Hơn 10.000 khách tham quan đã đổ về Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) ngay trong buổi sáng 26/5, tạo nên không khí sôi động bên ngoài sự kiện Vietnam GameVerse. Bên trong không gian hội trường, diễn đàn Game Việt Nam 2025 tiếp tục giữ được sức hút riêng với chiều sâu nội dung, trở thành điểm nhấn chuyên môn nổi bật trong ngày hội của ngành công nghiệp giải trí số.
Diễn đàn Game Việt Nam là một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Vietnam GameVerse 2025. Kéo dài trong hơn ba giờ đồng hồ, đây là diễn đàn có thời lượng dài nhất trong ba năm tổ chức của sự kiện, với hàng loạt biên bản hợp tác được ký kết cũng như quy tụ các bài tham luận chuyên sâu từ nhiều đơn vị trong hệ sinh thái game: cơ quan quản lý, đơn vị phát hành, phát triển, nhà quảng cáo, viện, trường.
Dù mang đến các góc nhìn khác nhau, các diễn giả đều chung nhận định: Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá với ngành game, và cần nhanh chóng nắm bắt thời cơ này để vươn lên trong khu vực và trên thế giới.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Thanh Tùng
Việt Nam thành điểm đến của thế giới trong ngành game
Phát biểu mở màn, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, xúc động trước sự phát triển mạnh mẽ của Vietnam GameVerse sau ba năm tổ chức. Trong tràng pháo tay kéo dài, ông chia sẻ niềm vui khi lần đầu sự kiện quy tụ hơn 100 gian hàng, có sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia và cơ quan quản lý đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Lần đầu tiên quy mô của Gameverse mở rộng lên hơn 100 đơn vị và gian hàng tham gia, gấp đôi so với mùa thứ 2 và gấp năm lần mùa đầu tiên. Số lượng vote cho các giải thưởng đạt hơn 3 triệu lượt, xô đổ kỷ lục của các mùa trước, đồng thời sự kiện thu hút được sự quan tâm của truyền thông trong và ngoài nước.
Dùng ngôn ngữ của lĩnh vực game để nói về sự đồng hành của Nhà nước, nhà phát hành, nhà sản xuất, nhà đầu tư và nhà trường, ông gọi đây là "5 vũ trụ game" đã cùng hội tụ, tạo nên sức mạnh cộng hưởng cho ngành game của Việt Nam. "Tất cả những điều này chứng minh Vietnam GameVerse đã trở thành sự kiện mang tầm khu vực và Việt Nam đã trở thành điểm đến của thế giới trong ngành game", ông phát biểu.
Những nhận định của Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sau đó được củng cố rõ nét từ các chuyên gia đến từ các tập đoàn toàn cầu như Google, Meta, Riot Games, hay các công ty phát triển game trong nước.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Trưởng ban tổ chức chương trình, phát biểu khai mạc sự kiện. Ảnh: Quỳnh Trần
Một trong những con số ấn tượng được ông Giuseppe Stasolla, Giám đốc Hệ sinh thái Đông Nam Á của Google Play chia sẻ là người dùng Việt tạo ra 6,1 tỷ lượt tải game trên Google Play - cao nhất thế giới, tương đương hơn 11.600 lượt được tạo ra mỗi phút. Theo ông Stasolla, ngành game Việt hiện không chỉ mạnh ở thị trường nội địa, các nhà phát triển đã thu về hơn 2.000 tỷ đồng từ người dùng quốc tế, với 5,7 tỷ lượt tải đến từ nước ngoài.
Dẫn lại các thống kê này, ông Nguyễn Mạnh Quyết, CEO iKame Global, một trong hai công ty Việt Nam vào top 10 lượt tải trên toàn cầu, khẳng định nhiều game Việt có chỗ đứng vững chắc, thậm chí tốt hơn mặt bằng chung toàn, ở nhiều thể loại như casual, RPG. "Nhiều quốc gia từ châu Âu, Ấn Độ dành sự quan tâm cho ngành game Việt. Một số đơn vị còn bay sang Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm. Họ rất ngạc nhiên khu chứng kiến sự phát triển thần tốc của ngành game Việt", ông Quyết nói.
Ở góc nhìn về thể thao điện tử, bà Laura Li, Giám đốc eSports khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Riot Games đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường có sức phát triển lớn của ngành thể thao này. Nhắc đến Vietnam Championship Series thu hút hơn một triệu lượt xem mỗi mùa hay ở một số giải đấu quốc tế, người dùng từ Việt Nam đứng top 3 toàn cầu, bà đánh giá cao sự gắn bó của cộng đồng eSports trong nước, với tình yêu dành cho tuyển thủ trong và ngoài nước không kém các cường quốc như Hàn Quốc hay Trung Quốc.
Đây là điều kiện cho những game thủ có thể biến đam mê game thành sự nghiệp. "Những cái tên như Faker hay Chovy từng bị hoài nghi, nay trở thành niềm tự hào quốc gia khi đứng trên bục vô địch trước hàng triệu người hâm mộ toàn cầu", bà nói. Theo đại diện Riot Games, eSports không chỉ là sân chơi mà còn là ngành có khả năng thúc đẩy đầu tư, chính sách giáo dục và sáng tạo nội dung. Bà kêu gọi sự chung tay của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng để xây dựng hệ sinh thái thể thao điện tử vững mạnh, đưa Việt Nam trở thành trung tâm eSports của Đông Nam Á.
Tìm đường thúc đẩy ngành game Việt Nam
Không chỉ dừng lại ở các nhận định về tiềm năng, các diễn giả tại Diễn đàn Game đưa ra những gợi ý, đề xuất cụ thể để phát triển ngành game Việt.
