Trạm Khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên được Vinasoy khởi động từ năm 2019. Nhờ có điều kiện tự nhiên, đất đai, thổ nhưỡng tốt không bị lũ lụt, trạm có thể gieo trồng 3-4 vụ mỗi năm. Cộng thêm với công nghệ di truyền phân tử (dùng chỉ thị sinh học phân tử) để xác định chính xác con lai bằng cách phân tích ADN qua lá của cây con khi cây được 15-20 ngày thay vì chờ thu hoạch (sau hơn 3 tháng) đã rút ngắn thời gian chọn tạo ra giống đậu nành mới chỉ còn 1/2 so với phương pháp truyền thống trước đây.
Tiến sĩ Lê Hoàng Duy, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy (VSAC) cho biết, đây là lần đầu tiên Trung tâm đem ra trồng đánh giá đồng thời toàn bộ nguồn gene đậu nành có trong ngân hàng gene của mình, sau 10 năm thu thập, nghiên cứu. Việc đánh giá trên cùng một đồng ruộng với cùng điều kiện gieo trồng, thời tiết giúp các kỹ sư nông nghiệp dễ dàng đánh giá, so sánh hết các đặc tính của ngân hàng gene đậu nành hiện có.
Tại Trạm khảo nghiệm rộng 1,2 ha này, mỗi dòng/giống đậu nành được trồng 2 hàng. Các hàng cây đều được đeo thẻ nhận diện và được phân loại theo các khu vực, chia nhóm theo đặc tính nông học (đặc tính thể hiện trên đồng ruộng như kháng mặn, kháng phèn, kháng hạn, kháng sâu, kháng thối úng, kháng thối thân, đốm lá, kể cả chống đổ ngã...) và đặc tính sinh hóa (đặc tính phẩm chất của hạt được phân tích trong phòng thí nghiệm như hàm lượng đạm cao, hàm lượng chất béo tốt, giàu isoflavones, chứa hàm lượng đường dễ tiêu hóa, giàu omega 3...).
Đây là những đặc tính tự nhiên có sẵn trong tập đoàn nguồn gene cây đậu nành, là những dòng/giống không biến đổi gene. Nguồn gene này được chọn lọc để lai tạo với giống bản địa nhằm cho ra giống mới, mang những đặc tính tốt, phù hợp với điều kiện canh tác ở mỗi vùng miền và từng dòng sản phẩm. "Tính từ lúc bắt đầu chọn giống bố mẹ để lai tạo, trải qua các thế hệ nhân dòng từ F1-F5, đánh giá F6-F10, cho tới khi chúng tôi chọn được một giống mới có thể trồng đại trà chỉ mất 4-5 năm, so với thời gian trung bình 8-10 năm như trước đây", ông Duy cho biết.
Bên cạnh Trạm khảo nghiệm tại Cư Jút, VSAC còn một Trạm khảo nghiệm khác đặt tại Quảng Ngãi và các điểm liên kết khảo nghiệm tại các vùng nguyên liệu. Hoạt động nghiên cứu để tự chủ nguồn nguyên liệu của Vinasoy được ông Đinh Công Chính, Phó trưởng phòng Cây lương thực, cây thực phẩm - Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá là việc làm không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà phù hợp với phát triển bền vững và có ích cho môi trường.
Ông Chính cho biết, thời gian qua, diện tích và sản lượng đậu nành của Việt Nam liên tục giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2010, diện tích trồng đạt 197,8 nghìn ha, thì năm 2021 chỉ còn hơn 37 nghìn ha, giảm hơn 75% so với năm 2010. Những năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu khoảng 800.000 - 1 triệu tấn đậu nành mỗi năm, với kim ngạch 2-3 tỷ USD mỗi năm, tương đương kim ngạch xuất khẩu gạo hiện nay. "Giá đậu nành nhập khẩu về Việt Nam rẻ hơn trong nước tự sản xuất khoảng 5.000 - 7.000 đồng một kg nhưng khi giá bấp bênh, như xăng dầu hiện nay thì toàn bộ hệ thống chế biến sẽ gặp nhiều trở ngại và sẽ đứt gãy nhiều công đoạn", ông Chính nhận định.
