Kết quả 0-0 tối 8/5 gây bất ngờ cho Việt Nam. Họ chắc chắn cảm thấy bực bội vì phải chia điểm với một Philippines bị đánh giá thấp hơn nhưng đã chơi kiên cường, và cũng vì khán giả nhà đã đội mưa đến sân Việt Trì để cổ vũ nhiệt thành.
Nếu thắng, thầy trò Park đã đặt một chân vào bán kết, và có thể xả hơi cho hai trận còn lại. Cơ hội đó không còn nữa. Việt Nam cần thắng hai trận còn lại trước Myanmar và Timor Leste. Họ không chỉ phải thắng, mà còn phải thắng đậm nếu muốn chiếm đỉnh bảng. Bởi nếu Philippines cũng hạ Indonesia, Việt Nam và Philippines sẽ so hiệu số bàn thắng bại cho vị trí đầu bảng A.
Dù Việt Nam bị cầm hoà, tôi vẫn nghĩ những con người và cách chơi này nên được duy trì. Tôi đánh giá cao nhất màn trình diễn của trung vệ Nguyễn Thanh Bình. Theo thang 10, cậu ấy xứng đáng nhận điểm 9. Phong cách của Thanh Bình khiến tôi liên tưởng tới Virgil van Dijk của Liverpool. Cậu ấy nhanh, vào bóng mạnh mẽ và chẳng bao giờ biết sợ hãi. Thanh Bình có thể cướp bóng và triển khai lên trên một cách thanh thoát.
Hoàng Đức và Tiến Linh cũng xứng đáng với điểm 8. Hoàng Đức chơi thông minh, nỗ lực trong cả phòng ngự lẫn tấn công. Tôi thấy cậu ấy giống Nguyễn Hồng Sơn của Thể Công ngày trước. Hoàng Đức là cầu thủ Việt Nam hay nhất hiện tại và cậu ấy xứng đáng chơi ở giải đấu lớn hơn nhiều.
Còn Tiến Linh cũng hoạt động không biết mệt mỏi, di chuyển không bóng rất quái. Điều quan trọng với một trung phong là luôn biết cách có mặt ở vị trí quan trọng đúng thời điểm. Tiến Linh không bao giờ trốn chạy, mà sẵn sàng phá sức hậu vệ đối phương. Một khi tìm được sự điềm tĩnh khi dứt điểm, cậu ấy sẽ là tiền đạo hàng đầu.
Hàng công Việt Nam ở giải này không ai giỏi như Tiến Linh. Nhâm Mạnh Dũng là mẫu cầu thủ mạnh mẽ và nỗ lực di chuyển, nhưng không bao giờ xuất hiện đúng lúc đúng chỗ, nên khó có cơ hội ghi bàn. Nguyễn Văn Tùng vào thay Mạnh Dũng cũng không khác nhiều. Cậu ấy cao và khoẻ, nhưng có vẻ chậm. Văn Tùng có thể phù hợp khi gặp những đội yếu, nhưng sẽ gặp khó trước các hậu vệ nhanh nhẹn.
Vai trò của ba cầu thủ lớn tuổi của Việt Nam rất quan trọng, và Park cần dùng họ ở những trận tiếp theo. Đỗ Hùng Dũng rõ ràng là thủ lĩnh ở trong lẫn ngoài sân cỏ, với tác phong chuyên nghiệp thấy rõ. Hùng Dũng như thường lệ làm tốt trong khâu kiến thiết, nên tôi bất ngờ khi Park thay cậu ấy ra.
Một cầu thủ cũng chơi tốt như Hùng Dũng và xứng đáng nhận điểm 7 trận này, là Lê Văn Đô. Cậu ấy lên công về thủ không biết mệt, chơi được ở hai biên và nhận trách nhiệm sút phạt. Nhưng trận này Văn Đô chơi không tốt khi được chuyển sang cánh trái. Những quả tạt của cậu ấy không tốt, cũng như Phan Tuấn Tài trước đó, hay Lê Văn Xuân ở cánh đối diện.
Park có thể giữ nguyên đội hình xuất phát cho trận tiếp theo, nhưng Văn Đô nên chơi bên cánh phải vì ở đó cậu ấy tạt tốt hơn. Vị trí tiền vệ của Huỳnh Công Đến cũng chưa ăn khớp với đội bóng. Nhiệm vụ của cậu ấy là hỗ trợ hai tiền đạo, nhưng thường ập vào cấm địa muộn. Chỉ có đúng một lần cậu ấy đến kịp lúc, nhưng lại sút ngay nhịp đầu tiên mà đáng lẽ phải đỡ rồi mới dứt điểm. Trận đấu dường như quá nhanh với Công Đến.
Tôi không nghĩ Việt Nam nên thay đổi sơ đồ 3-5-2 cùng cách chơi hiện tại. Có thể thấy rõ phương án triển khai bóng của Việt Nam là từ thủ môn, lên các trung vệ. Trung vệ lại chuyền lên cho hai tiền vệ trung tâm, và hai tiền vệ mở biên cho hậu vệ cánh băng lên. Từ đó, hậu vệ cánh tạt bóng vào cấm địa.
Mấu chốt là những quả tạt của Việt Nam trận này không chất lượng như trận trước. Vấn đề này nằm ở kỹ thuật của những cầu thủ. Park không thể thay đổi kỹ thuật của học trò trong thời gian ngắn. Nếu những cầu thủ này không thể tạt bóng tốt dưới áp lực, SEA Games sẽ là giới hạn của họ.
Việt Nam vẫn tạo ra nhiều cơ hội nhưng không ghi được bàn. Nhưng, bóng đá đôi khi là vậy. Nếu tiếp tục chơi như thế, Việt Nam sẽ ghi được bàn vào lưới các đối thủ yếu hơn như Myanmar và Timor Leste. Tất nhiên họ cần chắt chiu hơn nữa những tình huống cố định.
Nhưng tôi vẫn thường viết rằng, trong các giải đấu, chiến thắng luôn quan trọng nhất. Và người ta chỉ quan tâm tới chiến thắng mà thôi.
Steve Darby