"Chúng tôi quyết định gọi nhà báo Stefania Battistini và quay phim Simone Traini trở về Italy để đảm bảo an toàn và an ninh cá nhân", đài RAI ra tuyên bố ngày 17/8, thêm rằng hai người này sẽ về tới Milan trong ngày 18/8.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) trước đó thông báo mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào Traini và Battistini, với cáo buộc "vượt biên trái phép vào Nga". FSB cho biết thêm cơ quan này còn xác định được nhà báo CNN Nick Paton Walsh đã tới Sudzha, tỉnh Kursk, và sẽ sớm đưa ra quyết định với ba người này.
RAI ngày 14/8 phát bản tin từ thị trấn Sudzha, tỉnh Kursk, trong lúc đang diễn ra cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào khu vực này. Nhóm phóng viên Italy tác nghiệp dưới sự bảo vệ của quân đội Ukraine.
Hai ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Nga triệu đại sứ Italy Cecilia Piccioni để phản đối việc nhóm phóng viên nước này đưa tin từ Kursk, cáo buộc đây là hành vi "vượt biên trái phép". Moskva chỉ trích các phóng viên Italy "vi phạm nghiêm trọng luật pháp Nga và các quy tắc cơ bản trong đạo đức báo chí".
Đại sứ Piccioni giải thích với chính quyền Nga rằng các phóng viên ở đài truyền hình RAI "lên kế hoạch hoạt động hoàn toàn độc lập và tự chủ".
Ukraine mở cuộc tấn công bất ngờ vào Kursk hôm 6/8, tuyên bố đã kiểm soát hàng chục ngôi làng trong chiến dịch xuyên biên giới lớn nhất vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 17/8 tuyên bố đang củng cố các vị trí tại Kursk, dấu hiệu cho thấy họ sẽ bám trụ lâu dài trên đất Nga.
Nga gọi chiến dịch của Ukraine là "hành động khiêu khích lớn" và tuyên bố sẽ "đáp trả thích đáng". Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/8 cho biết chiến dịch ở Kursk đã khiến Ukraine thiệt hại 3.160 binh sĩ và hàng trăm khí tài quân sự, trong đó có ba pháo phản lực HIMARS do Mỹ chế tạo.
Ngọc Ánh (Theo RT/Reuters/AFP)