Theo tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết các khoản vay ODA thường đi kèm nhiều điều kiện nên việc sử dụng vốn trong nước sẽ giúp dự án được triển khai linh hoạt và độc lập hơn.
Chính phủ dự kiến hoàn thành dự án năm 2035. Số vốn mỗi năm dành cho dự án chiếm khoảng 16,2% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5-5,7% GDP như hiện nay. Số vốn bình quân mỗi năm chiếm 1,3% GDP năm 2023 và 1% GDP năm 2027 - năm dự kiến khởi công dự án.
Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư. Áp lực 5.000 km đường bộ cao tốc đến năm 2030 không lớn nên kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới có thể cân đối dành cho đường sắt tốc độ cao. "Việc đầu tư dự án này tác động không lớn đến các công trình quan trọng quốc gia khác. Các chỉ tiêu tài chính khi đầu tư dự án và từ khai thác quỹ đất sẽ cải thiện nguồn thu, có khả năng cân đối vốn triển khai", Chính phủ cho hay.
Bên cạnh đó, nếu các nhà tài trợ quốc tế cung cấp các điều khoản vay ưu đãi, Chính phủ sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sử dụng.
Để đảm bảo dự án đường sắt cao tốc được triển khai liên tục và đúng tiến độ, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù, cho phép điều chỉnh linh hoạt kế hoạch đầu tư công hàng năm. Cơ chế này sẽ giúp tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm, nâng cao hiệu quả đầu tư và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, Thủ tướng cần được quyết định sử dụng các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2019 đề xuất hình thức đối tác công tư (PPP) với phần phương tiện, thiết bị của dự án; đầu tư công sẽ đảm nhiệm phần công trình kết cấu hạ tầng. Khi đó, quy mô kinh tế Việt Nam mới đạt 266 tỷ USD, nợ công 56,1% GDP. Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, nợ công ở mức thấp khoảng 37%. Dự kiến đến năm 2027 khởi công dự án, GDP đạt 564 tỷ USD, "nên nguồn lực đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam không còn là trở ngại lớn".
Chính phủ đã nghiên cứu kinh nghiệm 27 dự án đường sắt theo hình thức PPP trên thế giới và nhận thấy không hiệu quả hơn đầu tư công. Việc chuyển rủi ro sang khu vực tư nhân cũng được đánh giá không hiệu quả. Một số nước đầu tư theo phương thức PPP nhưng không thành công, phải quốc hữu hóa hoặc nâng mức hỗ trợ của nhà nước với các dự án PPP lên rất cao. Một số dự án áp dụng hình thức PPP nhưng phạm vi đầu tư chủ yếu là các khu thương mại, nhà ga trung tâm hoặc đầu tư phương tiện khai thác một số đoạn tuyến hiệu quả.
Vì vậy, căn cứ quy mô kinh tế, khả năng huy động vốn, kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ đề xuất đầu tư công xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam để đảm bảo đầu tư thành công dự án.
Hai phương án phân chia dự án thành phần
Hiện có hai phương án phân chia dự án thành phần, trong đó phương án một là đầu tư toàn tuyến, không tách dự án thành phần độc lập mà chỉ chia thành 6 hợp phần. Chính phủ đánh giá phương án này có ưu điểm là đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của dự án từ hạ tầng đến thiết bị, phương tiện; thuận lợi công tác tiếp nhận, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, nhược điểm là cần huy động nguồn nhân lực, máy móc, thiết bị lớn.
Phương án hai là tuyến đường sắt tốc độ cao chia thành bốn dự án thành phần với bốn đoạn gồm Hà Nội - Vinh (281 km); Vinh - Đà Nẵng (420 km); Đà Nẵng - Nha Trang (480 km); Nha Trang - TP HCM (360 km). Phương án này được đánh giá sẽ đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần. Nhược điểm là xử lý tích hợp đồng bộ công nghệ giữa các dự án thành phần phức tạp. Hơn nữa, việc chuyển giao công nghệ không thuận lợi, nhiều rủi ro do có nhiều nhà thầu với giải pháp kỹ thuật khác nhau.
Chính phủ đề xuất việc phân chia dự án thành phần được thực hiện khi phê duyệt dự án đầu tư. Ước tính, sơ bộ tổng vốn đầu tư dự án khoảng 67,3 tỷ USD. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 5,9 tỷ USD; chi phí xây dựng 33,2 tỷ USD; thiết bị 11 tỷ USD; quản lý dự án 0,8 tỷ USD; đầu tư xây dựng 3,61 tỷ USD; chi phí khác 0,9 tỷ USD; dự phòng 11,85 tỷ USD.
Giữa tháng 9, hội nghị Trung ương 10 khóa 13 thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc Nam và giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.
Tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Dự án đi qua 20 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM.