Trình bày tờ trình sáng 23/10, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Khóa 13 đã thống nhất chủ trương thực hiện Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trước năm 2030. Dự án này có nhu cầu sử dụng khoảng 10.827 ha đất nên cần bổ sung quỹ đất, đảm bảo yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối phát triển liên ngành, liên vùng, hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia.
Bên cạnh đó, năm 2025 cũng đến kỳ điều chỉnh các Quy hoạch tỉnh nên cần sớm phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ông Duy cho biết qua rà soát, nhiều chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia không còn phù hợp. Do dự báo nhu cầu sử dụng đất chưa đầy đủ và chính xác nên quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt năm 2019 đã trở nên lạc hậu so với thực tế.
"Nếu không được điều chỉnh, bổ sung sẽ gây khó khăn triển khai dự án trọng điểm quốc gia, dự án có khả năng thu hút đầu tư; ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã được phê duyệt", ông Duy nói.
Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 tại Kỳ họp thứ 8. Sau đó, Chính phủ sẽ tổ chức lập, thẩm định, trình Quốc hội xem xét, thông qua quy hoạch chi tiết vào kỳ họp cuối năm 2025.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tán thành sự cần thiết điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Song Ủy ban đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá toàn diện và làm rõ nguyên nhân nhiều chỉ tiêu sử dụng đất đang ở mức rất thấp, trong đó đất cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao chỉ đạt 2-5,5%.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng; rà soát kỹ nhu cầu sử dụng đất của địa phương và có phương án phân bổ phù hợp. Việc lập, điều chỉnh quy hoạch cần bảo đảm các định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước về giữ diện tích đất trồng lúa, độ che phủ rừng, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đất để phục vụ việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Giữa tháng 9, hội nghị Trung ương 10 khóa 13 thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc Nam và giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.
Tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Dự án đi qua 20 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM.
Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép huy động nguồn vốn trong nước để đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trong 12 năm (2024-2035), trung bình 5,6 tỷ USD mỗi năm.