Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 14/4 đăng tải thông điệp đất nước "sẽ chiến thắng khi đoàn kết", sau khi Israel cùng đồng minh chặn đứng gần như toàn bộ đòn tập kích hiệp đồng bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa các loại từ Iran và những tổ chức vũ trang được Tehran hậu thuẫn.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Iran khai hỏa vũ khí trên lãnh thổ để tấn công Israel. Chính phủ Israel trong đêm 13/4 đã trao toàn quyền cho nội các chiến tranh chọn phương án đáp trả phù hợp. Truyền thông Israel cho biết cuộc họp về những động thái tiếp theo của Tel Aviv sẽ diễn ra vào lúc 15h30 ngày 14/4 (19h30 giờ Hà Nội).
Nội các chiến tranh Israel gồm Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cùng thủ lĩnh đối lập Benny Gantz. Israel thiết lập cơ chế này vào tháng 10/2023, gồm các quan chức chủ chốt hoạch định chiến lược thời chiến, sau cuộc đột kích lãnh thổ của Hamas ngày 7/10/2023.
"Ba cá nhân xem nhau là đối thủ gai góc sẽ định đoạt động thái tiếp theo của Israel, nắm trong tay vận mệnh của cả khu vực Trung Đông", Julian Borger, cây bút bình luận quan hệ quốc tế của Guardian, nhận định.
Trận tập kích của Iran gây thiệt hại không đáng kể cho Israel. Giới chức Iran chỉ ghi nhận thiệt hại rất nhỏ khi tên lửa Iran lao xuống căn cứ không quân ở sa mạc Negev. Một bé gái 7 tuổi bị thương vì các mảnh vỡ tên lửa đánh chặn của Israel.
"Iran dường như đã cố tình thiết kế chiến dịch tập kích sao cho nó dễ dàng bị chặn đứng, chủ yếu chỉ gửi thông điệp răn đe và đưa cục diện trở về trạng thái ban đầu", nhà nghiên cứu địa chính trị Ian Bremmer, sáng lập viên tổ chức tư vấn chính sách Eurasia Group, bình luận trên mạng xã hội X.
Mỹ, đồng minh thân thiết của Israel và trực tiếp hỗ trợ Israel phòng thủ trước đòn tập kích của Iran, đang kêu gọi Tel Aviv đáp trả kiềm chế. Truyền thông Mỹ tiết lộ Tổng thống Joe Biden phản đối Israel trả đũa quân sự nhắm vào Iran, bởi ông tin rằng việc nước này đánh chặn 99% số UAV, tên lửa đối phương đã là một chiến thắng.
Iran dường như cũng kỳ vọng Israel sẽ phản ứng theo cách này. Họ liên tục nhấn mạnh thông điệp rằng "vấn đề" liên quan đến vụ tập kích của Israel nhắm vào đại sứ quán Iran ở Damascus "đã kết thúc", hay chiến dịch Lời hứa Đích thực đã "hoàn thành mọi nhiệm vụ" và không cần thêm hành động nào từ phía Iran.
Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại nội các chiến tranh của Israel, dưới sức ép từ phe cực hữu có tư tưởng cứng rắn, sẽ tận dụng cơ hội này để quyết định tung đòn đáp trả vào Iran, đặc biệt là các cơ sở hạt nhân của nước này, vốn từ lâu đã trở thành "cái gai trong mắt" Tel Aviv.
"Ông Biden lẫn giới chức Iran đều hiểu rõ tham vọng lớn nhất của ông Netanyahu là phá hủy các cơ sở hạt nhân tại Iran đang đe dọa sự tồn vong của Israel. Không có sự giúp đỡ của Mỹ, ông Netanyahu sẽ không thể san phẳng những cơ sở này. Thủ tướng Israel cùng phe diều hâu có lẽ muốn chớp lấy cơ hội lần này để đạt được tham vọng", Borger bình luận.
NBC dẫn ba nguồn thạo tin tiết lộ ông Biden đang hoài nghi Thủ tướng Israel muốn kéo Mỹ vào xung đột lớn hơn tại khu vực. Các quan chức cấp cao Mỹ lo ngại kịch bản những quan chức theo quan điểm cứng rắn trong chính phủ Israel sẽ "hành động bốc đồng" mà không tính đến hậu quả sau đòn tập kích từ Iran.
Giới chức Mỹ hiểu rằng ông Netanyahu sẽ hưởng lợi chính trị nếu giữ Israel lún sâu trong vòng xoáy xung đột. Áp lực chiến sự đảm bảo liên minh cầm quyền trụ vững và trì hoãn tổ chức cuộc bầu cử mới.
"Diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền Tổng thống Biden cùng đồng minh, liệu họ có thể ngăn Israel trả đũa quân sự trực diện vào lãnh thổ Iran hay không", Ian Bremmer bình luận.
Giới chức Israel có thể lập luận tại cuộc họp chiều tối nay rằng Tehran thật sự có ý định gây thiệt hại nghiêm trọng cho Tel Aviv, nhưng mạng lưới phòng không và sự hỗ trợ từ các đồng minh gồm Mỹ, Anh và Jordan đã ngăn kịch bản xấu nhất xảy ra. Trước mức độ nghiêm trọng chưa từng có tiền lệ của đòn tấn công, Israel sẽ cần đáp trả quyết liệt tương xứng.
"Iran đã trao cho Netanyahu cơ hội mà ông ấy chờ đợi nhiều thập kỷ qua. Liệu ông ấy có chớp lấy và tung sức nhắm vào chương trình hạt nhân Iran, hay phản ứng một cách kiềm chế và gây thiệt hại với Iran ở những phương diện khác, trong đó có phương diện kinh tế. Hạ tầng dầu mỏ của Iran có thể là mục tiêu hàng đầu, sau đó là các cơ sở sản xuất vũ khí", Tyler Rogoway, bình luận viên của War Zone, nhận định.
Tuy nhiên, theo Borger, Israel cũng có thể chưa nóng vội hành động để tránh mất lòng đồng minh và đánh mất thêm ủng hộ quốc tế.
Israel đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp vào 16h ngày 14/4 tại New York (4h ngày 15/4 giờ Hà Nội) để thảo luận về vụ tấn công của Iran. Điều này cho thấy Israel có thể phải chờ đến sau phiên họp của Hội đồng Bảo an để quyết định có tung đòn đáp trả Iran hay không.
Giới chức Israel cũng đã tiết lộ với truyền thông Mỹ rằng mọi phản ứng từ nước này sẽ "được phối hợp với đồng minh", trong khi trước đó Tổng thống Biden đã tuyên bố phương Tây sẽ "phản ứng ngoại giao đồng bộ". Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant khi trao đổi với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin cũng chỉ nhấn mạnh về năng lực phòng thủ của Israel và không đề cập gì đến kịch bản phản công.
"Đây là tình huống chưa từng có tiền lệ và rất khó lường. 48 giờ tiếp theo sẽ quyết định hướng đi của xung đột. Quả bóng đang nằm bên phần sân của Israel", Rogoway nhận định.
Thanh Danh (Theo Guardian)