Hơn một tuần sau khi Israel cắt mọi nguồn cung thiết yếu cho Dải Gaza và siết lệnh phong tỏa, mọi ánh mắt trông đợi đang đổ dồn về cửa khẩu Rafah, cửa ngõ duy nhất giữa khu vực này với Ai Cập.
Các nhà ngoại giao quốc tế đang nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, cho phép hàng viện trợ nhân đạo và người nước ngoài mắc kẹt đi qua cửa khẩu Rafah. Các cuộc không kích của Israel đã khiến Ai Cập đóng cửa khẩu này từ tuần trước, khiến hàng cứu trợ nhân đạo quốc tế không thể đến được với Dải Gaza.
Đến ngày 16/10, hơn 100 xe chở hàng cứu trợ vẫn bị tắc ở cửa khẩu Rafah, chờ đợi giấy phép để vào Gaza. Một số thông tin về việc mở cửa khẩu đã được đưa ra, nhưng đến nay cửa khẩu vẫn đóng im ỉm.
Các cuộc không kích liên tục cùng lệnh phong tỏa gắt gao của Israel đang khiến nguồn cung ở Dải Gaza dần cạn kiệt, đẩy 2,3 triệu người sinh sống ở dải đất này vào tình cảnh ngày càng tuyệt vọng. Theo Liên Hợp Quốc, hơn một triệu người đã rời bỏ nhà cửa ở phía bắc Gaza sau lệnh sơ tán của Israel.
Quân đội Israel tuyên bố đang nỗ lực đảm bảo an toàn cho dân thường trước khi mở chiến dịch tấn công Hamas ở phía bắc Gaza. Phần lớn mạng lưới đường hầm, bệ phóng rocket, cơ sở hạ tầng quân sự của Hamas được bố trí xen lẫn giữa các khu dân cư.
Những người sơ tán khỏi phía bắc Gaza vẫn đối mặt với các cuộc không kích ở phía nam. Rạng sáng 16/10, một cuộc không kích vào thị trấn Rafah gần cửa khẩu với Ai Cập đã làm sập một tòa nhà là nơi trú ngụ của ba gia đình sơ tán khỏi thành phố Gaza.
Vụ không kích phá hủy hoàn toàn tòa nhà, khiến ít nhất 12 người chết, 9 người bị chôn vùi trong đống đổ nát.
Liên Hợp Quốc cho hay các bệnh viện ở Dải Gaza sẽ hết nhiên liệu chạy máy phát điện trong 24 giờ tới, đồng nghĩa với việc các thiết bị hỗ trợ sự sống như lồng ấp, máy thở sẽ ngừng hoạt động, đẩy hàng nghìn sinh mạng vào tình thế nguy hiểm.
Sống trong vòng phong tỏa cùng các cuộc không kích liên miên, người dân Gaza tuyệt vọng tìm thức ăn, nước uống. Nhiều người phải uống nước bẩn, đối mặt nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Hơn 400.000 người đang tập trung tại các trường học và cơ sở của Cơ quan Cứu trợ Liên Hợp Quốc cho người tị nạn Palestine (UNRWA). Nhưng UNRWA cho hay họ cũng chỉ có một lít nước một ngày dành cho nhân viên bị mắc kẹt ở khu vực và không thể đảm bảo nguồn cung thiết yếu cho người tị nạn, khi nguồn cứu trợ mắc kẹt ở cửa khẩu.
"Gaza đang cạn nước. Gaza đang cạn kiệt sự sống", Philippe Lazzarini, người đứng đầu tổ chức, cho biết và kêu gọi Israel dỡ lệnh bao vây. "Đây là thứ lúc này chúng tôi cần".
Thực phẩm cũng đang cạn kiệt, khiến nhiều người xếp hàng dài trước một số tiệm bánh đang hoạt động ở Gaza. Ahmad Salah ở thành phố Deir al-Balah cho hay đã đợi 10 tiếng để lấy được một kg bánh mì cho gia đình 20-30 người.
Trong khi đó, Hamas kêu gọi người dân không sơ tán khỏi phía bắc Gaza. Quân đội Israel ngày 15/10 công bố ảnh cho thấy Hamas dựng rào chắn ngăn dòng xe di chuyển về phía nam.
Y bác sĩ và nhiều nhân viên bệnh viện ở phía bắc Gaza từ chối sơ tán, bởi điều này đồng nghĩa hàng trăm bệnh nhân nguy kịch và trẻ sơ sinh phải thở máy sẽ chết. Nhóm Bác sĩ Không Biên giới cho biết nhiều người quyết định ở lại điều trị cho người bị thương, dù họ đã hết thuốc giảm đau và "người bị thương đang kêu rên vì đau đớn".
Ở cửa khẩu Rafah bên phía Dải Gaza, đám đông người Palestine mang hai quốc tịch đang bồn chồn chờ đợi. Một số người dỗ dành con cái đang khóc.
Mỹ thông báo đã đạt thỏa thuận mở cửa khẩu Rafah để khoảng 5.000 công dân ở Dải Gaza có thể sơ tán qua ngả Ai Cập, nhưng hoạt động này chưa được tiến hành trên thực địa.
"Mỹ là quốc gia phát triển, suốt ngày nói về nhân quyền", Shurouq Alkhazendar, người có hai con là công dân Mỹ, nói. "Mỹ nên bảo vệ công dân của mình đầu tiên, đừng để mặc họ chống chọi với đau khổ".
Chính phủ Mỹ cũng bắt đầu sơ tán khoảng 2.500 công dân bằng tàu biển từ thành phố cảng Haifa của Israel tới Cyprus. Các hãng hàng không thương mại đa số đã ngừng bay tới sân bay quốc tế Ben Gurion của Israel.
Hồng Hạnh (Theo AP)