-
12h00
"Game Việt nên tận dụng lợi thế dẫn đầu"
Phần cuối diễn đàn, các chuyên gia cùng hiến kế nhằm tạo đòn bẩy phát triển cho ngành game Việt .
Ông Antoine Brochet nói, khi một nhà phát triển game nghĩ đến việc thâm nhập thị trường mới, điều quan trọng là họ phải hiểu những đặc điểm độc đáo của thị trường (về hành vi người dùng, thói quen chi tiêu, văn hóa, ngôn ngữ, chiến thuật kinh doanh). Đi cùng, đơn vị phải tìm hiểu xem những thị trường nào khác có chung những đặc điểm đó. Những kiến thức họ có về những đặc điểm này sẽ giúp họ có lợi thế khi thâm nhập vào những thị trường mới đó.
Họ cũng nên xác định những điểm khác biệt phải thích ứng. Ví dụ: game có cần bám sát văn hoá bản địa về ngôn ngữ và phương thức thanh toán không. Các kênh họ cần sử dụng để tiếp cận người dùng và xây dựng cộng đồng là gì?
Thứ hai, cụ thể hơn đối với Việt Nam - cần tiếp tục tập trung vào đổi mới sáng tạo. Trong hai năm qua, Việt Nam đã được biết đến nhiều trên toàn cầu nhờ sự đổi mới trong các game blockchain. Các nhà phát triển trò chơi ở Việt Nam nên tận dụng vị trí dẫn đầu này, chia sẻ và tiếp tục học hỏi từ những bài học trong vài năm tới để xây dựng làn sóng game tiếp theo.
Với vai trò nhà sản xuất nội địa, ông Tuấn cho rằng, trong bất kỳ ngành kinh doanh nào đều có hai mặt sản xuất và phân phối. Tại thị trường game Việt Nam, mặt phân phối đã được thực hiện từ nhiều năm nay và khá tốt. Vấn đề hiện nay là sản xuất. Sản xuất cần tập trung vào những sản phẩm có độ sâu và phức tạp hơn. Khi giải quyết được bài toán có chiều sâu thì thu hút được nguồn vốn.
Để xuất khẩu được game ra nước ngoài, ông Tuấn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nội dung game có chiều sâu. Ông cho rằng Việt Nam chưa có cơ sở đào tạo bài bản về sản xuất game. "Nếu lôi kéo được khoảng 20 nhà sản xuất game lớn trên thế giới hướng dẫn sản xuất game thì rất tốt", ông nói. Đại diện Funtap cho biết hiện đã có một số công ty sản xuất game nước ngoài đã có mặt ở Việt Nam và đã sẵn sàng đào tạo.
Trước khi kết thúc sự kiện, MC Vĩnh Phú đề nghị các chuyên gia miêu tả ngắn về bức tranh thị trường game Việt Nam trong 5 năm năm tới. Ông Việt Anh dùng ba từ: bùng nổ, phát triển, khó lường. Ông Tuấn bổ sung thêm từ "bản lề". Ông lý giải, ngoài sự kiện hôm nay với ý nghĩa đặc biệt, thị trường game cũng chịu ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế. Điều này khiến nhiều công ty game quay về giá trị nội tại, phát triển bên trong.
Diễn đàn Game Việt Nam kết thúc lúc 12h.
-
11h55
Trong quá trình đồng hành cùng với các đơn vị làm game tại Việt Nam, ông Antoine Brochet nhận thấy đơn vị sản xuất game gặp nhiều thách thức. Các khó khăn này đặc thù theo từng đơn vị, thể loại trò chơi và nền tảng trò chơi mà sử dụng. Và để khắc phục, Amazon Web Service (AWS) mang đến nhiều giải pháp hỗ trợ toàn bộ quy trình phát triển trò chơi: từ xây dựng nội dung game, sản xuất, phát hành.
AWS hỗ trợ phân phối trò chơi từ cơ sở hạ tầng đa vùng, có thể mở rộng thông qua mạng phân phối nội dung toàn cầu. Với những khó khăn về kinh tế và khủng hoảng chi phí, nhiều nhà phát triển game yêu cầu AWS rút ngắn vòng đời phát triển game thông qua các giải pháp phát triển trên nền tảng đám mây và AI.
