Phút 89, khi Việt Nam đang hoà Jordan 0-0 ở vòng loại Asian Cup 2019 trên sân Thống Nhất ngày 13/6/2017, tiền vệ Ahmed Samir xộc xuống cấm địa rất thoáng để đối mặt Đặng Văn Lâm. Ngay khi Samir chạm bóng, Văn Lâm đã lao ra để làm hẹp góc sút. Tiền vệ Jordan sút về góc gần, nhưng Văn Lâm gạt chân trái sang để phá bóng cứu bàn thua trông thấy. Sau pha bóng này, thủ môn mang hai dòng máu Việt-Nga đứng gồng người, hét mừng.
Đấy mới là trận đầu tiên của Văn Lâm cho đội tuyển Việt Nam, hai năm sau khi anh viết lá thư đầy lỗi chính tả lên Facebook để tìm việc. Anh chơi hay nhất trận đó, với thêm một pha khép góc tương tự, một cú bay người đẩy bóng tầm thấp sát cột, và một lần đẩy bóng cứu cú đánh đầu cận thành của đối phương. Việt Nam không ghi bàn, nhưng Văn Lâm cũng không chịu để thủng lưới.
Khoảnh khắc đó đánh dấu sự thống trị của Văn Lâm giữa khung thành tuyển Việt Nam. Kể từ đó, anh bắt 24 trận cho đội tuyển, còn Nguyễn Tuấn Mạnh chơi năm trận và Bùi Tiến Dũng hai trận.
Văn Lâm nổi bật ở khả năng bay người phá bóng, nhờ sải tay dài và chiều cao 1m88. Anh cũng tạo được độ tin cậy ở những tình huống lao ra bắt bóng bổng, dù không làm vậy quá nhiều. Và trong những tình huống một đối một với tiền đạo đối phương, anh luôn lao ra kịp thời, đồng thời dang rộng hai tay và hai chân để làm hẹp góc sút.
Thống kê cho thấy vì sao Văn Lâm được tin tưởng hơn bất cứ ai. Trong 24 trận cho đội tuyển, anh giữ sạch lưới 14 trận, tỷ lệ 58%. Anh để lọt lưới 15 bàn, trung bình 0,6 bàn mỗi trận. Tất nhiên, hai chỉ số này cũng cho thấy sức mạnh phòng ngự của tuyển Việt Nam, chứ không riêng Văn Lâm.
Để đánh giá đúng hơn khả năng của anh, có thể dựa vào khả năng cản phá. Thủ môn 28 tuổi không bỏ lỡ một phút nào ở AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 và năm trận đầu vòng loại World Cup 2022. Trong ba giải này, anh chơi trọn 18 trận, đối mặt 60 pha dứt điểm hướng cầu môn, và cứu thua 48 tình huống. Tỷ lệ cứu thua của Văn Lâm đạt 80%, tức là trung bình khi đối thủ dứt điểm năm cú sút hướng cầu môn, Văn Lâm chỉ lọt một bàn.
Mỗi trận, Việt Nam chỉ để đối thủ dứt điểm hướng cầu môn trung bình ba lần. Điều đó cho thấy khi có Văn Lâm trong khung gỗ, khả năng Việt Nam giữ sạch lưới cao hơn so với thủng lưới. Màn thể hiện tốt nhất của Văn Lâm theo thống kê, chính là trận gần nhất hoà Thái Lan 0-0 tại Mỹ Đình ngày 19/11/2019, với bảy pha cứu thua.
HLV Park Hang-seo sẽ phải đau đầu trong bài toán thay Văn Lâm, với các lựa chọn gồm Bùi Tấn Trường, Nguyễn Văn Hoàng và Nguyễn Văn Toản. Tỷ lệ cứu thua của ba thủ môn này ở V-League 2021 lần lượt là 74%, 71% và 69%. Khả năng cứu thua của họ đều thấp hơn Văn Lâm, với tỷ lệ 80% như đã nói ở trên. Chưa kể đối thủ của Văn Lâm ở đội tuyển thuộc tầm cỡ khu vực lẫn châu lục.
Một điểm cộng nữa của Văn Lâm là anh chưa từng mắc lỗi dẫn tới bàn thua trên tuyển, so với những thủ môn trước đây như Dương Hồng Sơn, Trần Nguyên Mạnh hay chính Tấn Trường. Tấn Trường đã chơi năm trận cho đội tuyển, thủng lưới sáu bàn, trong đó ba bàn do lỗi của anh.
Nhưng, các sai lầm của Tấn Trường đã xảy ra cách đây gần 10 năm. Kể từ khi ra Hà Nội năm ngoái, thủ môn gốc Đồng Tháp đã chơi ổn định và ít mắc lỗi hơn. Ban đầu Hà Nội chiêu mộ anh vốn để bắt dự bị cho Văn Công. Nhưng, nỗ lực bền bỉ giúp thủ môn 35 tuổi chiếm luôn suất bắt chính. Kinh nghiệm trận mạc có thể giúp Tấn Trường được tin dùng trong ba trận còn lại ở vòng loại World Cup. Và biết đâu anh lại đẩy được Văn Lâm khỏi khung gỗ, như từng làm với Văn Công.
Xuân Bình