Chiều 15/6, trường Đại học Thương mại (TMU) công bố điểm chuẩn của 4 phương thức: Xét học bạ với thí sinh trường chuyên (mã 200); xét điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội (402a); Điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (402b); Xét chứng chỉ quốc tế kết hợp với học bạ (410).
Với phương thức xét học bạ, trường tính tổng điểm trung bình ba năm của các môn trong tổ hợp, cộng điểm ưu tiên theo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. So với năm ngoái, đa số ngành tăng 1-2 điểm chuẩn.
Xếp sau Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (29,25 điểm) là ngành Marketing, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử (cùng lấy 29 điểm). Các ngành khác lấy đầu vào từ 25 điểm trở lên.
Bốn ngành này cũng có mức trúng tuyển cao nhất ở cách xét kết hợp chứng chỉ quốc tế với học bạ, khoảng 26,25-27 điểm, còn lại lấy trên 22 điểm. Đây là điểm quy đổi chứng chỉ (8-12 điểm) cộng điểm Toán và một môn khác (Ngữ văn, Vật lý, Hóa học).
Điểm chuẩn với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức khoảng 18,5-22 điểm. Mức này là 18-21 với kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Điểm của hai kỳ thi này được tính theo thang 150 và 100, trường Thương mại quy đổi về thang 30 bằng công thức: Điểm xét tuyển = Điểm đạt được x 30/150.
Năm nay, trường Đại học Thương mại tuyển 4.950 sinh viên. Ngoài bốn phương thức xét tuyển trên, trường còn tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 (xem điểm chuẩn 2023).
Học phí năm học 2024-2025 của trường là 24-26 triệu đồng với chương trình chuẩn, 35 triệu đồng với chương trình định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế.
Năm ngoái, đầu vào theo điểm thi tốt nghiệp THPT khoảng 24,5-27. Ba ngành Marketing thương mại, Kinh doanh quốc tế và Marketing số cùng lấy mức cao nhất.
Lệ Nguyễn