Một bài học thực tiễn đáng chú ý được chia sẻ tại diễn đàn là kinh nghiệm từ Ủy ban Quản lý Sản phẩm Game Hàn Quốc, thông qua phần trình bày của bà Bae Hyo Jin. Là quốc gia có ngành công nghiệp game phát triển từ năm 1989, Hàn Quốc xây dựng hệ thống phân loại độ tuổi bắt buộc dựa trên quy định luật pháp. Mỗi tựa game phát hành đều phải trải qua quy trình xét duyệt nghiêm ngặt, với hội đồng chuyên môn đánh giá chi tiết nội dung, hình ảnh, mô hình và thông điệp ẩn. Phần chia sẻ của bà Bae Hyo Jin được các nhà phát triển, chuyên gia trong ngành game Việt thể hiện quan tâm, coi đó là bài học kinh nghiệm để ứng dụng vào thực tiễn để nâng cao chất lượng trong công tác quản lý nội dung trò chơi điện tử, tạo ra môi trường giải trí tích cực, an toàn cho người chơi - đặc biệt là giới trẻ.

Bà Bae Hyo Jin, Quản lý Nhóm phân loại cấp độ sản phẩm game, Ủy ban Quản lý Sản phẩm Game Hàn Quốc. Ảnh: Thanh Tùng
Theo ông Giuseppe Stasolla, để ngành game phát triển bền vững, Việt Nam cần chú trọng vào ba trụ cột gồm chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững. "Thay vì nhân rộng số lượng, ta cần tạo ra những sản phẩm xuất sắc, có dấu ấn toàn cầu", ông nói. Ông cũng nhấn mạnh việc chú trọng yếu tố văn hóa và lịch sử sẽ tạo nên bản sắc riêng cho game Việt. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty VTC, đề xuất xây dựng Chiến lược quốc gia về "Game Văn hóa Việt Nam", thành lập quỹ hỗ trợ startup và phát triển IP game quốc gia mang màu sắc lịch sử, truyền thuyết Việt. Theo ông, game nên được nhìn nhận như một "di sản số", đóng vai trò kết nối truyền thống với thế hệ trẻ thời đại số.
Còn theo bà Phúc Nguyễn, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Meta, cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ định hình tương lai ngành game. Bà cho biết AI hiện không chỉ hỗ trợ quảng cáo, tối ưu vận hành mà còn giúp cá nhân hóa trải nghiệm và thiết kế trò chơi theo nhu cầu riêng biệt. Tuy nhiên, để không rơi vào lối mòn, bà khuyến nghị phải kết hợp AI với sáng tạo con người và văn hóa bản địa. Meta cho biết đang phát triển một dự án AI mã nguồn mở để giúp công nghệ này "hiểu" văn hóa Việt, đồng hành cùng các nhà phát triển nội địa.
Về khía cạnh thương mại hóa, ông Nguyễn Phạm Thế Lân, chuyên gia tư vấn cấp cao từ Baker McKenzie, nhấn mạnh các nhà phát hành cần đầu tư vào cộng đồng người chơi và tận dụng các thời điểm vàng như giải đấu eSports để ra mắt vật phẩm, sản phẩm thương mại. Đây là cách giúp ngành game Việt hấp dẫn hơn với nhà đầu tư quốc tế và tăng nguồn thu.
Nhắn gửi đến các nhà phát triển có mặt tại khán phòng, ông Bùi Thành Trung, đại diện Amanotes, đơn vị phát triển Magic Tiles 3, cho rằng game Việt cần dũng cảm "mơ những giấc mơ vĩ đại, điên rồ" thay vì chạy theo thị trường. Ông nhấn mạnh sản phẩm thành công phải được làm từ tâm huyết và sự kiên trì, đồng thời đặt mục tiêu vươn ra toàn cầu ngay từ đầu. Với lập trình viên, từng dòng code phải được viết ra từ tâm vì sản phẩm từ tâm huyết mới có thể chạm đến thị trường. Lập trình viên cũng nên đặt mục tiêu cao hơn cho sản phẩm - vươn ra thế giới, thay vì làm game đại trà, chạy theo thị trường. "Luôn tin và giấc mơ, kiên trì, bền bỉ và dám nghĩ lớn là những gì tôi muốn nói", ông Trung khẳng định.
Trong khi đó, TS. Cao Minh Thắng từ Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông (PTIT) cho rằng liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp chính là đòn bẩy quan trọng để phát triển nguồn lực bền vững. Dẫn theo một sinh viên năm nhất với sản phẩm game đạt giải nhất trong một cuộc thi mới đây và đã được phát triển thương mại hóa, ông Thắng cho rằng các chương trình đào tạo nên có sự tham gia của doanh nghiệp từ khâu thiết kế môn học, đồng thời khuyến khích sinh viên tiếp cận văn hóa dân tộc để phát triển sản phẩm mang bản sắc Việt.
"Việt Nam đang viết lại câu chuyện ngành game của chính mình, ngay tại đây, tại GameVerse 2025", bà Laura Li kết bài chia sẻ.

Một góc sự kiện Vietnam GameVerse 2025 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Ảnh: Thanh Tùng
Vietnam GameVerse do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, BáoVnExpress, Công ty FPT Online và Liên minh Game Việt Nam phối hợp tổ chức. Sự kiện diễn ra từ 9h đến 23h ngày 26/5 và từ 9h đến 18h ngày 27/5 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), gồm loạt hoạt động trải nghiệm game, công nghệ và giải trí dành cho cộng đồng game.
Ba hoạt động chính của ngày đầu tiên 26/5 là Diễn đàn Game Việt Nam từ 9h, Chung kết GameHub từ 15h và Lễ trao giải Vietnam Game Awards 2025 sẽ bắt đầu từ 20h30.
Lưu Quý
Xem diễn biến chính