Phiến quân Hay'et Tahrir al-Sham (HTS) cùng đồng minh ngày 5/12 tiến vào Hama, kiểm soát hoàn toàn thành phố lớn thứ tư Syria mà gần như không vấp phải kháng cự nào đáng kể từ quân đội chính phủ.
Dù Bộ trưởng Quốc phòng Syria gọi đây là hoạt động "rút lui chiến thuật", việc thất thủ ở Hama đã giáng thêm đòn vào chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, sau thất bại chóng vánh ở thành phố chiến lược Aleppo chưa đầy một tuần trước.
Việc phiến quân liên tiếp chiếm được Aleppo và Hama được xem là bước ngoặt mới cho nội chiến Syria, cuộc xung đột đã kéo dài gần 14 năm và dường như đã đóng băng cho đến khi phiến quân mở chiến dịch tấn công quy mô lớn ở miền bắc, miền trung nước này tuần trước.
Kiểm soát Hama, thành phố án ngữ tuyến cao tốc M5, phiến quân Syria có thể bảo vệ những vùng lãnh thổ mà họ chiếm được trước đó ở miền bắc Syria, gồm cả Aleppo. Thành quả này cũng giúp phiến quân tiến gần hơn tới thành phố Homs, cách Hama khoảng 50 km. Homs là ngã ba chiến lược dẫn tới Lebanon và khu vực duyên hải phía tây Syria, một trong những nơi quan trọng nhất với chính phủ Syria, cũng như hai đồng minh Iran và Nga.
Trong các video đăng từ Hama ngày 5/12, phiến quân tuyên bố Homs sẽ là mục tiêu tiếp theo. Cách thành phố khoảng 185 km về phía nam theo đường M5 là thủ đô Damascus, trung tâm quyền lực của ông Assad.
"Nếu họ tiếp tục tiến về Homs với tốc độ này và kiểm soát nhiều khu vực ở thành phố, chúng ta khi đó có thể cần suy nghĩ nghiêm túc về nguy cơ với chính phủ Syria", Dareen Khalifa, cố vấn cấp cao tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế tại Brussels, nói.
Nga và Iran đang cố gắng hỗ trợ Tổng thống Assad đối phó với đà tiến của phiến quân. Chiến đấu cơ Nga tiến hành nhiều cuộc không kích vào khu vực phiến quân kiểm soát, trong khi Ngoại trưởng Iran đã tới Damascus và cam kết giúp đỡ quân đội chính phủ Syria.
Tuy nhiên, hai đồng minh quan trọng này của ông Assad đều đang có những mối bận tâm khác. Nga vẫn phải dồn lực cho cuộc chiến ở Ukraine trước ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người từng tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột ngay trong ngày đầu nắm quyền, dường như bằng cách đóng băng chiến sự.
Iran trong khi đó cũng đau đầu với xung đột ở Gaza và Lebanon, cũng như những căng thẳng gần đây với Israel.
Gửi hỗ trợ quân sự tới Syria có thể buộc cả Nga và Iran đưa ra những lựa chọn khó khăn giữa các chiến trường. Hezbollah, nhóm vũ trang ở Lebanon do Iran hậu thuẫn vốn sát cánh chiến đấu với quân đội của ông Assad, cũng đã chịu nhiều tổn thất trong năm qua vì xung đột với Israel.
Tổng thống Assad từng đối mặt hiểm cảnh sau khi nội chiến nổ ra năm 2011. Các nhóm phiến quân, lực lượng nổi dậy và cả nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khi đó đã áp sát Damascus, đe dọa lật đổ chính quyền của ông.
Nga năm 2015 đã mở chiến dịch can thiệp ở Syria, ném bom dữ dội và các mục tiêu phiến quân, chuyển giao vũ khí và các nguồn lực quan trọng giúp củng cố quân đội Syria. Iran cũng triển khai các cố vấn tới nước này, trong khi Hezbollah điều động các nhóm tác chiến tinh nhuệ đến tham chiến trực tiếp trên chiến trường.
Sự hỗ trợ quan trọng đó đã giúp quân đội Syria đảo ngược tình thế, giành lại kiểm soát phần lớn đất nước, đẩy phiến quân lùi về một khu vực nhỏ ở biên giới phía bắc. Cuộc nội chiến cũng đã khiến Syria thành chiến trường mà quân đội các nước khác như Mỹ, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ góp mặt.
Nga sau đó rút bớt lực lượng khỏi Syria, chỉ để lại các đơn vị đồn trú bảo vệ căn cứ chiến lược Latakia và quân cảng Tartus, biến Syria thành điểm trung chuyển quan trọng cho các hoạt động quân sự của Moskva ở Trung Đông và châu Phi.
Đối với Iran, Syria là biểu tượng quan trọng cho khả năng phô trương sức mạnh ở nước ngoài, cũng như để bố trí lực lượng gần đối thủ không đội trời chung Israel. Mỹ cũng triển khai hàng trăm binh sĩ ở phía đông Syria trong chiến dịch chống các nhóm khủng bố.
Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích ở Syria trong cuộc chiến chống Hezbollah và các lực lượng dân quân đồng minh mà Tehran hậu thuẫn, nhằm chặt đứt tuyến tiếp tế vũ khí từ Iran tới Lebanon.
Phiến quân Syria cũng giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng thêm quyền lực và ảnh hưởng ở Trung Đông, khi Ankara nhiều năm gần đây ủng hộ phe đối lập, hướng tới mục tiêu lật đổ chính quyền của ông Assad.
Chiến dịch tấn công vào Aleppo và Hama đánh dấu sự trỗi dậy của phiến quân và phe đối lập sau gần 8 năm bị giới hạn hoạt động ở khu vực tây bắc Syria. Dù các lãnh đạo phiến quân từng tuyên bố sẽ trở lại Aleppo, ít ai ngờ họ có thể phá vỡ phòng tuyến của quân đội chính phủ một cách chóng vánh như vậy.
Ngoài mối đe dọa quân sự từ phiến quân, Tổng thống Assad cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, khiến nước này không có đủ nguồn lực và phải phụ thuộc nhiều hơn vào hỗ trợ từ Nga, Iran. Các lệnh trừng phạt của Mỹ càng làm suy yếu thêm quân đội và chính phủ Syria.
Thất bại nhanh chóng của quân đội chính phủ ở Hama cho thấy phiến quân đang duy trì đà tiến mạnh mẽ, trong khi quân đội của ông Assad dường như không có chiến lược đối phó, ngoài việc liên tục rút lui khỏi các thành trì quan trọng.
Thách thức với ông Assad hiện tại là củng cố lực lượng và nỗ lực bảo vệ những khu vực mà chính phủ còn kiểm soát sau một tuần hứng chịu nhiều thất bại. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát hoài nghi về khả năng này.
"Có vẻ như quân đội chính phủ Syria hiện không còn khả năng đối phó với phiến quân", Gregory Waters, nhà phân tích về sức mạnh quân sự của Syria ở tổ chức nghiên cứu Syrian Archive, nói.
Thùy Lâm (Theo WSJ, Washington Post)