Ở tầng 17 một chung cư tại huyện Thanh Trì, cửa sổ các phòng của gia đình chị Hoàng Thị Thủy, 32 tuổi, rung bần bật trong tiếng gió rít. Một số căn hộ trong tòa nhà đã bị rơi mất cửa kính. Căn nào có ban công, các gia đình phải lấy bàn, ghế che chắn nhưng gió vẫn giật từng cơn rung lắc như động đất. Hiện có căn hộ trần nhà bị bung ra do gió luồn theo đường thông khí. Một số hộ nước tràn vào cửa sổ, cả gia đình lau không kịp.
Quá lo sợ, nhiều gia đình phải đưa nhau xuống sảnh ngồi. Một số khác di tản đến ở nhờ các nhà tầng thấp do không chịu được cảm giác rung lắc mạnh.
''Tôi không biết có nên xuống tầng dưới không vì sợ ở dưới cũng nguy hiểm. Hơn nữa, 5 thang máy thì có 4 thang tạm dừng hoạt động'', chị Thủy nói.
Tại một chung cư ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chị Vương Thu Hương cứ vài phút lại lấy khăn vắt nước một lần. Cả nhà bốn người chia nhau canh một góc cửa sổ. "Rát đỏ tay chỉ vì vắt nước", chị Hương, 40 tuổi, nói.
Cánh cửa ban công liên tục rung lắc, nhiều lúc chị cảm tưởng chúng sắp bung ra đến nơi. Để gia cố, Hương lấy ghế sofa ra chèn, đề phòng cửa kính rơi vỡ cũng không bắn tứ tung trong nhà.
"Ngay từ chiều, giàn phơi di động nhà tôi vì va đập quá mạnh cũng đã đứt dây, rơi xuống đất. May không đập vào kính", chị nói. Vì mưa to gió lớn đổ bộ vào Hà Nội nên ngay từ chiều, thang máy của chung cư cũng tạm dừng hoạt động.
Quỳnh Anh là hàng xóm nhà chị Hương, sống cùng chồng và con nhỏ. Ngay từ đêm qua biết tin bão về, Quỳnh Anh đã dịch chiếc đệm trong phòng ngủ ra giữa nhà vì biết tường của phòng này sẽ xảy ra hiện tượng thấm dột từ cửa sổ. "Cứ mưa to là nước mưa chảy vào nhà. Tôi định làm lại chống thấm thì cơn bão ập tới", bà mẹ một con nói.
Từ chiều 7/9, hai vợ chồng Quỳnh Anh liên tục lấy chậu hứng nước rồi dùng các loại chăn, quần áo cũ chắn nước mưa rơi từ trên cao xuống. Chị nói cả đêm nay hai vợ chồng không dám ngủ để hứng nước.
Ở TP Hạ Long (Quảng Ninh), Nguyễn Ngọc Huyền và chồng đang ngồi ăn trưa, đột nhiên cả tòa nhà rung lắc, mọi người sợ hãi lao ra ngoài.
''Cả tòa nhà rung bần bật, lắc lư bồng bềnh như say sóng", Ngọc Huyền, 31 tuổi, ở tầng 23 kể khi đang tìm chỗ di tản. Cô cứ nghĩ trong nhà là an toàn nhất, nhưng không phải. Trước đó, họ chuẩn bị đủ thực phẩm, dán cửa sổ, kê chèn vật nặng, lót vải mềm phòng tránh bão.
Trưa nay, gia đình ba người nấu nồi lẩu quây quần, nhưng thấy một số căn góc tòa nhà vỡ kính, đồ đạc bay đập vào cửa nhà khác. 13h, đúng lúc bão vào mọi người lao ra khỏi nhà, xuống sảnh ở tầng hai trú. Nhiều gia đình khác từ tầng 10 đến tầng 29 thấy hiện tượng lắc mạnh cũng ùa xuống theo.
Một số hộ khác chấp nhận ở lại vì gió quá lớn, nếu mở cửa sẽ tạo lực đẩy làm vỡ kính. "Có nhà thì không đủ sức mở cửa vì gió quá mạnh'', cô kể.
Gia đình ba người phải ngồi vạ vật ở sảnh chung cư từ 13h đến 17h30. "Cũng may gia đình tôi ở chung cư có hạ tầng tốt, chứ nhiều chỗ bão chưa mạnh cửa đã rụng rời, có người bị thương nặng'', Ngọc Huyền nói.
Mưa kèm gió bão mạnh cũng gây ra tình trạng vỡ, nổ cửa kính của nhiều căn hộ chung cư. Một số người cho biết khi bão về, họ nghe bạn bè tư vấn không nên đóng kín cửa mà phải mở hé để "cân bằng áp suất" cho căn hộ.
Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T) đây là sai lầm, trong những ngày bão với gió mạnh, với nhà cao tầng phải đóng kín cửa tuyệt đối để đảm bảo an toàn. Việc đóng kín cửa có một số tác dụng như sau:
Tránh chênh lệch áp suất. Nếu mở hé cửa sẽ tạo ra chênh lệch áp suất giữa bên trong và bên ngoài, dẫn đến nguy cơ cửa bị đẩy bật hoặc kính vỡ do không khí bên trong tràn ra ngoài. Đóng kín cửa giúp duy trì áp suất ổn định trong tòa nhà, ngăn không cho luồng khí từ bên ngoài đi vào tạo ra sự chênh lệch áp suất đột ngột.
Giảm lực đẩy của gió. Khi cửa đóng kín, hệ thống cửa chịu lực đều hơn và giảm bớt áp lực của gió, tránh nguy cơ bị bật cửa hay vỡ kính. Với cửa sổ đóng kín cũng có tác dụng giảm bớt áp lực cục bộ lên các điểm yếu như khung cửa, bản lề, hoặc các bề mặt kính.
Ngăn hiệu ứng hút ngược. Gió thổi mạnh có thể tạo ra hiệu ứng hút ở phía đối diện tòa nhà, tăng thêm áp lực nếu cửa mở hé, gây nguy hiểm cho cửa và kính. Đóng kín cửa giúp duy trì áp suất ổn định, giảm tác động của gió và ngăn cản gió cuốn theo vật thể lạ bay vào nhà.
Một căn hộ trong khu chung cư ở quận Nam Từ Liêm bị vỡ cửa kính do gió bão. |
Ngoài ra, kiến trúc sư Trương Thành Trung cũng khuyến cáo một số biện pháp an toàn cho hệ thống cửa ngày mưa bão với gió giật mạnh như dán băng dính (băng keo) lên mặt kính giúp tăng cường độ bền và hạn chế kính vỡ vụn thành các mảnh sắc bén khi có va đập; Sử dụng thêm chốt an toàn, thanh chắn hoặc khung bảo vệ để tăng cường độ vững chắc của cửa sổ, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ bị gió mạnh tác động; Chèn kín khe hở bằng keo silicon hoặc đệm mút để ngăn gió lùa và tạo áp lực lớn lên cửa.
Phạm Nga- Hải Hiền
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.