Ngày 7/11, ban tổ chức cuộc thi Sáng kiến Mekong công bố danh sách 30 dự án xuất sắc nhất (trong tổng số 136 dự án dự thi) đã vượt qua vòng sơ khảo để tiếp tục tranh tài tại bán kết. Top 30 đến từ 11 tỉnh thành, trong đó Đồng Tháp là tỉnh có nhiều dự án nhất: 13 dự án. Các dự án mang đến nhiều sáng kiến, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản - vốn là thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Những cây cỏ, hoặc các phế phẩm của trái cây, thủy sản... tưởng bỏ đi đã được các tác giả tìm cách phát triển thành các sản phẩm có giá trị sử dụng. Đơn cử như bã cà phê làm nguyên liệu để sản xuất áo mưa, cỏ bàng làm thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vỏ dừa làm pallet, lá ổi lên men làm chất tẩy rửa sinh học, rau má lá sen làm chất kích thích cây trồng phát triển và diệt trừ sâu bệnh, đài sen làm than hoạt tính...
Bên cạnh đó là các dự án liên quan đến công nghiệp chế biến theo hướng xanh sạch lành. Đơn cử như chả nhồi ống lam góp phần nâng cao giá trị nguồn lợi thủy sản Đồng Tháp, hay snack từ vỏ bưởi tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương...
Để phục vụ cho hoạt động nông nghiệp có loạt sáng kiến liên quan đến phân bón hữu cơ, các phương pháp diệt sâu bệnh không dùng đến chất hóa học. Những thanh niên khởi nghiệp còn có ý tưởng tạo robot siêu nhẹ để chăm sóc cây lúa với ba chức năng gieo hạt, phun thuốc và bón phân, góp phần giải phóng sức lao động cho người nông dân...
Tận dụng điều kiện tự nhiên địa phương, các dự án cũng xây dựng những dự án kết hợp sản xuất và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng từ cây atiso đỏ (hibiscus) và dâu tằm (mulberry), từ cây cỏ bàng...
Trong Top 30 cũng có những dự án liên quan đến các lĩnh vực như công nghiệp, xây dựng với các dự án máy đọc chỉ số thông minh (nước, điện, gas, khí), sản xuất bê tông xanh từ vật liệu tái chế, phát triển hệ thống lưu trữ và nhận diện chai nhựa...
Các dự án sẽ bước vào vòng bán kết từ sáng 11/11 với hình thức thi trực tuyến qua phần mềm Zoom. Thí sinh hoặc nhóm thí sinh cần chuẩn bị slide thuyết trình dự án, mô hình, giải pháp, sáng kiến của mình. Thời gian bài thuyết trình không quá 5 phút. Ban giám khảo sẽ tiến hành phỏng vấn tác giả các dự án không quá 8 phút.
Sau vòng thi bán kết, ban giám khảo sẽ chọn ra Top 10 để tiếp tục thi chung kết, vào đúng sáng khai mạc sự kiện "Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL", tại Nhà văn hóa Lao động Đồng Tháp, sáng 15/11. Tại vòng chung kết, các tác giả sẽ thuyết trình trước ban giám khảo và kêu gọi đầu tư. Các mô hình của các dự án cũng được triển lãm xuyên suốt hai ngày sự kiện để đông đảo công chúng tham quan. Trong khuôn khổ diễn đàn, Top 10 còn có cơ hội tham gia khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng, kiến thức về khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; được hỗ trợ hoàn thiện giải pháp sáng tạo theo kế hoạch của ban tổ chức và UBND tỉnh Đồng Tháp (theo chính sách được triển khai tại tỉnh).
Kết quả chung cuộc sẽ được công bố vào sáng 16/11. Ngoài giải thưởng tiền mặt - một giải nhất (100 triệu đồng), một nhì (50 triệu đồng), một ba (30 triệu đồng) và 5 khuyến khích (mỗi giải 10 triệu đồng), dự án đạt giải còn nhận bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp.
Xem danh sách chi tiết các dự án trong Top 30 tại đây
Kim Ánh