Các nhà phát triển trò chơi cũng quan tâm nhiều hơn đến chi phí nên họ đang xem xét các giải pháp để giảm chi phí máy chủ trò chơi, tận dụng các dịch vụ được quản lý của chúng tôi như Amazon GameLift. Và cuối cùng, các nhà phát triển cũng quan đến việc tăng doanh thu và tạo ra giá trị lâu dài của người dùng. Để làm được điều này, họ tận dụng các giải pháp phân tích AWS như quy trình phân tích trò chơi hoặc phân tích tỷ lệ rời bỏ của người dùng để hiểu rõ hơn, phát triển và giữ chân những người chơi.
-
11h52
Học từ nền công nghiệp game thịnh vượng
Cùng trong khu vực châu Á, có hai thị trường mà Việt Nam có thể học hỏi là Hàn Quốc và Trung Quốc - ý kiến nêu bởi Quản lý Microsoft.
Cụ thể, ông Việt Anh nói từ năm 2009, Hàn Quốc thành lập một cơ quan quản lý, phát triển nội dung kỹ thuật số mang tên Kocca. Đơn vị này có vai trò hỗ trợ Chính phủ, nhà phát triển game Hàn Quốc phát triển nội dung, tạo điều kiện phát triển game nội địa vươn ra toàn cầu.
Một thị trường lớn hơn là Trung Quốc. Quốc gia này có những động thái mạnh tay hơn như công nhận eSports là trong 1.900 nghề có danh xưng, nhiều vị trí công việc tốt. Nước này cũng có những ngành học đầu tiên về eSports trong khu vực châu Á, như cách phát triển, quản lý đội tuyển chuyên nghiệp. Đất nước hơn 1,4 tỷ dân còn đưa bộ môn này thành hạng mục thi đấu chính thức trong giải quốc tế lẫn quốc gia.
"Nhìn từ Hàn Quốc và Trung Quốc có thể thấy điều làm nên thành công là sự đồng lòng trên xuống nhằm phát triển cộng đồng lớn mạnh. Việt Nam có nhiều cơ hội và tiềm năng khi học hỏi từ các đất nước này, làm bàn đạp cho sản phẩm tương lai", ông nhấn mạnh, nhiều tràng vỗ tay đồng tình vang lên.
-
11h50
'Thế giới ngạc nhiên về hệ sinh thái game Việt Nam'
Có nhiều điểm hấp dẫn đó, thị trường game Việt cũng tồn tại vô số hạn chế trong việc thu hút đầu tư. Lý giải rõ hơn, ông Antoine Brochet nói ngành game Việt hấp dẫn vì có rất nhiều khía cạnh cần được đầu tư. Việt Nam cũng tập hợp một cộng đồng chơi game khá lớn và tích cực, nhiều lập trình viên tài năng, sáng tạo, cùng với nhiều doanh nghiệp năng động.
Tuy nhiên những lợi thế này vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp thế giới hiểu đúng. Ông nói: "Nhiều đối tác của Amazon Web Service từ EMEA hoặc Mỹ đã rất ngạc nhiên khi nghe chúng tôi nói về số lượng game thủ ở Việt Nam và hệ sinh thái trò chơi ở đây năng động như thế nào".
Điểm đáng mừng, theo đại diện Amazon Web Service là các rào cản này dần thay đổi. Hiện đã có rất nhiều sự chú ý đến Việt Nam nói riêng; hệ sinh thái trong nước đang bắt đầu được công nhận và tôn vinh bên ngoài Đông Nam Á.
-
11h48
Tự động hoá có thể xuất xưởng game nhanh
Trước những xu hướng đã nêu, ông Đào Việt Anh đánh giá với các nhà phát triển, thách thức và cơ hội luôn song hành. Nói về cơ hội, có nhiều nhà phát triển game nước ngoài luôn săn đón nhà phát triển Việt Nam. Tuy vậy nó tạo ra thách thức: game developer chia hai trường phái - sản xuất các game mì ăn liền (thể loại hyper casual) vì nó tiền kiếm nhanh hơn; thứ hai là gia công vì các hãng nước ngoài trả lương, chi phí tốt hơn. Một khó khăn nữa đến từ chất lượng của sản phẩm game.
Đại diện Amazon Web Service cho biết các nhà phát triển nên tận dụng lợi thế của tự động hóa và AI để tiết kiệm thời gian và tài nguyên khi sáng tạo game. Ông đưa ra ví dụ về việc tự động hóa phát triển trò chơi để giảm thời gian thử nghiệm. Từ đó giúp sản phẩm có thể xuất xưởng trò chơi sớm hơn. Đây chỉ là một trong nhưng ví dụ, thực tế việc áp dụng AI mang lại hiệu quả ở nhiều khía cạnh hơn.
