Tổng thống Mỹ Joe Biden trưa 21/7 (rạng sáng 22/7 giờ Hà Nội) tuyên bố chấm dứt nỗ lực tranh cử tổng thống "vì lợi ích cao nhất" cho đảng Dân chủ và đất nước. Lần gần nhất một tổng thống Mỹ đương nhiệm ngừng tái tranh cử là vào năm 1968, Tổng thống Lyndon Johnson cũng thuộc đảng Dân chủ.
Ông Biden tuyên bố bỏ cuộc sau khi đảng Dân chủ đã hoàn tất vòng bầu cử sơ bộ từ đầu tháng 6 và không còn ứng viên nào khác cạnh tranh vé ứng viên đại diện đảng cho cuộc đua vào Nhà Trắng.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, "ứng viên đề cử" của một chính đảng bỏ cuộc vào phút chót, sau khi đã nắm chắc số lượng đại biểu cần thiết để nhận đề cử chính thức và chỉ còn chờ tổ chức đại hội toàn quốc.
Đại biểu đảng "được trả tự do"
Quyết định dừng tranh cử của Tổng thống Biden sẽ buộc đảng Dân chủ khởi động một quy trình hiếm gặp, khi Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ (DNC) diễn ra ở thành phố Chicago thuộc bang Illinois ngày 19-22/8.
Lãnh đạo DNC Jaime Harrison ngày 21/7 nói các bước tổ chức đại hội và bầu chọn ứng viên sẽ được công bố trong vài ngày tới.
"Dù đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ, nhiệm vụ trước mắt của chúng ta vẫn rất rõ ràng. Trong vài ngày tới, đảng sẽ khởi động quá trình minh bạch và trật tự để hướng đến ứng viên có thể đánh bại ông Donald Trump vào tháng 11. Quá trình này sẽ được thực hiện theo các quy định và quy trình sẵn có của đảng. Mọi đại biểu đều sẵn sàng thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ để nhanh chóng chọn ra ứng viên cho nhân dân Mỹ", Harrison nói.
Ông Biden đã chiến thắng 56 cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở 50 bang và 6 vùng lãnh thổ đặc biệt, với mức ủng hộ 99%, hơn 3.900 đại biểu "cam kết trung thành" đáng lẽ sẽ dành lá phiếu cho ông tại DNC 2024.
Khi tuyên bố rút lui ngày 21/7, ông Biden trên lý thuyết đã "trả tự do" cho các đại biểu Dân chủ khỏi "cam kết trung thành" và họ có toàn quyền bỏ phiếu cho những ứng viên khác.
Điều lệ của đảng Dân chủ không buộc đại biểu bỏ phiếu rập khuôn theo kết quả bầu cử sơ bộ từng bang. Mỗi đại biểu còn có quyền "bỏ phiếu theo lương tâm", đồng nghĩa có thể ủng hộ người khác nếu xuất hiện ứng viên mới tại đại hội toàn quốc.
DNC có thể được tổ chức theo mô hình "hiệp thương", trong đó đại biểu được tự do bỏ phiếu và đàm phán với lãnh đạo đảng. Đại hội sẽ gọi tên từng đại biểu và mỗi người sẽ gọi tên ứng viên mà mình ủng hộ. Quy trình này có thể kéo dài với nhiều vòng bỏ phiếu, cho đến khi có một người giành được ủng hộ đa số và trở thành ứng viên đại diện đảng.
Theo thống kê của Ballotpedia, trang theo dõi bầu cử Mỹ, DNC 2024 dự kiến quy tụ 4.696 đại biểu, trong đó có 3.949 đại biểu thường từ các khu vực bầu cử sơ bộ và 747 "siêu đại biểu" là các thành viên cấp cao của đảng.
Để nhận đề cử, ứng viên cần giành đa số đại biểu thường, tức ít nhất 1.975. Các siêu đại biểu không tham gia vào vòng một và chỉ nhập cuộc khi cuộc bỏ phiếu phải bước sang vòng hai do không ứng viên nào giành được đa số.
