Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết số khách này nhập cảnh theo chuyến bay cuối cùng từ thành phố Vũ Hán đến Đà Nẵng ngày 22/1, trước khi thành phố này đóng cửa để ngăn bệnh viêm phổi lây lan. Đoàn khách đi theo lịch trình tham quan Đà Nẵng và các khu vực lân cận. Họ lưu trú lại Đà Nẵng, đến ngày 25/1 (mùng Một Tết) sẽ vào Nha Trang.
"Hiện các du khách này không có biểu hiện gì đáng nghi mắc bệnh hô hấp, do đó họ vẫn tiếp tục lịch trình tham quan", bà Hạnh nói.
Ông Đoàn Hưng, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Trung, chiều 24/1 cho biết do Vũ Hán đã đóng cửa và Cục Hàng không Việt Nam lệnh cấm, hủy các chuyến bay đến những thành phố Trung Quốc bị phong tỏa, Cảng vụ sẽ bố trí máy bay đưa những du khách này về nước.
"Máy bay sẽ chở những người khác này đến Vũ Hán, sau đó đi máy bay rỗng về lại Đà Nẵng, không chuyên chở khách chiều ngược lại để tránh lây nhiễm bệnh viêm phổi", ông Hưng nói.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong 3 sân bay tại Việt Nam có đường bay thẳng với Vũ Hán, khai thác tần suất 3 chuyến một tuần.
Khách quốc tế đến Đà Nẵng qua hai cửa khẩu đường biển và đường hàng không. Bình quân mỗi ngày có khoảng 100 chuyến bay quốc tế làm thủ tục xuất, nhập cảnh tại sân bay Đà Nẵng.
Ông Đoàn Hưng cho biết trên những chuyến bay đến Đà Nẵng, cảng vụ đã lưu ý tổ bay khi phát hiện hành khách có biểu hiện mệt mỏi, sốt, lập tức báo ngay cho trung tâm kiểm soát mặt đất. Hành khách nghi bệnh sẽ được đưa lên phương tiện riêng để cách ly, điều trị, không đi chung đường ống thông thường với hành khách khác.
Theo kế hoạch, từ ngày 30 Tết đến mùng 5 Tết, có 93 chuyến bay từ các địa phương của Trung Quốc đến Đà Nẵng. Bà Hạnh khẳng định ngành du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh. Những khách có biểu hiện bệnh phổi sẽ được cách ly ngay để xử lý.
Trong khi đó, đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Đà Nẵng, cho biết mùng 2 và mùng 3 Tết có hai chuyến tàu từ Thẩm Quyến (Trung Quốc) cập cảng Tiên Sa. Tàu biển đến cảng Đà Nẵng có tàu đưa khách ở qua đêm trên bờ, có tàu chỉ tham quan ban ngày.
"Nếu dịch bệnh viêm phổi bùng phát thì Đà Nẵng sẽ đóng cửa biên giới biển. Các tàu đến sẽ chỉ được neo đậu ở bên ngoài phao số 0", đại tá Khánh nói.
Trong cuộc họp khẩn chống dịch viêm phổi do virus nCoV trưa 24/1, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết thành phố chưa ghi nhận ca bệnh nào. Ba du khách Trung Quốc bị phát hiện sốt khi nhập cảnh vào Đà Nẵng trước đó đều cho kết quả âm tính với virus nCoV.
Đà Nẵng đã thiết lập quy trình phòng chống bệnh truyền nhiễm nhóm A tại sân bay, cảng biển với đội ngũ kiểm dịch viên làm việc 24/24h, hệ thống máy đo kiểm tra thân nhiệt du khách khi nhập cảnh.
"Nếu phát hiện hành khách bất thường, chúng tôi sẽ kích hoạt quy trình tiếp nhận, cách ly, điều trị theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới về phòng chống bệnh truyền nhiễm nhóm A", bà Yến nói.
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết theo quy trình, khi tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm, bệnh viện sẽ bố trí một đường riêng để xe chở bệnh nhân (đã sát trùng trước) đi thẳng vào Khoa Y học nhiệt đới, không qua Khoa Cấp cứu.
