Sau phần trình bày của cựu giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến, sáng 4/1, cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị gọi tới bục bị cáo, trả lời trong gần 20 phút. 15 tháng từ khi bị bắt, ông Thăng không thay đổi nhiều vẻ bên ngoài, tóc điểm bạc và trông tăng cân hơn. Ra toà cùng ông tại vụ án này là cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long.
Ông Thăng khai được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương từ tháng 10/2020, tròn hai năm trước khi bị bắt. Hải Dương trải qua nhiều đợt dịch trong Covid-19, nặng nề nhất vào đầu năm 2021, thời điểm này ông đang cùng đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 tại Hà Nội, diễn ra nhiều ngày.
Theo lời khai của cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chiều qua, Hải Dương là địa phương duy nhất mà ông "giới thiệu, can thiệp", đưa công ty Việt Á vào tham gia chống dịch và bán kit test.
Chủ tọa dẫn lại lời khai chiều qua của ông Long và được cựu bí thư Thăng xác nhận "đúng vậy". "Bị cáo có nhận lời tác động đến các cơ quan ban ngành của tỉnh để giúp Việt Á không?", chủ tọa hỏi. Ông Thăng lập tức đáp "hoàn toàn không tác động gì".
Thái độ điềm tĩnh, ông khai đã rất thận trọng, còn chia sẻ với ông Long "việc này phải đem ra Ban thường vụ Tỉnh ủy cùng xem xét, bàn bạc, mình tôi không quyết định được".
"Có phải ngay sau khi gặp ông Long, trưa 9/1/2021, bị cáo đã chủ trì một cuộc họp online từ Hà Nội về Hải Dương để truyền đạt lại đề xuất chỉ đạo của ông Long với các ban ngành địa phương không?", chủ tọa Trần Nam Hà hỏi.
Ông Thăng xác nhận thời gian địa điểm cuộc họp, song cho rằng nội dung họp chỉ là "cập nhật tình tình dịch dã". Bởi khi đó toàn bộ lãnh đạo tỉnh đều đang họp ở Hà Nội, rất sốt ruột về tình hình dịch tại Hải Dương.
Chỉ đạo duy nhất khi đó của ông Thăng, theo khai báo, là giao UBND tỉnh phối hợp bố trí cơ sở vật chất địa điểm nơi đặt máy móc... để Việt Á tham gia chống dịch.
Trái ngược với lời khai này, theo cáo buộc của VKS, ông Thăng đã chủ trì ít nhất 3 cuộc họp và ra 3 thông báo chỉ đạo cho Việt Á tham gia xét nghiệm trên địa bàn tỉnh, nêu rõ nội dung "giao CDC ký hợp đồng với Việt Á trong tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19".
Ông Thăng cũng bị cáo buộc ngày 22/2/2021 chỉ đạo các đơn vị khác phải dừng xét nghiệm, từ đó giúp Việt Á được "độc quyền" xét nghiệm, bán vật tư, mở rộng quy mô buôn bán kit test giá cao. Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt thậm chí còn được tham gia vào các cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương.
Sáng nay, bị chất vấn việc này, cựu bí thư Thăng suy nghĩ vài giây, trả lời: "Việt hình như có tham gia một lần, nhưng tôi không nhớ ai tham mưu mời dự họp".
"Thế theo bị cáo, về nguyên tắc, tổng giám đốc công ty tư nhân mà được dự họp Ban thường vụ Tỉnh ủy thì có đúng luật không, có được phép không?", chủ tọa Trần Nam Hà hỏi dồn. Ông Thăng khai: "Thực ra trong điều kiện dịch bệnh cấp bách, cần thiết huy động tổng lực chống dịch thì việc mời Việt dự họp cũng là cần thiết".
Cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương định giải thích thêm song chủ tọa giơ tay ngắt lời và hỏi: "Thôi bị cáo nghe HĐXX hỏi thẳng đây. Có phải theo giới thiệu của bị cáo Nguyễn Thanh Long nên bị cáo mới chỉ đạo, can thiệp, giúp đỡ Việt Á xuyên suốt từ việc được vào phối hợp xét nghiệm, sau đó tiến tới độc quyền, mở rộng, thanh toán tiền kit test trái pháp luật không?".
Hai tay nắm lại, ông Thăng không trả lời trực diện, nói: "Thực ra khi đó đồng chí Nguyễn Thanh Long là Bộ trưởng Y tế, lại là Phó ban chỉ đạo Quốc gia về chống dịch, có chuyên môn sâu về lĩnh vực y tế, nên tôi rất tin tưởng sự giới thiệu này".
Chủ tọa tiếp tục truy vấn: "Các bản cung trước đó, bị cáo khai rất rõ có đưa ra chỉ đạo, tác động các cơ quan ban ngành để nâng đỡ Việt Á, giờ bị cáo khẳng định ngắn gọn là có hay không". Ông Thăng đáp "có".
"Tóm lại là bị truy tố đúng hay sai", chủ tọa hỏi. "Là xác đáng", cựu bí thư Tỉnh ủy đáp. Ông Thăng thừa nhận đã được Phan Quốc Việt "cảm ơn" 100.000 USD sau Tết nguyên đán 2021; được cựu giám đốc CDC Phạm Duy Tuyến đưa 3 lần, tổng 600 triệu đồng và 50.000 USD, như lời khai của ông Tuyến trước đó. Tiền ông Tuyến đưa cho ông Thăng, cũng là tiền Việt Á biếu.
Ông Tuyến là người nhận hối lộ nhiều thứ hai vụ án với 27 tỷ đồng, chỉ sau cựu bộ trưởng Long (51 tỷ). Sáng nay, ông Tuyến khai trong số này đã đưa ông Phạm Mạnh Cường (khi đó là Giám đốc Sở Y tế Hải Dương) 6 lần, tổng cộng 7 tỷ đồng.
Khi chủ tọa chất vấn "đưa cho giám đốc sở nhiều hơn cả bí thư tỉnh ủy à?", ông Tuyến giải thích do Giám đốc Sở Y tế là "lãnh đạo trực tiếp, giúp đỡ tận tình, vất vả chống dịch".
Đối chất việc này, ông Cường xác nhận.
Theo cáo buộc, ông Cường là người được ông Thăng trực tiếp trao đổi về việc nâng đỡ Việt Á; bị cáo buộc 3 sai phạm, chủ yếu liên quan việc ký các quyết định chỉ định thầu rút gọn trái luật, ứng hàng trước trả tiền sau...
Sáng nay, ông Cường thừa nhận "tội đã rất rõ", hiện rất ăn năn nhưng xin tòa xét yếu tố khách quan là tình hình dịch rất căng thẳng, cấp bách. Hơn nữa theo ông, Việt Á khi đó đã được Bộ Y tế cấp phép sản phẩm, kit test của họ cũng đã được "truyền thông rầm rộ" nên tin tưởng sử dụng. Ông khẳng định "chỉ biết làm và làm", "hoàn toàn không có động cơ, hoàn toàn không mang tính chất ủng hộ Việt Á".
Trong phiên tòa hôm qua, Phan Quốc Việt cũng giải thích hối lộ nhiều tại địa phương này, do "Hải Dương là một kỷ niệm lớn" với Việt Á khi 30 nhân viên đã về đây chống dịch xuyên Tết Nguyên đán 2021. Việt thấy Hải Dương đã "đồng hành với mình quá nhiều" nên khi xong công việc thấy cần cảm ơn.
Hai bị cáo Thăng và Cường đều bị VKSND Tối cao truy tố Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Riêng ông Tuyến bị truy tố Nhận hối lộ.
Phạm Dự - Thanh Lam