Dưới cái nóng như thiêu đốt ở thị trấn mỏ al-Ibaidiya bên bờ sông Nile, cách thủ đô Khartoum của Sudan khoảng 400 km, hàng chục thợ mỏ đang làm việc để đãi vàng từ quặng sa mạc bằng các hóa chất độc hại.
Hầu hết số vàng mà họ khai thác sau đó sẽ được vận chuyển đến một nhà máy chế biến cách mỏ 16 km, do công ty al-Solag của Sudan điều hành. Theo điều tra của CNN hồi tháng 7/2022, al-Solag là công ty bình phong cho Meroe Gold, doanh nghiệp khai thác mỏ của Nga có liên quan đến Yevgeny Prigozhin, nhà sáng lập tập đoàn quân sự tư nhân Wagner.
"Người Nga trả khoảng 4.000 USD cho một chuyến hàng. Họ thường gom mua tất cả số vàng chúng tôi khai thác được", Omar Sheriff, thợ mỏ ở thị trấn, nói với tờ DW của Đức.
Năm 2017, tổng thống Sudan khi đó là ông Omar al-Bashir trong chuyến thăm Moskva đã ký một loạt thỏa thuận nhượng quyền khai thác vàng giữa công ty M Invest của Nga và Bộ Khoáng sản Sudan. M Invest là thực thể do tỷ phú Prigozhin sở hữu hoặc kiểm soát.
Wagner là tập đoàn bị phương Tây cáo buộc tuyển mộ hàng loạt "lính đánh thuê" hoạt động ở châu Phi. Kể từ năm 2018, tập đoàn này đã ký nhiều hợp đồng hỗ trợ an ninh và quân sự với chính phủ Cộng hòa Trung Phi và Mali, đồng thời tham gia khai thác khoáng sản ở những khu vực này.
Sau thỏa thuận năm 2017, Meroe Gold, công ty con của M Invest, bắt đầu thăm dò nguồn tài nguyên vàng đứng thứ ba châu Phi của Sudan. Bộ Tài chính Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với hai thực thể này, cáo buộc đây là các công ty bình phong cho hoạt động của Wagner ở Sudan.
Prighozin tuyên bố các chiến binh Wagner không hiện diện ở Sudan, nhưng điều tra của CNN cho thấy Alexander Sergeyevich Kuznetsov, thành viên cấp cao của Wagner, là người giám sát hoạt động tại các điểm khai thác, chế biến và vận chuyển vàng trọng yếu ở Sudan những năm gần đây.
Meroe Gold cũng được cho là đã xây dựng mối quan hệ với tướng Mohamed Hamdan Dagalo, chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), phe phái đang xung đột vũ trang với quân đội Sudan. Cư dân ở thị trấn mỏ Al-Ibaidiya cho biết các chiến binh RSF cũng phối hợp với các tay súng nước ngoài, nhiều khả năng là thành viên Wagner, bảo vệ nhà máy chế biến vàng của Meroe Gold.
"Trong hơn 4 năm qua, chúng tôi nhận thấy RSF làm việc cùng người Nga", Mustafa El Tahir, thợ mỏ làm việc ở thị trấn al-Ibaidiya từ năm 2018, nói. "Người Nga đi đâu, các tay súng RSF đi theo bảo vệ đến đó".
Năm 2019, phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ Sudan lật đổ chính quyền tổng thống al-Bashir. Hai năm sau đó, quân đội Sudan (SAF) do tướng Abdel Fattah Burhan chỉ huy tiến hành cuộc đảo chính với sự hỗ trợ của RSF. Tướng Burhan lên nắm quyền trong chính quyền quân sự, bổ nhiệm tướng Dagalo, chỉ huy RSF, làm cấp phó.
Kể từ đó, tướng Burhan và Dagalo trở thành hai người quyền lực nhất Sudan. Khi quyền lực về tay quân đội, quan hệ hợp tác giữa Meroe Gold và tướng Dagalo cũng phát triển mạnh.
Thời điểm Nga phát động chiến dịch tại Ukraine hồi tháng 2/2022, tướng Dagalo đã đến Moskva để bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân trên Biển Đỏ của Nga. Theo NYTimes, tướng Dagalo đã mang theo nhiều vàng trên chuyến bay và đã đề nghị chức Nga hỗ trợ mua thiết bị quân sự trang bị cho lực lượng RSF.
CNN dẫn nguồn thạo tin tại Ngân hàng Trung ương Sudan cho biết 32,7 tấn vàng, trị giá khoảng 1,9 tỷ USD, đã "biến mất" sau cuộc đảo chính năm 2021. Các quan chức cho biết con số thực tế có thể lớn hơn, cho rằng khoảng 90% sản lượng vàng của Sudan đã chảy khỏi đất nước.
Theo nguồn tin chính thức của Sudan, ít nhất 16 chuyến vận tải cơ chở vàng đến và đi từ thành phố Latakia của Syria đã bị các quan chức Sudan chặn vào năm 2022. Thành phố cảng Latakia là nơi Nga thiết lập một căn cứ không quân lớn bên bờ Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, tướng Dagalo và tướng Burhan dường như không có chung quan điểm về cách hợp tác với Nga. Tướng Burhan cũng từ chối tán thành động thái Moskva thành lập căn cứ hải quân trên Biển Đỏ.
Quan hệ giữa Dagalo và Burhan sau đó ngày càng rạn nứt khi Sudan chuẩn bị tổ chức bầu cử, cũng như kế hoạch sáp nhập RSF vào quân đội chính phủ. Căng thẳng leo thang khi RSF triển khai các đơn vị vũ trang trên cả nước mà không có sự đồng thuận của tướng Burhan.
Phe quân đội lo ngại RSF muốn điều quân kiểm soát thêm tài nguyên và nguồn lực kinh tế quốc gia, đặc biệt là các mỏ vàng, trước thềm tổng tuyển cử.
Ngày 15/4, xung đột giữa hai phe bùng phát, khiến hàng trăm người thiệt mạng và làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người. Cả hai tướng đều nắm trong tay lực lượng vũ trang có sức mạnh ngang ngửa nhau, đều tuyên bố kiểm soát các nguồn tài nguyên đất nước và không chấp nhận thỏa hiệp.
Trong bối cảnh này, Wagner bị cáo buộc cung cấp vũ khí cho RSF, thông qua bên thứ ba là Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do lãnh chúa Khalifa Haftar kiểm soát. Tuần trước, CNN đăng loạt ảnh vệ tinh cho thấy vận tải cơ Nga di chuyển giữa hai căn cứ không quân trọng yếu của LNA.
Isabella Currie, nhà nghiên cứu về Wagner tại đại học La Trobe, Australia, nhận định dù Wagner tham gia vào các hoạt động khai thác vàng ở Sudan, mục đích của tập đoàn này khi hỗ trợ quân sự cho tướng Dagalo vẫn chưa rõ ràng.
Theo bà Currie, cần thận trọng khi đưa ra kết luận về vai trò của tập đoàn quân sự này trong xung đột hiện nay ở Sudan.
"Cuộc xung đột này nếu kéo dài sẽ không mang lại lợi ích cho Nga và ông Prigozhin, đặc biệt là khi giao tranh bắt đầu ảnh hưởng đến vùng biên giới với Cộng hòa Trung Phi, nơi Wagner đã xây dựng nhiều mối quan hệ và thực hiện các hợp đồng khai thác tài nguyên", bà nhấn mạnh.
Đức Trung (Theo DW, CNN, BBC, Guardian)