Ý kiến của Đào Quang Tuấn xoay quanh sự khác biệt của thị trường: nước ngoài có sự phân loại khác Việt Nam, phân loại người chơi và người xem; còn Việt Nam thì gộp chung là game thủ. Ở nước ngoài người chơi có thể tạo ra các nội dung game và có thể lôi kéo người xem. Truyền thông nước ngoài nhận thấy người xem rất lớn và tạo ra một xu hướng để họ đi theo. Người chơi có thể tạo ra các sản phẩm, xu hướng. Ở Việt Nam ít nhà sản xuất tạo ra được các sản phẩm có độ sâu, chóng đến chóng đi.
-
11h47
'Game sớm nở tối tàn chủ yếu do người chơi đầu cơ'
Các doanh nghiệp nên chọn xu hướng nào trong tương lai là vấn đề được đặt ra đầu tiên. Ông Antoine Brochet, đại diện Amazon Web Service cho rằng việc các trào lưu sớm nở tối tàn là do các game có nội dung đơn giản, chưa sâu, người chơi là đầu cơ, không phải game thủ. Các doanh nghiệp game cần hướng đến cả hai yếu tố: nâng cao trải nghiệm người dùng đồng thời nhanh chóng "bắt trend" theo từ khóa hot, theo công nghệ mới nổi. Lý do, các doanh nghiệp cần phải hiểu các xu hướng bởi điều này dễ tiếp cận, sẽ mang lại lợi thế lớn. Tuy nhiên, bắt kịp xu hướng chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không mang đến trải nghiệm tốt cho người chơi. Nhiều game blockchain bỏ qua trải nghiệm thú vị của người dùng đã không trở thành trò chơi phổ biến.
Theo đại diện Amazon Web Service, điều này không có nghĩa là chúng ta nên coi trò chơi blockchain là một thất bại. Có rất nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục tìm hiểu cách kết hợp blockchain tốt nhất vào trải nghiệm chơi trò chơi thú vị, mang đến nhiều dấu hiệu tích cực. "Chúng tôi mong muốn được thấy những sự phát triển dành cho thể loại trò chơi này", ông nói.
Nói về tác động của các xu hướng, ông Đào Việt Anh cho rằng, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội trước xu hướng chơi game hiện nay, Ông cho rằng người chơi phổ biến là các Gen Z - những người chơi game có chiều sâu, chơi những game phức tạp hơn những thế hệ trước. Đây chính là động lực thúc đẩy các đơn vị tạo ra những sản phẩm chất lượng, thú vị.
-
11h30
Công nghệ, dòng vốn - hai yếu tố định hình ngành game
Khép lại phần chia sẻ từ Microsoft, Diễn đàn Game đến với phiên thảo luận thứ hai xoay quay chủ đề: "Các yếu tố về xu hướng, công nghệ, dòng vốn định hình thị trường công nghiệp ngành game". Các chuyên gia bàn luận về các tạo lực đẩy về nền tảng và công nghệ giúp doanh nghiệp Việt đi nhanh hơn, thu hút dòng vốn... Đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của các đơn vị tham gia lĩnh vực này.
Ba chuyên gia cùng đối thoại là ông Đào Việt Anh - Quản lý và Phát triển cộng đồng Startup & Developer tại Việt Nam của Microsoft; ông Antoine Brochet - Trưởng bộ phận phát triển game, khu vực Đông Nam Á, Amazon Web Service; ông Đào Quang Tuấn - Giám đốc khối kinh doanh game Funtap.
-
11h20
Doanh nghiệp chi cho các lập trình viên game 4 tỷ USD
Sau phần thảo luận đầu tiên, ông Triệu Hải Linh - Chuyên gia Azure Data AI, Azure for Gaming, Microsoft nói về câu chuyện đầu tư, trao quyền cho các nhà sáng tạo game tại Việt Nam và trên thế giới.
Từng là một lập trình viên với những dự án đầu tiên cũng trong ngành game, ông có nhiều tâm huyết trong việc hỗ trợ cho các nhà sáng tạo nội dung. Ông Linh nêu, hiện tại thị trường và chất lượng game Việt ngày càng cao. Các dòng game triển khai trên các kho ứng dụng đã sản phẩm từ của studio Việt. Sắp tới, Microsoft sẽ tập trung phát triển ba mảng tại Việt Nam: hệ sinh thái công nghệ, hỗ trợ lập trình; đào tạo, nâng cao năng lực lập trình; marketing để đưa game ra thế giới.