Việc chủ động nghiên cứu để chọn tạo ra giống tốt không chỉ giúp Vinasoy chủ động được nguồn nguyên liệu mà còn tạo thêm việc làm cho bà con nông dân ở những vùng chuyên canh. Ngoài ra, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá khi chủ động lai tạo, doanh nghiệp có thể kiểm soát được nguồn gốc của nguyên liệu, không sử dụng đậu nành biến đổi gene.
Đậu nành vốn được coi là nhà máy sản xuất đạm tự nhiên cho cả người và đất: hạt đậu giàu protein là nguồn dinh dưỡng tốt và cây có rễ nốt sần giúp cho độ phì nhiêu của đất. Vì thế, loại cây này có thể tham gia vào một trong các giai đoạn của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, phụ phẩm tạo đạm cho đất.
Đến nay, VSAC là một trong những trung tâm nghiên cứu đậu nành phát triển lớn và chuyên sâu nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Với nguồn giống tạo ra, Vinasoy đã liên kết với người nông dân để phát triển được 4 vùng nguyên liệu trong các vùng canh tác tại Đồng bằng sông Hồng (trồng vụ đông từ tháng 9 - 12), tại Quảng Ngãi (vụ đông xuân từ tháng 11- 4), tại Cư Jút (vụ từ tháng 4 - 8), tại Đồng bằng sông Cửu Long (vụ từ tháng 2 - 6) với tiềm năng diện tích lên đến 9.000 ha. VSAC cũng phát triển thành công 2 giống mới Vinasoy 01-CT và Vinasoy 02-NS được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp bằng bảo hộ giống cây trồng. Giống Vinasoy 02-NS được cấp phép lưu hành sản xuất đại trà tại miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long nhờ có phổ thích nghi rộng, cho năng suất từ 2-3,5 tấn trên mỗi ha.
Vinasoy cam kết bao tiêu toàn bộ đậu nành hạt đạt chất lượng với giá cạnh tranh trước khi gieo trồng, cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và đưa ra các biện pháp xử lý linh hoạt khi có những điều kiện bất lợi khách quan xảy ra trong quá trình canh tác... Chính sách này đã tạo được lòng tin cho nông dân để tiếp tục phát triển mở rộng 4 vùng nguyên liệu trên cả nước.
Theo ông Hồ Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cư Jút, địa phương vốn là vùng trồng của các cây họ đậu nhưng từ năm 2000, do giống đậu nành truyền thống bị thoái hóa nên năng suất thấp, thu nhập từ loại cây này giảm nên người dân đã thay đổi bằng cây trồng khác. Diện tích trồng đậu nành từ 10.000 ha trước đây, nay chỉ còn 1.000 ha. Sau khi Vinasoy lai tạo thành công giống mới cho năng suất cao, đồng thời giá thu mua cao hơn thị trường nên người nông dân đã quay trở lại với cây đậu nành và đẩy mạnh diện tích gieo trồng.
"Chia sẻ với nông dân cũng là cách để Vinasoy chủ động trong nguồn nguyên liệu, và hướng tới hành trình trở thành một chuyên gia dinh dưỡng thực vật", đại diện doanh nghiệp cho biết.
Sở hữu của các thương hiệu sữa đậu nành Fami, Fami Canxi và mới nhất là sữa chua từ thực vật Veyo, Vinasoy là nhà sản xuất nhiều năm liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu trong ngành hàng sữa đậu nành uống liền. Theo số liệu của Nielsen vào tháng 8/2021, doanh nghiệp đang chiếm 92,2% thị phần sản lượng sữa đậu nành bao bì giấy toàn quốc. Giai đoạn 2018-2020, Vinasoy được GlobalData UK công bố là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam nằm trong top 5 công ty sữa đậu nành lớn nhất thế giới 3 năm liên tiếp.
Hoàng Anh