Ngay sau khi Donald Trump được xác định là Tổng thống đắc cử Mỹ, chấm dứt cuộc đua vào Nhà Trắng với đối thủ Kamala Harris, một cuộc đua mới bắt đầu. Hàng loạt đồng minh của ông Trump gấp rút tiếp cận các thành viên thân cận của Tổng thống đắc cử để cố gắng tự giới thiệu về mình, nhằm hướng tới vị trí nào đó trong nội các.
Cuộc đua ráo riết tới mức ngay cả những người Cộng hòa trung thành nhất với Trump cũng bị cuốn vào cuộc cạnh tranh cho các vị trí hàng đầu trong chính phủ, theo một số nguồn tin am hiểu vấn đề. Họ cần khẩn trương, bởi ông Trump những tuần qua hầu như không đề cập tới vấn đề nhân sự, chủ yếu tập trung vào chiến dịch vận động tranh cử.
Sau khi giành chiến thắng, lựa chọn nhân sự cho chính quyền mới trở thành vấn đề quan trọng của ông Trump. Tổng thống đắc cử được cho là sẽ công bố quyết định của mình về một số vị trí quan trọng trong vài ngày tới, CNN dẫn lời các nguồn tin cho hay. Ông cũng đã chuẩn bị một loạt sắc lệnh hành pháp và văn bản chính sách để thực hiện vào ngày đầu tiên nhậm chức.
Nắm bắt được điều đó, nhiều người đã kéo đến bữa tiệc mừng chiến thắng của Trump ở Florida ngay vào tối 5/11 hay hoãn chuyến bay, điều chỉnh lịch trình di chuyển để nán lại Palm Beach, nhằm xuất hiện bên cạnh tổng thống đắc cử nhiều nhất có thể.
Trước cuộc bầu cử, Howard Lutnick và Linda McMahon, những người phụ trách bộ phận chuyển giao quyền lực của ông Trump, đã gặp một số ứng viên tiềm năng cho các vị trí cấp cao để thảo luận về việc quá trình thay đổi chính quyền sẽ diễn ra như thế nào.
Vài tháng qua, ông Trump thỉnh thoảng đưa ra những cái tên có thể được chọn, nhưng ông không tham gia quá sâu. Các nguồn tin thân cận với Tổng thống đắc cử cho biết vì niềm tin riêng, Trump thường từ chối tham gia các cuộc thảo luận như vậy nhằm tránh "nói trước bước không qua".
Nhưng giờ đây, ông không thể làm ngơ trước việc ai sẽ đảm nhiệm vị trí chủ chốt nào trong chính quyền, những người có nhiệm vụ thực hiện các kế hoạch toàn diện do ông đưa ra nhằm "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Trong các cuộc trò chuyện riêng tư vài ngày qua, ông Trump đã nói rõ một điều: Ông muốn thưởng xứng đáng cho những người đã ủng hộ mình suốt hai năm cuối chiến dịch tranh cử.
Trump từng nói ông hối hận về nhiều người mà chính ông đã đưa vào các vị trí cấp cao trong nhiệm kỳ đầu, tức giận với các trợ lý và quan chức nội các vì cố ngăn cản những yêu cầu và mong muốn của mình. Những đồng minh trung thành đang xếp hàng cho các vị trí trong chính quyền mới cho biết họ bây giờ không có ý định cản trở Trump.
John McEntee, đồng minh của Trump, từng là giám đốc Văn phòng Nhân sự Tổng thống Nhà Trắng và vẫn thân thiết với ông, đã chỉ đạo hoạt động nhân sự và được cho là sẽ đưa ra những khuyến nghị cho quá trình chuyển giao.
Kash Patel, cựu quan chức an ninh quốc gia của Trump, người đang giúp tổ chức quá trình chuyển giao quyền lực, đã dành cả ngày 6/11 tại một văn phòng tại hạt Palm Beach để gặp mặt và tiếp nhận những cuộc gọi liên tục từ những người quan tâm đến các công việc trong chính quyền mới.
Một trong những lựa chọn quan trọng nhất của Trump sẽ là chánh văn phòng Nhà Trắng. Ở nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã thay đổi 4 chánh văn phòng, trong đó có John Kelly, người đã nói vào tháng trước rằng ông phù hợp với "định nghĩa chung về phát xít".
Có ít nhất ba cái tên tiềm năng cho vị trí chánh văn phòng Nhà Trắng mới, trong đó nổi bật là cố vấn cấp cao Susie Wiles. Bà là người vẫn kiên quyết đứng về phía Trump khi một số đảng viên Cộng hòa xa lánh ông năm 2021.
"Wiles khiến ông ấy cảm thấy thoải mái", một nguồn tin thân cận với Trump cho hay.
Russ Vought, cựu giám đốc ngân sách của Trump, có thể trở thành cái tên hàng đầu cho chiếc ghế chánh văn phòng nếu Tổng thống đắc cử quyết định thúc đẩy các chính sách thiên hữu và bảo thủ.
Danh sách tiềm năng cho chiếc ghế chánh văn phòng đầy quyền lực còn có Brooke Rollins, giám đốc điều hành Viện Chính sách Nước Mỹ Trên hết, và Bob Lighthizer, cựu đại diện thương mại Mỹ của Trump.
Karoline Leavitt, người phát ngôn cho chiến dịch tranh cử của Trump, đang được cân nhắc vào vị trí thư ký báo chí Nhà Trắng, công việc thường là vị trí tiếp xúc nhiều nhất với giới truyền thông.
