Chiều 31/1, một ngày sau khi Việt Nam công bố 3 ca người Việt dương tính với virus corona mới (nCoV), một cửa hàng bán lẻ thuốc ở Ngọc Khánh (Hà Nội) bán ra hộp khẩu trang giá 300.000 đồng. Ngày thường giá của nó là hơn 30.000 đồng.
Không riêng họ làm vậy. Hàng loạt nhà thuốc, cơ sở cung ứng thiết bị y tế khác, từ bán lẻ đến bán buôn ở các chợ thuốc khác cũng thế. Cả trên các "sàn" mạng như Shopee, Lazada, Tiki..., giá mặt hàng này cũng bị "thổi" giá, thậm chí lên tới 5,5 triệu đồng một hộp - đắt hơn cả một chỉ vàng.
Giá đắt hơn vàng nhưng vẫn diễn ra cảnh tượng chen lấn, xô đẩy tranh nhau mua khẩu trang. Ngay cả khi quản lý thị trường tới kiểm tra việc "thổi" giá, lực lượng này cũng bỗng thành người bán hàng hộ vì lượng người mua quá đông.
Không riêng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn cũng đồng loạt "cháy" hàng, giá tăng theo cấp số nhân từng ngày. Giữa cơn "khát" hỗn loạn ấy, nhiều người lập tức thành tiểu thương khi thấy giá một hộp khẩu trang từ vài chục nghìn đồng chỉ sau một đêm thành vài trăm nghìn và có thể cả triệu đồng. Họ lùng sục gom khẩu trang, nước rửa tay đủ chủng loại bằng mọi giá, sẵn sàng mua sỉ các loại với giá cao hơn thông thường khoảng 30-50%, góp phần đẩy mặt bằng giá thêm cao hơn.
Thế nhưng, vẫn có những người bán không hô biến khẩu trang thành "vàng".
Pharmacity Super Drugstore vừa thông báo đang về lô hàng với số lượng lớn và chỉ bán với giá gần 35.000 đồng một hộp. Để tránh trường hợp đầu cơ, đơn vị này sẽ áp dụng chính sách bán giới hạn số lượng hộp trên mỗi thành viên trên ngày. Tại chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT, giá các loại khẩu trang vẫn không đổi. Khẩu trang y tế giá khoảng 42.000 đồng một hộp.
Ở nhiều nơi, khẩu trang còn được phát miễn phí cho người đi đường.
Chia sẻ với VnExpress, TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (ĐH Kinh tế TP HCM), việc trục lợi này là hình thức kinh doanh "xấu xí". Cơ quan quản lý thị trường của Việt Nam cần vào cuộc ngăn chặn và xử phạt những hành vi làm ăn gian dối. Cơ quan nhà nước cần có những động thái phù hợp để giúp môi trường kinh doanh Việt Nam tránh hoạt động "chụp giật".
Thực tế, đây không phải lần đầu những mặt hàng bình thường bị "đẩy" giá như vậy. Cách đây 2 tháng, Hà Nội cũng gặp sự cố lớn về ô nhiễm nguồn nước Sông Đà. Người dân nơi đây đổ xô đi mua bình nước đóng chai khiến nhiều đầu mối cung cấp lơi dụng tình trạng khan hiếm trên đẩy giá tăng vọt. Giá các loại nước bình 20 lít tăng gấp 2-3 lần ngày thường, thậm chí có nơi lên đến 60.000 một bình do các cửa hàng tự tăng khi thấy nhu cầu lên cao.
Ngay cả đường dây nóng của Bộ Y tế tư vấn về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán cũng khiến người dùng bất ngờ.
Chị Hằng, ở TP HCM sửng sốt khi vừa gọi vào đường dây nóng 19003228 mà Bộ Y tế công bố được thông báo cước phí cuộc gọi 5.000 đồng một phút. "Trong tình cảnh này lẽ ra nên cung cấp đường dây miễn phí thì họ lại chặt chém đến 5.000 một phút, đắt gần gấp đôi giá cước 1080 (chỉ 3.000 đồng một phút)", chị Hằng bức xúc.
Theo giải thích của đại diện Bộ Y tế, sở dĩ áp dụng mức phí như trên vì đường dây nóng này huy động tất cả bác sĩ trưởng, phó khoa, chuyên môn tốt tham gia trả lời 24/24. "Nhiều ngày qua đường đây liên tục quá tải vì mỗi ngày tiếp nhận 100-200 cuộc gọi. Để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, Bộ sẽ tiếp tục huy động thêm các bệnh viện tổ chức thêm các tuyến để tư vấn cho người dân tốt hơn", đại diện Bộ Y tế nói.
Tuy nhiên, sau phản ánh của người dân, đại diện Bộ Y tế cho hay, từ hôm nay (1/2) sẽ miễn phí cước gọi thay vì thu phí như trước đó. Dù vậy, theo TS Lê Đạt Chí, rõ ràng hoạt động thu phí này là "khó chấp nhận" và Bộ nên miễn phí ngay từ đầu chứ không chỉ chờ phản ánh mới rút kinh nghiệm.
Ông Lê Đạt Chí cho rằng, chỉ những gia đình ít được tiếp xúc với Internet mới cần đến dịch vụ này hay như người nước ngoài khi sang Việt Nam họ cần tìm hiểu thông tin mới sử dụng.
Đến nay, sau khi Chính phủ đã ra chỉ thị xử nghiêm, phạt nặng các cơ sở "thổi" giá khẩu trang, mặt hàng trong đợt dịch bệnh, giá một hộp khẩu trang hy vọng có thể không còn đắt như vàng và các "gian thương" sẽ không còn.
Hồng Châu