Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris tranh luận trực tiếp lần đầu vào tối 10/9 trong sự kiện do đài ABC tổ chức tại thành phố Philadelphia.
Bà Harris tỏ ra điềm tĩnh, tập trung hơn. Đôi khi, bà dụ Trump sa bẫy, khiến ông bày tỏ sự khó chịu. Ứng viên đảng Cộng hòa thường bị đẩy vào thế phòng thủ.
Tuy nhiên, mỗi ứng viên đều có những phần thể hiện tốt và chưa tốt trong cuộc tranh luận.
Điểm mạnh của Harris
Quyền phá thai là vấn đề bà Harris khai thác tốt nhất. Kể từ khi Tòa án Tối cao đảo ngược phán quyết "Roe chống lại Wade" (phán quyết khiến phá thai thành một quyền được hiến pháp Mỹ công nhận) hồi tháng 6/2022, đảng Cộng hòa đã gặp nhiều khó khăn khi nhiều cử tri phản đối lệnh cấm phá thai. Hiện vấn đề cho phép phá thai hay không do các bang tự ấn định.
Bà lên án vai trò của ông Trump trong việc bổ nhiệm ba thẩm phán tối cao theo xu hướng bảo thủ, những người góp phần lật ngược phán quyết về quyền phá thai.
"Hiện tại lệnh cấm phá thai của ông Trump đã có hiệu lực ở hơn 20 bang. Donald Trump chắc chắn không nên ra lệnh cho phụ nữ phải làm gì với cơ thể mình", bà nói.
Harris mô tả nhiều phụ nữ đã bị từ chối phá thai và các dịch vụ chăm sóc khẩn cấp khác, khẳng định ông Trump sẽ áp lệnh cấm phá thai toàn quốc nếu giành chiến thắng.
Phần đáp trả của ông Trump có phần kém hiệu quả, khi các câu trả lời của ông thường không rõ ý và quanh co. Ông cáo buộc Tim Walz, phó tướng của bà Harris, ủng hộ "giết trẻ em ngay sau khi được sinh ra", song người dẫn chương trình Linsey Davis phản bác phát ngôn này.
Bạo loạn Đồi Capitol cũng được xem là chủ đề gây ấn tượng của bà Harris. Ông Trump đã bị luận tội và sau đó truy tố về cuộc bạo loạn hồi tháng 1/2021, liên quan tới nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Bà Harris đã biến đây thành công cụ để khiêu khích ông Trump.
"Donald Trump đã bị 81 triệu người sa thải, đó là điều rõ ràng. Ông ấy đang trải qua quãng thời gian khó khăn vì những vụ kiện liên quan việc này", bà Harris nói.
Ứng viên đảng Dân chủ không chỉ cố chứng minh ông Trump không phù hợp với vai trò lãnh đạo Mỹ mà còn cố châm ngòi để đối thủ công kích cá nhân. Đây là cái bẫy mà các cố vấn và đồng minh đã cảnh báo ông Trump nên tránh xa.
Bà Harris nói đã đi khắp thế giới với tư cách Phó tổng thống Mỹ và các lãnh đạo thế giới "đang cười nhạo" Trump. Bà cũng cho rằng Trump "quan tâm đến việc bảo vệ bản thân hơn là quan tâm tới người dân" và khẳng định "người dân Mỹ xứng đáng với điều tốt hơn".
Điểm yếu của Harris
Tuy nhiên, bà Harris cũng có những khoảnh khắc tranh luận kém hiệu quả. Người dẫn chương trình hỏi liệu các giá trị mà bà xây dựng có thay đổi hay không, khi nhiều lập trường chính sách của bà đã thay đổi. Bà từng ủng hộ lệnh cấm khai thác dầu đá phiến nhưng giờ đã thay đổi, bà cũng giảm sự ủng hộ trước đây với chương trình Medicare for All và vấn đề phi hình sự hóa vượt biên trái phép.
Harris đã không đưa ra câu trả lời thuyết phục nào, thay vào đó né tránh và muốn thoát khỏi những chủ đề này.
Xung đột Gaza cũng không phải là chủ đề thành công với bà Harris. Cuộc xung đột này có lẽ là vấn đề gây chia rẽ nhất trong đảng Dân chủ. Bà tái khẳng định lập trường rằng "Israel có quyền tự vệ", nhưng cũng nói rằng "quá nhiều người Palestine vô tội bị giết hại". Bà nói rằng người Palestine nên được hưởng đảm bảo an ninh "ngang bằng" với người Israel, cũng như có quyền tự quyết.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu bà Harris có thực sự tạo ra điều gì khác biệt nào về chính sách so với chính quyền hiện tại về vấn đề này nếu được bầu vào tháng 11 hay không.
Điểm mạnh của Trump
Dù nhiều nhà quan sát đánh giá Trump bị Harris dồn vào thế khó, những gì ông thể hiện vẫn có những điểm sáng.
Nền kinh tế thường là vấn đề đứng đầu trong danh sách mối quan tâm của cử tri Mỹ. Cả ông Biden và bà Harris đều chưa hoàn toàn khắc phục tổn thất chính trị mà họ phải chịu sau khi lạm phát lên mức đỉnh điểm năm 2022.
Ông Trump đã phóng đại tỷ lệ lạm phát lên mức 21%, trong khi đỉnh điểm chỉ ở mức 9,1% tính theo năm. Tuy nhiên, ông đã khai thác tốt sự bất mãn của người dân.
"Tôi chưa bao giờ thấy giai đoạn nào tồi tệ hơn thế", ông nói và thêm rằng người dân gặp rất nhiều khó khăn để mua được ngũ cốc, trứng hoặc các nhu yếu phẩm khác.