Một trong những quyết định quan trọng mà Trump phải đưa ra là làm gì với những người ủng hộ nổi tiếng đã thúc đẩy chiến dịch của ông trong giai đoạn tranh cử nước rút như Elon Musk, giám đốc điều hành Tesla và SpaceX, kiêm chủ sở hữu mạng xã hội X.
Musk, người có siêu ủy ban vận động tranh cử (siêu PAC) đã chi hơn 118 triệu USD ủng hộ chiến dịch tranh cử của Trump, đã tự định hướng mình vào vai trò người giám sát cắt giảm ngân sách và tinh giản bộ máy chính phủ liên bang.
Một nguồn tin am hiểu các cuộc thảo luận xung quanh Musk cho biết có vẻ như ông sẽ không muốn có một vị trí toàn thời gian trong chính phủ vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến vai trò của ông tại nhiều công ty mà tỷ phú này lãnh đạo.
Thay vào đó, có vẻ hợp lý hơn khi Musk được bổ nhiệm vào một ủy ban cấp cao, nơi ông vẫn có quyền tiếp cận rất lớn với chính quyền song lại không phải tuân thủ các quy định với công chức. Những quy định này đòi hỏi ông phải thoái vốn hoặc đưa tài sản vào một quỹ tín thác nếu trở thành công chức, nhằm tránh xung đột giữa lợi ích kinh doanh cá nhân và vai trò trong chính phủ.
Các bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa, vốn phụ trách vấn đề nhập cư và hành pháp, cũng sẽ là trọng tâm của Trump để thúc đẩy chương trình nghị sự mà ông theo đuổi, trong đó có cam kết trục xuất hàng loạt người nhập cư không giấy tờ và trừng phạt các "kẻ thù chính trị".
Trong số những người được đề cử làm Bộ trưởng Tư pháp có Ken Paxton, tổng chưởng lý Texas, Matt Whitaker, người đã phục vụ với tư cách là quyền bộ trưởng tư pháp sau khi Trump sa thải Jeff Sessions, thượng nghị sĩ Utah Mike Lee và cựu giám đốc tình báo quốc gia John Ratcliffe. Theo một nguồn thạo tin, luật sư bảo thủ Mark Paoletta cũng đã được giới thiệu trực tiếp với Trump.
Trump từng gợi ý rằng nhóm an ninh quốc gia do ông bổ nhiệm sẽ được giao nhiệm vụ đánh giá lại lập trường của Mỹ đối với Ukraine, Nga, Trung Quốc, Iran và cuộc xung đột đang âm ỉ ở Trung Đông.
Ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia sẽ là hai trong những vị trí khó lựa chọn nhất để dẫn dắt những thay đổi này.
Đối với vị trí lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ, thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio đang được cân nhắc, cùng với thượng nghị sĩ Tennessee Bill Hagerty, người từng là đại sứ của Trump tại Nhật Bản trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Richard Grenell, chính trị gia trung thành với Trump và là cựu đại sứ tại Đức, cũng đã được đề cử cho vị trí này, mặc dù ông cũng có khả năng đảm nhiệm một số vị trí tiềm năng khác.
Grenell là giám đốc tình báo quốc gia tạm quyền của Trump trong nhiều tháng vào năm 2020 và cũng đã được đề cử cho vai trò như giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).
Thượng nghị sĩ bang Arkansas Tom Cotton, trung tướng về hưu Keith Kellogg và Ratcliffe hiện cũng nằm trong danh sách ứng viên cho các vị trí tình báo hoặc an ninh quốc gia.
Cotton còn nằm trong danh sách những người được đề cử cho ghế bộ trưởng quốc phòng, cùng với hạ nghị sĩ Mike Waltz của Florida và cựu ngoại trưởng Mike Pompeo.
Để thúc đẩy kế hoạch kinh tế của mình, Trump dự kiến dựa vào các đồng minh lâu năm và những người trung thành, đồng thời tận dụng các thế lực lớn ở Phố Wall để hoàn thiện bộ máy.
Một số cái tên đang được cân nhắc cho vị trí Bộ trưởng Tài chính, trong đó có Scott Bessent, người đã chuẩn bị các bài phát biểu về kinh tế cho tổng thống đắc cử.
"Ông ấy là một cựu nhân viên lão luyện của tỷ phú Soros đã nắm bắt được phong trào MAGA", một nguồn tin thân cận với Trump cho biết.
Hank Paulson, cựu giám đốc điều hành Goldman Sachs, người đã lãnh đạo Bộ Tài chính dưới chính quyền George Bush trong thời kỳ Đại suy thoái, cũng đang được xem xét, phần lớn là do mối quan hệ ngoại giao mà ông đã xây dựng với các quan chức cấp cao ở Trung Quốc. Một "ngựa ô" khác là Jay Clayton, cựu chủ tịch Ủy ban Chứng khoán.
Lighthizer cũng đã bày tỏ mối quan tâm đến vị trí bộ trưởng tài chính. Cả Lighthizer và McMahon cũng đang được cân nhắc để điều hành Bộ Thương mại.
Thống đốc Bắc Dakota Doug Burgum, người từng lọt vào danh sách ứng viên phó tổng thống của Trump, đang được đề cử làm Bộ trưởng Nội vụ.
Tại Phòng Đại diện Thương mại Mỹ nằm đối diện Nhà Trắng, nhóm của Trump đang tìm kiếm một người không nao núng trước những ý thích thất thường của ông về chính sách thuế quan. Jamieson Greer, người từng là cấp phó của Lighthizer khi Trump áp dụng thuế quan toàn diện đối với cả đối thủ và đồng minh, là cái tên được các nguồn tin nêu ra nhiều nhất cho vai trò này.
Vũ Hoàng (Theo CNN, WSJ, AFP, Reuters)