Tại Khoa Y học nhiệt đới, bệnh viện bố trí tầng 4 hoàn toàn tách biệt để theo dõi, điều trị bệnh nhân. "Khu vực này có hệ thống lối đi theo hướng một chiều, theo tiêu chuẩn của WHO về phòng, chống bệnh truyền nhiễm", bác sĩ Nhân nói.
Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, bảo hộ và nhân lực sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xảy ra dịch bệnh.
Trên thực tế việc phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV vẫn còn nhiều bất cập. Ông Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi, cho biết vừa qua bệnh viện tiếp nhận hai bệnh nhân người Trung Quốc 2 và 13 tuổi, kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng gặp nhiều khó khăn khi trao đổi vì bất đồng ngôn ngữ. Do đó cần phải có người phiên dịch, hoặc đội ngũ bác sĩ từng đi học ở Trung Quốc hỗ trợ.
Bên cạnh đó, bộ test xét nghiệm loại virus Corona mới Bộ Y tế mới chỉ cung cấp cho Viện Pastuer Nha Trang, việc lấy mẫu bệnh phẩm bệnh nhân nghi nhiễm viêm phổi đi xét nghiệm gặp khó khăn. Sở Y tế Đà Nẵng đã đề xuất Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương được gửi mẫu xét nghiệm trực tiếp để kết quả nhanh hơn.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng Việt Nam đang ứng phó chậm đối với nguy cơ dịch viêm phổi mới. "Trung Quốc đã chủ động hủy các chuyến bay, tàu hỏa rời thành phố Vũ Hán từ hôm qua (23/1) rồi mà đến trưa nay Việt Nam vẫn cho khách vào là không ổn. Không nên vì muốn thêm một số chuyến bay chở khách đến Đà Nẵng mà đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân thành phố", ông Thơ nói.
Ông Thơ nói, Đà Nẵng là địa phương thu hút nhiều du khách Trung Quốc nên quan trọng nhất là giám sát ở các cửa khẩu. Các đơn vị như y tế, biên phòng, sân bay, du lịch cần có sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị ngành y tế lên phương án thành lập một bệnh viện dã chiến cách ly hoàn toàn để thu dung, điều trị cho người bệnh viêm phổi do nCoV trong trường hợp có dịch bệnh bùng phát.
Lãnh đạo thành phố đề nghị Sở Du lịch làm việc với các cơ sở lưu trú, hoạt động kinh doanh vận tải, lữ hành, tuyên truyền và yêu cầu có sự hợp tác chặt chẽ. Trong trường hợp phát hiện du khách có dấu hiệu bệnh thì báo ngay cho ngành y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật để xử lý.
"Các trung tâm kiểm soát bệnh tật phải đặt trong tình trạng báo động", ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Kể từ khi khởi phát vào ngày 31/12/2019, virus đường hô hấp nCoV thuộc họ Coronavirus đã cướp đi mạng sống của 26 bệnh nhân, lây nhiễm cho ít nhất 830 người, tính đến trưa 24/1. Bệnh đã lan sang nhiều nước gồm Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, theo dòng di chuyển của người Vũ Hán hoặc người từng đến Vũ Hán và lây bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh là chủng virus thuộc họ Corona chưa từng được biết đến, được đặt tên là nCoV, gây bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá hình hình bệnh hiện diễn ra chủ yếu ở Trung Quốc nên chưa đến mức công bố đại dịch khẩn cấp toàn cầu.
Việt Nam ghi nhận 2 bệnh nhân đầu tiên mắc viêm phổi do nCoV, là hai bố con người Vũ Hán, Trung Quốc. Bộ Y tế Việt Nam sáng 24/1 đã công bố hai số điện thoại "nóng" thông tin bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV 0989671115, 0963851919. Bộ khuyến cáo người dân liên hệ đến Cục Y tế dự phòng hoặc cơ quan y tế gần nhất, nếu nghi ngờ viêm phổi hoặc bị viêm phổi. Ngành hàng không Việt Nam dừng các chuyến bay đến Vũ Hán.