Bà Tzipi Hotovely hôm nay nói với Sky News rằng bà không tin vào quan điểm của chính phủ Anh và Liên Hợp Quốc về việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
"Câu trả lời chắc chắn là không. Israel đã biết và thế giới cũng nên biết rằng lý do Hiệp định Oslo thất bại là vì người Palestine không bao giờ muốn cùng tồn tại với Israel", Đại sứ Hotovely nói, thêm rằng điều người Palestine muốn là một nhà nước trải rộng trên toàn lãnh thổ Israel.
Theo Hiệp định Oslo do Mỹ làm trung gian được ký năm 1993, Israel chấp nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện của người Palestine; PLO công nhận quyền tồn tại hòa bình của Israel. Hai bên nhất trí rằng Chính quyền Palestine sẽ chịu trách nhiệm quản lý Bờ Tây và Dải Gaza, mang hy vọng về lộ trình hiện thực hóa mô hình hai nhà nước.
Tuy nhiên, năm 2000, tổng thống Mỹ Bill Clinton không thể đạt thỏa thuận với thủ tướng Israel Ehud Barak và lãnh đạo Palestine Yasser Arafat tại Trại David ở Mỹ về thực thi hiệp định. Phong trào nổi dậy (intifada) của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel cũng khiến tiến trình hòa bình khu vực đình trệ trong nhiều năm.
"Tại sao bạn bị ám ảnh bởi giải pháp hai nhà nước không bao giờ hiệu quả, đã tạo ra những người có quan điểm cực đoan ở phe bên kia", bà nói, dường như đề cập tới Hamas.
Hamas trỗi dậy ở Gaza sau phong trào intifada, với quan điểm sử dụng vũ lực để chống lại Israel. Nhóm này giành chiến thắng trước phong trào Fatah của ông Arafat trong cuộc bầu cử ở Gaza năm 2006 và kiểm soát dải đất từ năm 2007.
Bà Hotovely cho biết Chính quyền Palestine chưa lên án cuộc tấn công của nhóm vũ trang Hamas vào miền nam Israel ngày 7/10, khiến hơn 1.100 người thiệt mạng và bắt cóc 240 người.
"Đã hai tháng kể từ khi xung đột bùng phát. Đó là vấn đề lớn", bà nói.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak không đồng tình với những bình luận của bà Hotovely. Ông nói rằng "chúng tôi vẫn giữ quan điểm rằng giải pháp hai nhà nước là điều đúng đắn".
Ông Sunak cho biết đã nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Tel Aviv "phải thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa sẵn có để bảo vệ sinh mạng của thường dân vô tội".
Sau cuộc tấn công đẫm máu của nhóm Hamas, Israel đã tiến hành chiến dịch không kích và tấn công trên bộ đáp trả ở Dải Gaza. Xung đột đã khiến hơn 18.700 người thiệt mạng và hơn 50.000 người bị thương.
Thanh Tâm (Theo AFP)