Một người đàn ông họ Qiu ra đầu thú ở Bayannur, Nội Mông ngày 11/2. Cảnh sát địa phương cho biết trong một bài đăng trên WeChat rằng anh này đã né kiểm tra danh tính trong 4 năm, nhưng cuối cùng đã bỏ cuộc sau khi lực lượng tự quản bắt đầu kiểm tra mọi người ra vào khu phố anh ta ẩn náu.
Qiu bị truy nã vì cáo buộc đánh cắp thi hài cho "đám cưới ma" - tập tục ở nhiều vùng tại Trung Quốc. Các gia đình tin rằng người chưa kết hôn khi chết đi sẽ phải sống một mình ở thế giới bên kia, trừ khi họ được chôn cất với một thi hài khác. Người này sẽ trở thành bạn đời của họ ở âm phủ.
Cảnh sát cho biết Qiu thừa nhận đánh cắp một thi hài để bán cho một gia đình ở tỉnh Thiểm Tây với giá 5.000 NDT (715 USD).
Tại tỉnh Quảng Đông, người đàn ông họ Zhang 50 tuổi bị truy nã vì vụ giết người 27 năm trước cũng đầu thú ở Hà Nguyên. Ông ta khai rằng việc giới chức kiểm tra nghiêm ngặt thẻ căn cước và đo thân nhiệt khiến ông nhận thấy "sớm muộn cũng bị bắt".
Ông ta thú nhận liên quan đến vụ đâm chết một người đàn ông bên ngoài rạp chiếu phim ở Đan Giang Khẩu năm 1993. Hai kẻ đồng lõa đã bị bỏ tù. Trong 27 năm chạy trốn, Zhang đã làm nhiều công việc tại Quảng Đông nhưng không dám liên lạc với gia đình và bạn bè tại quê hương Hồ Bắc.
Khi thấy Hồ Bắc trở thành ổ dịch, Zhang nhận ra rằng nếu ông ra đầu thú thì ít nhất có thể nối lại liên lạc để tìm hiểu tình hình người thân. Cảnh sát Quảng Đông đã bàn giao Zhang cho giới chức Hồ Bắc.
Tuần trước, người đàn ông họ Fan bị buộc tội liên quan đến vụ lừa đảo qua dịch vụ viễn thông 10 triệu NDT (gần 1,5 triệu USD) năm 2015, đã rời khỏi nơi ẩn náu ở tỉnh Sơn Tây. Fan đã cố gắng tránh các chốt kiểm tra bằng cách đạp xe trên những con đường phụ ở quanh tỉnh, từ thành phố Tấn Thành đến huyện Dực Thành.
"Gần đây có nhiều chốt kiểm tra ở Dực Thành và chúng tôi cũng tuần tra trên đường phố mọi lúc. Dưới áp lực đó, ông ta quyết định đầu thú. Hơn nữa, ông ấy cũng không thể tìm được chốn dung thân", cảnh sát Liu Wei ở Dực Thành cho biết. Cảnh sát tỉnh Hà Nam truy nã Fan từ năm 2017 và cảnh sát Dực Thành đã bàn giao ông này cho họ.
Huang Jing, chuyên gia về tâm lý tội phạm tại Hàng Châu, cho biết những nghi phạm chạy trốn sẽ lâm vào khổ sở khi khủng hoảng xã hội xảy ra, vì họ thiếu các mối quan hệ và thu nhập ổn định.
Bà nói thêm rằng nỗi lo về bệnh dịch lây lan và sự kiểm soát chặt chẽ hơn của chính quyền cũng có thể khiến tội phạm hoảng loạn. "Sự hoảng loạn có thể khiến họ tuyệt vọng hoặc thậm chí tự sát".
"Còn khi ra đầu thú, ít nhất họ cũng được cung cấp đồ ăn và chăm sóc y tế trong nhà tù", Huang nói. Bà cho rằng nếu tình trạng kiềm tỏa và kiểm soát chặt chẽ còn tiếp tục, sẽ có thêm nhiều người ra đầu thú. "Tình trạng này càng kéo dài thì họ sẽ phải đối mặt với điều kiện sống ngày càng xấu đi và trở nên yếu đuối hơn về mặt tinh thần".
Phương Vũ (Theo SCMP)