giờ bóng lăn tới ba tiếng.
Cô nhấn mạnh sự nhiệt thành này "thể hiện tình yêu dành cho các cầu thủ và là một phần quan trọng trong văn hóa và lịch sử Argentina".
Kỳ World Cup năm nay thu hút khoảng 35-40.000 người Argentina đến Qatar, đại sứ quán nước này tại Doha thông báo. Bên cạnh những người khá giả, nhiều người thậm chí hoãn mua nhà hay ôtô để gom tiền cho chuyến đi tới quốc gia Trung Đông.
Đội tuyển bóng đá Argentina với bề dày lịch sử và dàn sao trong đội hình cũng là đội ưa thích của hàng triệu CĐV trên khắp thế giới. Kỳ World Cup năm nay cũng thu hút lượng lớn người hâm mộ Argentina từ Ấn Độ. Họ mặc áo của Messi, giơ cao những tấm áp phích hình cố huyền thoại Maradona.
Tuy nhiên, văn hóa cuồng nhiệt bóng đá Argentina cũng có một vấn đề lớn là "barra bravas", một mạng lưới CĐV có tổ chức, song nổi tiếng quá khích và bạo lực.
Khác với "hooligan" ở châu Âu, barra bravas có liên quan đến các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp và bạo lực trên đường phố. Mạng lưới này có mặt khắp Nam Mỹ và được cho là hiện diện trong một số CLB bóng đá địa phương hàng đầu Argentina.
Chính quyền thành phố Buenos Aires đã phải hợp tác với giới chức Qatar để ngăn chặn khoảng 3.000 thành viên barra bravas và hàng nghìn CĐV quá khích vào các sân vận động trong kỳ World Cup năm nay.
Dù giá vé các loạt trận cuối cùng của kỳ World Cup năm nay khá cao, truyền thông Argentina nhận thấy các CĐV nước này vẫn tới cổ vũ đông đảo với mức độ cuồng nhiệt ngày càng lên cao, đặc biệt từ sau trận tứ kết gặp Hà Lan, nơi "biển người" hâm mộ áo trắng xanh đứng lên ghế, đánh trống, hò hét, giương cao những lá cờ bóng đá quen thuộc từ quê nhà.
"Có phải thành viên barra đã có mặt ở Qatar?", tờ La Nacion đặt nghi vấn.
Chính quyền Argentina không thể ngăn người hâm mộ đến Qatar nếu họ không có tiền án. Theo La Nacion, các thành viên barras có quan hệ với một số CLB địa phương đã có mặt tại quốc gia Trung Đông.
"Họ đi riêng lẻ và tụ tập thành nhóm trong những ngày đội tuyển thi đấu, hầu hết đang ở Barwa, một khu phố ở ngoại ô Doha, nơi những CĐV Argentina không mấy khá giả tá túc", nguồn tin của nhật báo này cho biết.
Nhưng bên cạnh những mặt tối, nhóm CĐV này cũng đại diện cho phong cách cổ vũ bóng đá cuồng nhiệt, điều khiến giới chức Qatar dường như không mấy hài lòng.
Ignacio Candia, giám đốc an ninh sự kiện thể thao thuộc Cảnh sát Liên bang Argentina, đã ở thủ đô Doha từ khi giải đấu bắt đầu. Ông cho biết giới chức Qatar "đã rất khó chịu khi thấy CĐV Argentina dồn về sau khung thành, cởi trần giữa trận, ôm trống và cờ đứng lên ghế ngồi vốn không thuộc về họ".
Mặc dù đồng tình với những hạn chế đối với các barra bravas, Roberto Oscar, chuyên gia truyền thông từ Buenos Aires, thừa nhận sự có mặt của họ "tăng thêm kịch tích cho mỗi trận đấu".
"Bầu không khí trong các trận đấu trước không cuồng nhiệt bằng. Bữa tiệc chỉ thực sự bắt đầu khi họ đến", Oscar nói.
Đức Trung (Theo Al Jazeera, DW)