Chiều 2/4, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II - cục II, thuộc Ngân hàng Nhà nước) và luật sư tiếp tục tranh luận với VKS về quan điểm đối đáp trước đó khi bị áp dụng hai tình tiết tăng nặng.
Trong phiên đối đáp hôm qua, VKS đánh giá bà Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra, sau khi biết rõ thực trạng SCB rất xấu, cần phải báo cáo NHNN và chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ sai phạm, nhưng bị cáo đã thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) hai lần gặp bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, chủ SCB) để thỏa thuận nhằm che giấu cho SCB. Lời khai của Văn khớp với bà Nhàn, xác định bị cáo đã 4 lần nhận tổng cộng 5,2 triệu USD. Việc áp dụng tình tiết tăng nặng "dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để thực hiện tội phạm" là vì bà Nhàn có nghiệp vụ, am hiểu hoạt động thanh tra ngân hàng, nên đã dùng thủ đoạn che giấu khiến cơ quan chức năng khó phát hiện sai phạm.
Tranh luận lại, bà Nhàn nói "cảm thấy hoang mang lo lắng" về kết luận trên của VKS và đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh, điều kiện phạm tội để áp dụng biện pháp có lợi cho mình.
Về việc cho Văn mật khẩu căn hộ để đưa tiền hối lộ vào cất, bà Nhàn cho biết lần đó đang trong giờ làm việc, ông này gọi điện nói "đem thùng xốp đến nhà tặng quà". Do có mối quan hệ từ trước nên bị cáo cho Văn mật khẩu căn hộ.
Bà Nhàn cảm ơn Văn đã thừa nhận đứng ra nhờ mình gặp Trương Mỹ Lan hai lần, song cựu cục trưởng cho rằng lời khai của Văn tại cơ quan điều tra về việc "đề nghị bà Lan bán tài sản trả nợ cho khoản vay của 71 khách hàng để không chuyển qua cơ quan điều tra" là không đúng, bởi hai cuộc gặp gỡ của bị cáo với bà Lan đều diễn ra trước khi có quyết định thanh tra SCB.
Bị cáo Nhàn cũng phủ nhận việc biết trước kết quả thanh tra, không bưng bít bất cứ sai phạm nào tại SCB. Bà này chỉ thừa nhận sai phạm là thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên chỉnh sửa dự thảo, báo cáo không đầy đủ lên NHNN, Chính phủ về thực trạng của ngân hàng.
"Mong HĐXX xem xét sự nỗ lực của bị cáo trong quá trình thanh tra SCB để giảm nhẹ hình phạt, tạo cơ hội cho bị cáo sớm trở về nhà với gia đình", bà Nhàn nói.
Luật sư bào chữa cho bà Nhàn cho rằng, quan điểm của VKS về việc thân chủ bàn với Văn để đưa ra phương án đối phó việc phát hiện thanh tra là "suy đoán", bởi các lời khai chứng minh không có nội dung này. Từ đó, luật sư đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo.
Trong chiều nay, đối đáp với VKS, các bị cáo Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty Tường Việt, người được bà Lan cho 1.500 tỷ đồng); Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty Vạn Thịnh Phát)... cùng luật sư phủ nhận thông đồng với bà Lan rút tiền SCB. Họ cho rằng hành vi sai phạm xuất phát từ tự tin tưởng vào bà Lan, mức án VKS đề nghị là quá nặng.
Bị cáo Trước nói "rất đau xót và buồn vì bị đề nghị mức án cao". Bản thân luôn muốn khắc phục hậu quả của SCB tốt nhất và đủ điều kiện khắc phục dư thiệt hại.
Còn bị cáo Trương Huệ Vân cho biết, mới tham gia hoạt động của Vạn Thịnh Phát từ sau dịch Covid-19. "Bị cáo chưa bao giờ nghĩ chiếm đoạt tiền vay, chỉ nghĩ là có tài sản bảo đảm, có vay có trả. Cho đến sau khi bị bắt mới nhận ra hành vi của mình là sai phạm", Vân nói và xin tòa xem xét hoàn cảnh phạm tội để giảm nhẹ hình phạt.
Ngày mai, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận bổ sung của bị hại, người có quyền nghĩa vụ liên quan và luật sư bảo vệ quyền lợi ích.
Hải Duyên