Giới chức Trung Quốc đã huy động hàng trăm máy móc và công nhân để đẩy nhanh tiến độ. Các cơ sở mới dựa trên thiết kế sẵn có của Bệnh viện Xiaotangshan tại Bắc Kinh từng được sử dụng trong đợt đại dịch SARS năm 2003-2003.
Hai bệnh viện dã chiến được đặt ở Vũ Hán, cơ sở thứ ba xây dựng tại thành phố Ngạc Châu. Tất cả đều thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đây là một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của bệnh viêm phổi.
Hai cơ sở Vũ Hán sẽ cung cấp thêm 2.300 giường bệnh, được đặt tên Houshenshan (có nghĩa là Núi Thần lửa) và Leishenshan (Núi Thần sấm) để thể hiện quyết tâm chống lại sự bùng phát của dịch bệnh. Cả Houshenshan và Leishenshan đều do quân đội quản lý.
Trong khi đó, bệnh viện ở Ngạc Châu có khoảng 600 giường mới.
Cả ba bệnh viện sẽ có đủ nguồn cung vật tư và thiết bị y tế, đồ bảo hộ cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên. Các chuyên gia quân sự cam kết cống hiến hết mình để chữa trị cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Dự kiến, các cơ sở sẽ hoàn thành trong khoảng một tuần đến 10 ngày tới. Video trực tuyến từ địa điểm thi công đã thu hút tới hàng triệu lượt xem của người dân Trung Quốc cũng như quốc tế.
Tính đến ngày 1/2/2020, bệnh viêm phổi do virus corona chủng nCoV đã lây nhiễm cho gần 12.000 người và khiến 259 bệnh nhân tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới vừa qua cũng ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, cho rằng các quốc gia cần phối hợp hành động để kịp thời dập dịch.
Chan Wai-keung, một giảng viên Đại học Bách khong Hongkong nhận định, với tình hình hiện tại, ba bệnh viện dã chiến ở tỉnh Hồ Bắc là chưa đủ. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cho rằng, giới chức nước này đã chậm trễ trong khâu ứng phó đại dịch. Theo ông Chan, các cơ sở y tế chuyên biệt về bệnh truyền nhiễm nên được xây dựng ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp quốc gia, trước khi dịch bệnh xảy ra và được đưa vào sử dụng ngay lập tức.
Đợt dịch viêm phổi dự kiến khéo dài, số bệnh nhân gia tăng nhanh chóng khiến nhiều người lo ngại, bệnh viện mới cũng sẽ đến lúc quá tải.
Thục Linh (Theo SCMP)