Nơi Vân thuê là một khu nhà xây năm 2021 ở Khương Hạ, quận Thanh Xuân, cách địa điểm vụ cháy ở chừng 2 km. Giá thuê hơn 6 triệu đồng mỗi tháng bao gồm cả điện nước. Cô đóng tiền nửa năm, kèm một tháng tiền cọc.
Sáng 13/9, biết tin vụ cháy chung cư mini, Vân gọi ngay cho ban quản lý hỏi về phòng cháy chữa cháy của tòa nhà mình. Cô được trả lời chỉ có tầng một có vòi phun chữa cháy tự động; chuông báo cháy và bình cứu hỏa đặt tùy tầng. Phòng của Vân ở tầng 6, không có bình nào. Trong trường hợp không thoát hiểm được bằng thang bộ, chỉ còn mỗi lối cửa sổ không có song sắt.
"Khu này mới nên mọi thứ khá hiện đại, nhưng đúng là lúc đi thuê mình không hề để ý đến lối thoát hiểm. Bây giờ thấy việc này vô cùng quan trọng khi đi vào bất kỳ tòa nhà nào", Nguyễn Hoàng Vân, 28 tuổi, công tác trong một trường đại học ở quận Thanh Xuân, chia sẻ.
Nghĩ tự phòng thân không thừa, sáng 15/9 Vân đã đặt mua set đồ thoát hiểm giá một triệu đồng và đang tìm mua thêm mặt nạ chống độc loại tốt. Đây là lần đầu tiên cô nghiên cứu bài bản kỹ năng sinh tồn trong hỏa hoạn.
"Ngoài đọc các kiến thức PCCC, mình cũng đọc từng bài phỏng vấn các nạn nhân để xem cách xử lý của từng trường hợp", cô nói.
Cách đó không xa, Thanh Trúc, một nhân viên văn phòng 33 tuổi đang tìm phòng trọ khác để chuyển. "Khi biết tin vụ cháy, ý nghĩ đầu tiên của tôi là chuyển nhà, tìm chung cư to có lối thoát hiểm", Trúc nói.
Trúc và em trai sinh viên đang thuê một chung cư mini ở đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân. Khu này có 6 tầng, 32 phòng, Trúc đã ở từ lúc mới hoàn thành năm 2017. Trước đây cô thấy mọi thứ ở đây đều ổn, bây giờ mới mới nhận ra đang đùa giỡn tính mạng chính mình. "Nơi ở của tôi có kết cấu giống hệt căn gặp hỏa hoạn", cô chia sẻ.
Theo Trúc, tầng một để xe kín mít, trước chỉ cấm sạc điện qua đêm nên ban ngày vẫn có người sạc. Cầu thang bộ vừa hai người đi lại. Cửa sổ và tầng thượng đều gia cố kiểu "chuồng cọp".
Hai chị em Trúc lo lắng. Bố mẹ cô ở Tuyên Quang ngày nào cũng gọi vài lần nhắc nhở an toàn. Câu cuối bao giờ cũng chốt "Chuyển xuống nhà mặt đất cho an toàn".
"Trong lúc chờ tìm được phòng, cuối tuần này tôi sẽ tự cắt lối thoát hiểm ở cửa sổ", cô cho hay.
Tại "thủ phủ" chung cư mini đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy), Diệp Nhi, sinh viên năm tư ĐH quốc gia Hà Nội đang thuê trọ ở một tòa có hơn 50 căn hộ. Chỉ riêng trong ngách chừng 200 mét này đã có 4 chung cư mini.
Phòng của Nhi và hai người bạn ở tầng ba trong căn nhà 7 tầng, giá thuê gần 6 triệu đồng một tháng. Khu này mới xây, được trang bị hệ thống báo cháy, có vòi phun đến tận phòng, cũng có cả trụ nước cứu hỏa ngay trước cửa nhà. Mỗi tầng đều trang bị tủ có hai bình cứu hỏa.
"Chi phí vừa phải, trong khi được ở phòng đẹp, hiện đại hơn hẳn phòng trọ truyền thống, nên trước đây chúng em đều rất yên tâm", Nhi nói.
Tuy nhiên, ba ngày nay cô cũng hoang mang và lo lắng. Cha mẹ ở quê liên tục gọi điện nhắc nhở cẩn thận dùng điện và nấu ăn trong phòng, đồng thời cho thêm tiền trang bị mặt nạ phòng độc.