Ông lập luận rằng nhiệm kỳ tổng thống của mình đã có nền kinh tế mạnh mẽ, trước khi bị Covid-19 phá hoại. "Biden và Harris đã phá hủy nền kinh tế. Các cuộc thăm dò cho thấy 80, 85 hoặc thậm chí 90% số người được hỏi cho rằng nền kinh tế thời Trump rất tuyệt vời trong khi nền kinh tế thời họ thì tệ hại", cựu tổng thống nhấn mạnh.
Một trong những chủ đề căng thẳng nhất giữa ông Trump và bà Harris là cuộc chiến ở Ukraine.
Người điều phối David Muir đặt câu hỏi cho Trump rằng "có muốn Ukraine giành chiến thắng không?". Cựu tổng thống không trả lời trực diện vấn đề mà chỉ bình luận "tôi nghĩ việc chấm dứt cuộc chiến này sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho Mỹ".
Lập luận chỉ muốn "chấm dứt xung đột" của ông Trump có thể thu hút ủng hộ của một số người Mỹ đang sống trong cảnh khó khăn, khi họ cảm thấy số tiền viện trợ cho Ukraine nên dành cho các vấn đề trong nước.
Viện trợ của Mỹ cho Ukraine là vấn đề gây nhiều chia rẽ trong xã hội Mỹ. Cuộc thăm dò của Gallup đầu năm nay cho thấy 36% người dân Mỹ tin rằng nước này đã làm quá nhiều để giúp Ukraine.
"Chúng ta đã chi 250 tỷ USD hoặc hơn bởi vì họ không yêu cầu châu Âu, nơi được hưởng lợi lớn hơn, thực hiện điều này", ông Trump nói.
Điểm yếu của Trump
Tuy nhiên, ông Trump đã có nhiều phần thể hiện khiến những đồng minh thất vọng và người ủng hộ lo lắng.
Người Mỹ vốn đã quen với việc ông Trump đưa ra nhiều tuyên bố không có căn cứ, song vẫn có thể giật mình trước một số điều mà ông nói ra. Trong cuộc tranh luận ngày 10/9, ông Trump cáo buộc người nhập cư Haiti "ăn thịt thú cưng của dân Mỹ" tại thành phố Springfield thuộc bang Ohio.
Tuy nhiên, người điều phối tranh luận David Muir nói với cựu tổng thống rằng đài ABC đã liên lạc với giới chức ở Springfield và "không có căn cứ nào" chứng minh cáo buộc này.
Hồi cuối tháng 7 ông Trump đưa ra bình luận gây nhiều tranh cãi tại sự kiện của Hiệp hội Nhà báo da màu Quốc gia, nói rằng bà Harris, người có gốc gác Ấn Độ và Jamaica, gần đây mới nhận bản thân là người da đen.
Trong cuộc tranh luận tối 10/9, khi được hỏi liệu có thấy chủ đề này phù hợp, ông Trump nói "tôi không quan tâm chủng tộc của bà ấy là gì".
Song khi người điều phối tiếp tục hỏi dồn ông về vấn đề này, Trump đáp "theo tất cả những gì tôi đã đọc, bà ấy từng không nhận là người da đen. Nhưng sau đó bà ấy lại nói mình là người da đen. Điều đó không vấn đề gì cả".
Công kích cá nhân Harris, đặc biệt về chủng tộc, luôn là điều các đồng minh của Trump muốn ông tránh xa.
Có lẽ khoảnh khắc gây tổn hại nhất cho ông Trump là về chủ đề chăm sóc sức khỏe, được đưa ra gần cuối cuộc tranh luận. Người điều phối Linsey Davis đã chất vấn ông Trump về việc không đưa ra được kế hoạch thay thế Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Giá phù hợp (Obamcare), dù đã cam kết bãi bỏ nó suốt 9 năm.
Ông Trump đã không đưa ra được bất kỳ câu trả lại cụ thể nào, trong khi Davis tiếp tục gây sức ép. "Ông chỉ cần trả lời có hoặc không? Ông vẫn chưa có kế hoạch sao?", Davis hỏi.
Cựu tổng thống trả lời mơ hồ "tôi có khái niệm về một kế hoạch".
Robert F. Kennedy Jr., vốn là ứng viên tranh cử độc lập trước khi từ bỏ cuộc đua và chuyển sang ủng hộ Trump, nhận xét rằng bà Harris "rõ ràng đã thắng thế trong cuộc tranh luận về cách truyền đạt, sự chỉn chu và sự chuẩn bị".
Tuy nhiên, Kennedy Jr. cho rằng ông Trump vạch ra tầm nhìn chính sách tốt hơn, cụ thể hơn. "Tôi nghĩ về bản chất, Tổng thống Trump giành chiến thắng về cách điều hành", Kennedy nói.
"Nhưng ông ấy đã không được kể câu chuyện đó, ông ấy đã mất tập trung. Thật không may vì tôi nghĩ ông ấy thực sự có lập luận chặt chẽ cho nhiệm kỳ của mình, nhưng ông ấy đã không thể trình bày lập luận đó trước công chúng Mỹ", Kennedy Jr. nhận xét thêm.
Kennedy Jr. dự đoán trong những cuộc thăm dò vào tuần sau, mức ủng hộ ông Trump sẽ giảm nhẹ. Tuy nhiên, ông vẫn tin Trump là ứng viên tốt hơn về mặt chính sách. "Tôi lắng nghe bản chất vấn đề và về bản chất thì ông Trump giành chiến thắng", Kennedy Jr. nói.
Thùy Lâm (Theo The Hill, AP, CNN)