Theo các quan chức Lầu Năm Góc, trong cuộc cạnh tranh hỏa lực này, Nga đang phải sử dụng một số loại đạn hơn 40 năm tuổi, cũng như thiếu nghiêm trọng nguồn cung chip sử dụng cho tên lửa dẫn đường chính xác, khi nước này hứng chịu loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Trong khi đó, Ukraine đang dựa vào Mỹ và các thành viên NATO để duy trì nguồn cung vũ khí và đạn dược, song kho dự trữ này đang dần cạn kiệt sau 10 tháng xung đột.
Hiện cục diện chiến trường ở miền đông và miền nam Ukraine rơi vào bế tắc, khi binh sĩ hai bên chủ yếu ẩn náu trong các hệ thống chiến hào dày đặc. Thời tiết khắc nghiệt của mùa đông khiến đà tấn công của cả hai phía chững lại.
Trong bối cảnh đó, để duy trì ưu thế trên chiến trường, quân đội hai bên khai hỏa hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày, dù đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực đảm bảo nguồn cung hậu cần.
Theo hai quan chức Mỹ, sau gần 300 ngày xung đột nổ ra, lực lượng Nga đã sử dụng hết kho dự trữ bom đạn mà họ phải mất hơn một thập kỷ để xây dựng.
Hiện chưa rõ Nga còn bao nhiêu đạn pháo và các loại đạn khác trong kho dự trữ và ngành công nghiệp quốc phòng Nga có thể sản xuất bổ sung nhanh đến đâu. Các quan chức tình báo hàng đầu Mỹ nhiều lần nhận định quân đội Nga đang tiêu thụ đạn nhanh hơn tốc độ sản xuất, nhưng không đưa ra ước tính cụ thể về nguồn cung đạn pháo của nước này.
Các chuyên gia quân sự phương Tây nhận định nếu Nga không cải thiện được các dây chuyền sản xuất vũ khí, họ có thể hết đạn pháo trong vài tháng hoặc một năm tới.
"Các cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga đã chịu rất nhiều sức ép từ các lệnh trừng phạt, nhưng vẫn nguyên vẹn", Dara Massicot, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại tổ chức tư vấn Rand Corp, trụ sở tại California, Mỹ, cho hay. "Nga ngay lúc này đang nỗ lực tối đa nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng sản xuất nhiều hơn".
Theo Paul Schwartz, nhà nghiên cứu về quân đội Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân, trụ sở ở Virginia, Mỹ, các nhà máy quốc phòng Nga đang tăng ca sản xuất và huy động các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào nỗ lực này.
Tuy nhiên, Nga sẽ rất khó sản xuất đủ đạn dược để theo kịp số lượng tiêu thụ trên chiến trường, ông lưu ý. Tháng trước, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Nga đang "đốt" 20.000 viên đạn pháo mỗi ngày, trong khi con số này của Ukraine là khoảng 4.000-7.000 viên.
"Đó sẽ là một thử thách rất lớn đối với Nga", Schwartz nói. "Trong lĩnh vực này, Ukraine có ưu thế nhờ hậu thuẫn từ NATO".
Đạn pháo không yêu cầu những thiết bị điện tử phức tạp bị phương Tây cấm vận, nhưng ngành công nghiệp máy móc Nga đã suy giảm trong những năm qua và không rõ liệu việc tăng tốc sản xuất có đòi hỏi máy móc chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn nhập khẩu từ nước ngoài hay không, theo Schwartz.
Các chuyên gia quân sự đánh giá việc đảm bảo đủ thuốc nổ cho số đạn pháo được sản xuất tăng cường cũng có thể là một "nút thắt cổ chai" đối với kế hoạch đầy tham vọng của Nga.
"Đây là cuộc đua duy trì nguồn lực", chuyên gia Massicot tại tổ chức tư vấn Rand Corp nói. "Phương Tây có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine ở mức hiện tại trong bao lâu nữa? Về phía Nga, cơ sở công nghiệp quốc phòng của họ thực sự hoạt động ở mức độ nào?".
Khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2, Kiev lúc đó ở vào tình thế khá ngặt nghèo trong khả năng tiếp cận nguồn đạn dược, do những chiến dịch phá hoại diễn ra suốt nhiều năm liên quan đến xung đột ở miền đông với phe ly khai.
Từ năm 2014 đến 2018, quân đội Ukraine ghi nhận 6 vụ nổ kho quân khí, khiến hơn 210 tấn đạn bị phá hủy, trong đó có đạn pháo 152 mm vốn có vai trò quan trọng trên chiến trường, theo một nghiên cứu từ Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI).
"Đó là hạn chế lớn đối với năng lực chiến đấu của Ukraine", Nick Reynolds, nhà phân tích về chiến tranh trên bộ tại RUSI, nhận định.
Ukraine vẫn có thể sản xuất đạn cho các loại lựu pháo từ thời Liên Xô, tuy nhiên những cuộc tập kích của Nga nhằm vào lưới điện và cơ sở hạ tầng nước này đã gây cản trở đáng kể đối với sản xuất công nghiệp.
Các chuyên gia cho biết Kiev hiện phải dựa hoàn toàn vào các đối tác nước ngoài để có đạn phù hợp với những loại pháo mới do NATO cung cấp, và những nước láng giềng Đông Âu của họ đã phải lật tung kho dự trữ để tìm đạn từ thời Liên Xô chuyển cho Ukraine.
Việc duy trì nguồn cung vũ khí và đạn dược cho Ukraine đã rút cạn một số kho dự trữ của NATO, khiến các công ty quốc phòng phương Tây phải kêu gọi tăng mạnh sản xuất đạn dược.
Tuy nhiên, các giám đốc trong ngành công nghiệp quốc phòng cho hay họ sẽ phải mất nhiều thời gian để đẩy mạnh sản xuất theo nhịp độ thời chiến, ngay cả đối với những vũ khí thông thường.
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth tháng qua cho biết ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ sẽ tăng sản xuất từ 14.000 quả đạn pháo 155 mm mỗi tháng lên 20.000 vào mùa xuân và 40.000 vào năm 2025.
Tuần trước, Nhà Trắng đã công bố khoản viện trợ quân sự mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine, trong đó có cả đạn dược. Washington tới nay đã cung cấp hơn một triệu quả đạn pháo cho Kiev.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề xuất một dự luật viện trợ Ukraine trị giá 37,7 tỷ USD mà họ hy vọng được quốc hội chấp thuận trong tương lai gần. Giới chức quân sự phương Tây cho hay gói hỗ trợ này, cùng viện trợ từ châu Âu, sẽ đáp ứng nhu cầu của Ukraine trong 6-9 tháng tới.
Ukraine cũng tiếp tục yêu cầu đồng minh cung cấp những hệ thống tiên tiến hơn và uy lực hơn, như tên lửa tầm xa ATACM, tiêm kích F-16 hay xe tăng Abrams. Các quan chức Mỹ cho biết họ không loại trừ khả năng cung cấp chúng cho Ukraine nếu kết luận rằng Kiev thực sự cần những vũ khí đó cho cuộc xung đột hiện tại.
Michael Kotkin, chuyên gia về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ ở Washington, cho rằng với chiến thuật dựa nhiều vào pháo binh hiện nay, tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn với Nga khi cuộc chiến kéo dài. Ukraine có cơ hội chiếm ưu thế trong cuộc đua hỏa lực, nhưng cũng sẽ đối mặt nhiều thách thức.
"Tốc độ tiêu thụ đạn pháo của Ukraine hiện nay đang vượt xa năng lực sản xuất của phương Tây", Kotkin nói. "Phương Tây sẽ phải nhanh chóng thúc đẩy dây chuyền sản xuất, trong khi Ukraine cũng phải thay đổi cách sử dụng đạn của mình để duy trì ưu thế trước Nga".
Vũ Hoàng (Theo NBC News, Bloomberg)