Các chủ chung cư mini ở Hà Nội đang có nhiều thay đổi sau vụ việc đau lòng. Ban quản lý tòa nhà của Hoàng Vân ra thông báo bịt hết các ổ cắm sạc xe đạp điện, xe máy điện, cấm sạc tại nhà đồng thời bổ sung thêm bình cứu hỏa. Đặc biệt họ sẽ làm cửa chống lửa và khói tầng một để không lan lên các tầng trên. Cầu thang thoát hiểm từ các hành lang trổ ra ngoài đang được thi công, có khung sắt cho an toàn chứ không làm mỗi bậc thang.
Hai hôm nay, chủ nhà của Thanh Trúc đã thống kê lại toàn bộ số người đang ở và thu hết bộ sạc xe điện, bổ sung thêm bình chữa cháy. Những cư dân khác cũng có ý kiến cắt bớt thanh sắt chuồng cọp ở tầng thượng, nhưng được trấn an "ở đây sẽ không cháy to như quán karaoke".
Ngay hôm 14/9, ban quản lý tòa của Diệp Nhi đã vận hành thử hệ thống chữa cháy, ra thông báo cấm sử dụng bếp gas trong phòng. Cư dân của khu đang yêu cầu được tập huấn về phòng cháy chữa cháy.
"Tuy có hệ thống chữa cháy hiện đại hơn chỗ khác một chút, chúng em vẫn lo vì khu nhà nằm trong ngách nhỏ, khó cho xe cứu hỏa, cứu thương di chuyển. Hơn nữa hầu hết các kỹ năng sinh tồn đều là lý thuyết, học từ hồi cấp ba", nữ sinh này chia sẻ.
Đại diện một chủ đầu tư của khoảng 30 chung cư mini cho biết hai ngày nay họ đang rà soát lại toàn bộ hệ thống PCCC, số người thuê và đã thực hiện một loạt biện pháp an toàn.
"Những khu nào có chuồng cọp, chúng tôi tiến hành phá, mở cửa thoát hiểm từ các cửa sổ, lắp thang dây vào các tầng và tầng thượng. Từ bây giờ mỗi phòng sẽ được trang bị hai bình bọt và khí", ông nói.
Người này cũng cho biết đã ngắt điện tất cả các ổ cắm tầng một để không sạc được xe đạp, xe máy điện. Mặc dù trước đây đã tuyên truyền bỏ bếp gas, việc thực hiện vẫn chưa triệt để nên lần này bên ông sẽ hỗ trợ chi phí cho người dân chuyển đổi sang bếp điện. Ông đã lên lịch tổ chức tập huấn phòng cháy chữa cháy cho từng tòa chung cư mini trong hệ thống của mình. Toàn bộ các hoạt động này sẽ tốn một số tiền không nhỏ. "Tính mạng con người là trên hết", ông nói thêm.
Ông Nguyễn Chí Thanh, phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết thêm đa phần trường hợp nguyên nhân cháy thường bắt đầu từ chỗ để xe. Vì thế khu vực này cần có sự thực hiện đúng theo hướng dẫn PCCC, từ thiết kế cửa, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động. Người cho thuê phải đầu tư và các cơ quan quản lý phải kiểm tra, giám sát.
Song song, phải giảm thiểu rủi ro đến từng căn hộ. Người dân phải trang bị kiến thức, thực hành và lên kịch bản trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra. Những người đã mua chung cư mini cần yêu cầu chủ đầu tư trang bị hệ thống PCCC và chính họ phải "liên gia" cùng nhau lắp các thiết bị PCCC, làm cửa chống khói độc. Đặc biệt cần phải thay đổi tư tưởng chống trộm hơn chống cháy. Các nhà đang có chuồng cọp cần trổ cửa thoát hiểm. Đây là việc bắt buộc phải làm ngay.
Có một thực tế là tin tức sẽ nóng sau các vụ việc và giảm nhiệt dần, nhưng những chương trình, hoạt động giáo dục kỹ năng phản ứng trong tình huống hỏa hoạn và phòng ngừa hỏa hoạn không phải lúc nào cũng được cập nhật thường xuyên.
"Cần phải truyền thông nhiều hơn nữa để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người dân để phòng ngừa và tự bảo vệ mình khi có hỏa hoạn xảy ra", ông Thanh nói.
Phan Dương