Năm 1968, đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ cũng chìm vào hỗn loạn vì tổng thống đương nhiệm là Lyndon Johnson tuyên bố không tái tranh cử. DNC 1968 phải tổ chức hiệp thương bầu ứng viên mới. Cuối cùng, các đại biểu chỉ cần một vòng bỏ phiếu để chọn ra ứng viên tranh cử là Hubert Humphrey, khi đó giữ chức phó tổng thống.
Thực tế, đảng Dân chủ có thể thống nhất để chốt ứng viên trước khi DNC bắt đầu, có thể qua bỏ phiếu trực tuyến. Cách làm này sẽ tránh được diễn biến bất ngờ và khiến DNC chỉ mang tính thủ tục như hàng chục năm qua.
Amy K. Dacey, giám đốc Viện Chính sách và Chính trị Sine thuộc Đại học Mỹ (AU) tại Washington, cựu giám đốc điều hành Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, cho rằng các lãnh đạo đảng sẽ nỗ lực tìm đồng thuận về ứng viên trước đại hội để không rơi vào cảnh hụt hơi trước phe Cộng hòa.
"Đại hội đảng Cộng hòa đã kết thúc với kết quả rõ ràng tên ai sẽ xuất hiện trên lá phiếu", Dacey nói. "Các lãnh đạo Dân chủ muốn chốt ứng viên nhanh chóng để vào guồng vận động tranh cử càng sớm càng tốt".
Ứng viên sáng giá
Tổng thống Joe Biden đã thông báo sẽ ủng hộ Phó tổng thống Harris, 59 tuổi, làm ứng viên đại diện của đảng. Bà Harris nhiều khả năng sẽ nhận được đề cử.
Matt Ortega, chiến lược gia đảng Dân chủ, cựu cố vấn truyền thông kỹ thuật số của bà Hillary Clinton, nhận định lựa chọn bà Harris "sẽ đảm bảo được tính chính danh và dân chủ" vì bà đã có tên trên lá phiếu bầu cử sơ bộ ngay từ đầu.
Ngoài Phó tổng thống Harris, giới quan sát nhận định một số chính trị gia khác trong đảng Dân chủ cũng có mức ủng hộ mạnh mẽ và có thể được xướng tên đề cử tại DNC 2024 ở Chicago, điển hình là Thống đốc California Gavin Newsom, Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer hay Thống đốc Pennsylvania Josh Shapiro. Tuy nhiên, ông Newsom đã công khai ủng hộ bà Harris. Thống đốc Whitmer cũng tỏ rõ sẽ không tham gia cuộc đua.
Cố vấn của thượng nghị sĩ Tây Virginia Joe Manchin, 76 tuổi, cho biết ông đang cân nhắc ra tranh cử. Manchin đã rời bỏ đảng Dân chủ vào tháng 5 và trở thành nghị sĩ độc lập, nhưng vẫn tham gia một nhóm chính trị thuộc đảng Dân chủ tại Thượng viện. Để có tên trong danh sách ứng viên bổ sung ở DNC 2024, ông sẽ phải đăng ký làm đảng viên Dân chủ trở lại.
Ứng viên mới sẽ có lợi thế là tránh được những lời chỉ trích nhắm vào chính quyền Biden về lạm phát cao, cuộc khủng hoảng biên giới và việc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan.
Tuy nhiên, hàng loạt lãnh đạo cấp cao trong đảng Dân chủ và các nhà tài trợ đã tuyên bố ủng hộ bà Kamala Harris. Họ tin rằng bà là lựa chọn khả thi nhất vào thời điểm này, bởi bà vừa duy trì chính sách nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, vừa giành lại niềm tin ở cử tri trung thành.
Trong tuyên bố ngày 21/7, Phó tổng thống Harris đã ca ngợi Tổng thống Biden "hành động quên mình và yêu nước", đồng thời cam kết nỗ lực để nhận đề cử.
"Tôi tự hào được Tổng thống ủng hộ và tôi quyết chiến thắng đề cử. Tôi sẽ làm hết sức để thống nhất đảng Dân chủ, đoàn kết đất nước và đánh bại ông Donald Trump", bà Harris tuyên bố.
Thanh Danh (Theo Reuters, AFP)