"Chúng tôi tin rằng chính phủ Iraq nên chủ động cử lực lượng vũ trang thường trực phối hợp với chính phủ Syria, do các nhóm phiến quân tại đây là mối đe dọa với an ninh quốc gia của Iraq và khu vực", phát ngôn viên của Kataib Hezbollah ngày 3/12 cho biết, thêm rằng nhóm này chưa cử quân đến Syria.
Kataib Hezbollah nằm trong Trục Kháng chiến do Iran hậu thuẫn và từng tham chiến tại Syria cùng lực lượng ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Đây là một trong những nhóm dân quân mạnh nhất ở Iraq, hiện thuộc Lực lượng Tổng động viên (PMU) và được biên chế thành ba lữ đoàn.
Khoảng 300 dân quân Iraq, chủ yếu là thành viên nhóm Badr và Harakat Hezbollah al-Nujaba, trước đó đi đường mòn vượt biên vào Syria để hỗ trợ quân đội chính phủ. Badr và Harakat Hezbollah al-Nujaba đều là thành viên PMU, song liên minh này phủ nhận đã điều lực lượng ra nước ngoài.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh cho biết khoảng 200 tay súng thuộc các nhóm dân quân Iraq thân Iran đã tới tỉnh Aleppo để hỗ trợ quân chính phủ Syria.
Hay'et Tahrir al-Sham (HTS), tiền thân là nhóm Mặt trận al-Nusra, chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria, cùng các lực lượng phiến quân đồng minh hôm 29/11 phát động cuộc tấn công thành phố Aleppo. Đây là lần đầu tiên phiến quân Syria tấn công thành phố này kể từ năm 2016, đánh dấu một trong những cuộc giao tranh đẫm máu nhất nhiều năm qua ở Syria.
Quân đội Syria ngày 30/11 thông báo "tạm rút lui" khỏi Aleppo, thành phố lớn thứ hai đất nước, nhằm tập hợp và tái tổ chức các đơn vị trước khi có lực lượng chi viện để mở cuộc phản công nhằm vào thành phố. Đây là lần đầu tiên chính phủ Syria để mất Aleppo kể từ khi nội chiến bùng phát vào năm 2011.
Chiến dịch của phiến quân do HTS dẫn đầu ở Syria khiến giới chức Iraq lo ngại, khi quốc gia này vẫn trong tình trạng dễ tổn thương sau thời kỳ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy. Quân đội Iraq ngày 2/12 điều thiết giáp tới tăng cường an ninh dọc theo biên giới dài 600 km với Syria.
HTS và đồng minh từng kiểm soát Aleppo và nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền bắc Syria, trước khi Nga năm 2015 mở chiến dịch can thiệp vào nước này nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đối phó IS và các nhóm phiến quân.
Với sự yểm trợ của không quân Nga, quân đội Syria đã đánh bại IS và đẩy lùi các nhóm phiến quân tới khu vực miền bắc, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Kể từ năm 2016, HTS và đồng minh không còn hoạt động quân sự đáng kể ở Syria. Nga sau đó rút bớt lực lượng khỏi Syria, chỉ duy trì một số đơn vị tại căn cứ Latakia. Giới phân tích cho biết sau 8 năm "nằm im thở khẽ", phiến quân đã trỗi dậy nhờ lợi dụng tình hình các lực lượng ủng hộ Tổng thống al-Assad suy yếu và Nga bận rộn với chiến dịch ở Ukraine.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, AP, Reuters)