Về hệ sinh thái công nghệ, Microsoft đã làm game 40 năm với có 23 studio nội bộ. Vì vậy tất cả công nghệ phát triển cho ngành công nghiệp game đều đã đã được thử lửa bằng các sản phẩm game đình đám nhất. Với Azure, mũi nhọn của tập đoàn nằm ở AI. Trước đó, trong một sự kiện ngày 18/3, đơn vị đã giới thiệu một số bài toán ứng dụng AI trong làm game như: xếp phòng, dự đoán gian lận; cao cấp có việc tự tạo concept 2D, 3D, hội thoại, nhân vật kịch bản theo ý muốn...
Sản phẩm khác là AI đóng gói sẵn cho lập trình viên có GitHub Copilot. Ông trình chiếu một đoạn video mô phỏng quá trình phát triển game, hệ thống lập tức tự động sinh ra mã nguồn để tạo ra nhân vật, đưa logic vào nhân vật mà không cần trực tiếp code, chỉ cần gõ mong muốn bằng ngôn ngữ thông thường.
Tiếp theo là đào tạo, cách đây vài tuần Microsoft ra mắt chương trình GitHub Education kết nối sinh viên, lập trình viên có hoạt động nổi bật trên cộng đồng với thế giới để thực tập có lương tại các công ty toàn cầu. Microsoft hiện chỉ có chương trình này tại 10 quốc gia toàn cầu và Việt Nam là một trong số đó. Đây là cơ hội giúp các bạn trẻ tiếp cận cơ hội làm việc quốc tế ngay khi ngồi trên ghế nhà trước.
Sau đó, đơn vị có chương trình iD@ Azure. Cách đây một năm hãng chỉ tài trợ cho các studio mức 5.000 USD, hiện nay con số đã lên đến 150.000 USD. Tại ngày hội hôm nay, các lập trình viên có thể đến gian hàng Microsoft để nhận tài khoản GitHub, Open AI trải nghiệm
Cuối cùng là hỗ trợ marketing. Microsoft theo hướng hỗ trợ để tự đưa game mình lên nền tảng của tập đoàn này. Tuần trước hãng kỷ niệm 10 năm chương trình iD@ Xbox. Một số kết quả được nêu ra: hãng đã làm việc với hơn 5.000 studio, lập trình viên độc lập trên 100 quốc gia, ra mắt 5.000 game. "Đến nay, chúng tôi chi trả cho các lập trình viên trên 4 tỷ USD", ông Linh cho biết.
Sở hữu nội dung vẫn là của các nhà phát triển nhưng cơ hội của họ là tiếp cận đội ngũ review, marketing. Tập đoàn còn đề cao nội dung đa dạng, đặc thù đến từ mọi người. Vì vậy iD@ Xbox vừa bổ sung thêm một nhánh dành cho cộng đồng lập trình viên yếu thế: phụ nữ, LGBT, khuyết tật, quốc gia đang phát triển... Phần trình bày của ông Linh thu hút sự chú ý của nhiều đơn vị lập trình.
-
11h05
Mục tiêu tỷ đô với ngành game Việt
Với câu hỏi về kế hoạch doanh thu cho ngành game Việt thời gian tới, ông Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ đặt ra kế hoạch sau 5 năm, doanh thu ngành game tăng lên con số 1 tỷ USD so với hiện nay là 600 triệu USD. Không chỉ có 30 doanh nghiệp đang hoạt động mà cần tăng lên con số trong thời kỳ hoàng kim của ngành game là 100-150 doanh nghiệp. Bộ cũng đặt ra con số kêu gọi 400 startup sản xuất game tham gia cộng đồng.
Bộ Thông tin Truyền thông cho biết Học viện Bưu chính Viễn thông – trường đại học chuyên ngành công nghệ thông tin đã đề xuất lên Bộ Giáo dục để mở bộ môn mới chuyên đào tạo cho ngành game. Ngoài ra, Bộ đã kết nối với Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học FPT, Bách Khoa và nhiều trường khác để trong 5 năm tới bổ sung đào tạo chuyên ngành game.
