Ngành game có lịch sử khoảng 70 năm kể từ lúc máy chơi game thùng đầu tiên ra đời năm 1951. Đồ họa game giai đoạn này sơ khai với giao diện đơn sắc cùng gameplay ở mức "ai cũng chơi được".
Năm 1972 được xem là năm bản lề của ngành khi Pong, game bóng bàn chơi trên máy thùng, thành công và trở thành nền móng cho game thương mại. Game có đồ họa 2D, chỉ có hai màu đen trắng, cùng lối chơi đơn giản. Người chơi điều khiển vợt là một thanh ngang, di chuyển lên xuống để đỡ bóng. Game kết thúc khi một người chơi đạt 11 điểm.
Năm 1999, game này được liệt kê ở vị trí thứ 34 trong danh sách "Game tuyệt vời nhất mọi thời đại" của Next Generation. "Pong đại diện cho sự khởi đầu của công nghệ kỹ thuật số. Nó rất cơ bản nhưng có tính thẩm mỹ, là thứ tối giản đến hoàn hảo", nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ Tom Friedman nói trên The Guardian.
Sự thành công về mặt thương mại của Pong kéo theo rất nhiều tựa game ăn theo suốt nhiều năm sau đó. Điểm chung là đều có đồ họa đơn sắc, lối chơi na ná nhau. Nhiều hãng cố gắng cải tiến, mang đến điểm mới mẻ khi mang màu sắc vào trò chơi nhưng nhìn chung vẫn đơn điệu, chưa có nhiều cải tiến. Nguyên nhân từ các rào cản về công nghệ, phần cứng.
Cuối những năm 70 đến cuối thập niên 90 công nghệ cải tiến, thế hệ game 8-bit và 16-bit xuất hiện cùng với thế hệ máy console thứ ba và thứ tư. Đặc trưng của đồ họa 8-bit là những khối vuông do hạn chế của phần cứng lúc đó. Thời kỳ này, game hiển thị cùng một lúc 25-32 màu, nhiều lớp và độ phân giải cao hơn.
Các game trong khoảng thời gian này có nền độ họa rất tươi sáng và có khuynh hướng hoạt hình, điển hình như Super Mario Bros (1985). Game 16-bit lại cho khả năng hiển thị màu tốt hơn với hơn 4.000 màu cùng lúc. Các game có chiều sâu, đôi khi kèm hiệu ứng giả 3D (sau này gọi là 2.5D). Sonic, Super Mario, Aladin e Donkey Kong Country là những cái tên tiêu biểu. Đây cũng là thời kỳ các dòng máy chơi game như Sega Mega Drive/Genesis, Super Nintendo, Neo Geo và Compact Disc Interactive (CD-i) thống lĩnh thị trường.
Kỷ nguyên game 32-bit và 64-bit bắt đầu từ giữa thập niên 90. Thời kỳ này mang đến nhiều đột phá về hình ảnh. Lần đầu tiên, những người yêu game được tiếp cận với những sản phẩm xây dựng trên góc nhìn đa chiều, góc nhìn thứ nhất, 3D thay vì những sản phẩm raster như trước. Độ phân giải cũng trở nên chi tiết, dễ nhìn hơn. Đến nửa sau những năm 90, đồ họa hoàn toàn 3D chính thức xuất hiện. Super Mario 64, là một trong những trò chơi 100% 3D thành công về mặt thương mại đầu tiên, mang về sự thống trị cho những hệ máy chơi game như Playstation và Nintendo 64.
Những nhà làm game thời kỳ này sử dụng phần cứng dành riêng cho phần đồ họa. Kể từ đó, việc sử dụng card màn hình để tăng tốc đồ họa gần như trở nên bắt buộc. Những game như The Elder Scrolls III: Morrowind (2003), Call of Duty (2003) hay Half-Life 2 (2004) được dựng hoàn toàn 3D tạo nên sự đột phá về phần nhìn cho người chơi.
Càng về sau, đồ họa càng trở nên siêu thực và ấn tượng. Nhờ sự phát triển của phần cứng, sự ra đời của rất nhiều dòng card đồ họa chuyên gaming, các nhà phát triển thỏa sức tăng dung lượng game, dùng nhiều công nghệ để biến trò chơi giống đời thực nhất có thể. Từng tương tác vật lý, chuyển động, biểu cảm, ánh sáng, điều kiện môi trường đều được chăm chút, tỉ mỉ. Crysis, The Witcher 3: Wild Hunt, Grand Theft Auto V và Red Dead Redemption 2 là những game đồ họa được đánh giá cao vài năm trở lại đây.
Cuối năm 2021, video giới thiệu game Ride 4 đăng tải trên Youtube gây sốt cộng đồng vì nhiều người lầm tưởng là hình ảnh thực tế từ cuộc đua moto. Đoạn phim cho thấy góc nhìn thứ nhất của một tay đua đang điều khiển xe qua một vùng ngoại ô vào một ngày mưa. Khung cảnh được nhiều người nhận xét là hệt như thước phim quay từ camera hành trình. Từng giọt nước, con đường, chuyển động của xe hay độ rung lắc đều giống thật. Nhà phát triển sau đó cho biết mất hàng tháng trời để xây dựng hình ảnh từ những camera hành trình thực tế trên moto để tái tạo lại chuyển động, độ rung lắc.
Sự phát triển của dòng game AAA, đồ họa khủng không đồng nghĩa với "cái chết" cho những sản phẩm đơn giản, 2D,... Thị trường game khoảng 10 năm gần đây chứng kiến sự trỗi dậy của xu hướng game indie - những tác phẩm được tạo ra với kinh phí thấp, giao diện đơn giản hơn. Phần lớn trong số này ăn theo hoặc là bản làm lại của nhiều sản phẩm kinh điển thập niên 80 và 90 kết hợp một số kỹ thuật và cách tiếp cận phát triển trò chơi mới.
Theo ông Thái Thanh Liêm - Nhà sáng lập TopeBox, công ty chuyên sản xuất các tựa game mobile cho biết xu hướng này phản ánh thị trường vẫn có không gian rộng lớn cho các tựa game có đồ họa đơn giản. Những game này không yêu cầu máy mạnh nên dễ tiếp cận người dùng phổ thông. Hơn nữa, đồ họa dễ nhìn, dễ hiểu cũng là điểm cộng giúp sản phẩm tiếp cận người dùng nhiều lứa tuổi. "Điển hình chính là game Among Us với đồ họa vô cùng đơn giản, lối chơi lại dễ hiểu nhưng được đón nhận nhiệt tình bởi số lượng lớn người chơi game trên toàn thế giới", ông Liêm đánh giá.
Cùng với sự tiến bộ công nghệ, phong cách thể hiện đồ họa game cũng ngày càng biến hóa, đa dạng hơn. Hiện nay, ngoài 3D, các sản phẩm trên thị trường phổ biến các phong cách như cartoon (hoạt hình), pixel art (điểm ảnh), chibi, flat style (phẳng).
Nhờ sự tiến bộ trong đồ họa, game trở thành một ngành công nghiệp trăm tỷ USD. Số liệu của Newzoo cho thấy doanh thu năm 2022 của ngành đạt 197 tỷ USD với 3 tỷ người chơi toàn cầu.
Hoài Phương (theo Showmetech, Playcentgames, GameDisigning)
Xem thêm tại đây