Ông Do hy vọng trong 5 năm tới, năm nào cũng có sự kiện kèm chuỗi hội thảo, hội nghị xúc tiến thương mại, nhằm thay đổi định kiến của mọi người để coi ngành game là ngành chủ lực trong việc phát triển công nghệ 4.0
-
10h55
Game Việt không ngại cạnh tranh với game ngoại
Nói tiếp về thách thức trước sự "xâm nhập" của các công ty game nước ngoài, ông Lã Xuân Thắng của VNG cho rằng các doanh nghiệp trong nước không ngại cạnh tranh bởi chúng ta đủ nhân lực, tiềm lực, nhân sự. "Cái khó với chúng ta là sự bất bình đẳng, khi phải đối mặt với game lậu từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam vốn không chịu sự kiểm soát về nội dung và thuế...", ông Thắng nói.
Thời gian gần đây thì Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những động thái bảo vệ doanh nghiệp, tìm lại sự công bằng cho doanh nghiệp game Việt. Điều này khiến các doanh nghiệp cảm thấy như được tiếp thêm động lực để phát triển, tập trung vào những sản phẩm chất lượng trong thời gian tới.
Ông Thái Thanh Liêm chia sẻ, bản thân cảm thấy khá trăn trở khi nhìn thấy những gì đang diễn ra tại thị trường game Việt Nam, người Việt chơi game nước ngoài nhiều hơn chơi game được sản xuất tại Việt Nam. CEO của Topebox cho rằng, một phần nguyên nhân là trình độ làm game của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu và tầm chơi của người Việt Nam. Thực tế, người Việt Nam có trình độ chơi game khá cao. Ông Liêm cũng so sánh, Trung Quốc và Hàn Quốc là những mà game rất phát triển, người chơi có tầm cao và thường chơi game do chính người Trung Quốc và Hàn Quốc tự sản xuất.
Nhân so sánh với thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc, ông Thắng cho rằng trình độ phát triển game lớn của Việt Nam là chưa tới, một phần do các doanh nghiệp chưa tập hợp được với nhau để phát huy thế mạnh của nhau. Ông nhận định khi các doanh nghiệp tập hợp lại, thì chúng ta sẽ cùng phát triển và làm được những game lớn như ở nước ngoài. Ông cho rằng môi trường Internet không có biên giới, không có khái niệm xuyên từ chỗ nọ sang chỗ kia. Ở một thế giới phẳng, chúng ta đừng lo game nước ngoài Việt Nam sẽ ra sao và game Việt Nam ra nước ngoài sẽ ra sao. "Quan trọng là cần sự công bằng, chúng ta cần hai yếu tố rõ ràng: văn hóa và đóng thuế đầy đủ. Kinh doanh và có lợi nhuận thì phải đóng thuế, dù đó là công ty trong nước hay nước ngoài.
Còn theo CEO Topebox, doanh nghiệp mong muốn phục vụ nhiều hơn nhu cầu con người, muốn mang lại cơ hội cho các bạn trẻ bằng cách đưa ra lựa chọn những dự án game tiềm năng. Ông Liêm kỳ vọng trong năm nay và thời gian sau sẽ có nhiều sản phẩm sáng tạo từ đội ngũ Việt Nam cạnh tranh và chiến thắng các sản phẩm nước ngoài.
Về phía VTC, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, người làm trong ngành game cần nhất là sự công bằng trên thị trường. Chúng ta đang bất lợi vì chưa tạo ra sản phẩm lớn trên toàn cầu, tuy vậy đây cũng là lợi thế. Khi chưa có gì mà muốn làm thì dễ hơn, chúng ta hiện đuổi rất sát thế giới. Như đua xe, dẫn đầu chưa chắc, dẫn sau có thể bật lên nếu tìm được cơ hội. "Nền kinh tế tri thức đưa mọi thứ cùng về vạch xuất phát", ông nhấn mạnh.
Ông Bảo nói thêm, nếu coi là game là một ngành thì sẽ có nghề, có nghề sẽ có sản phẩm. Chúng ta cần cơ hội để xuất hiện, lộ diện, giúp cơ quan quản lý thấy ngành game có thể làm được những gì. Như công nghệ game làm nên phim bom tấn, hay các công nghệ truyền hình mới trong tổ chức giải đấu eSports. Từ đó ngành quảng cáo, tài trợ cũng thay đổi.
"Tôi hy vọng có sự đồng hành cơ quan quản lý để hỗ trợ chính sách, nguồn lực giúp các doanh nghiệp có thể tổ chức thêm những sự kiện thế này. Khi các startup có thêm nguồn lực, họ sẽ có cơ hội để xuất hiện, giúp đơn vị quản lý thấy lực lượng ngành game tại Việt Nam đông đảo thế nào", ông nhấn mạnh.