Năm 2023, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Hà Tĩnh) nhận được nhiều đơn trình báo về việc bị lừa qua mạng, mất hàng tỷ đồng. Một số gia đình còn gửi đơn cầu cứu còn cho hay có con bị lừa bán sang Lào với lời hứa việc nhẹ lương cao song thực chất bị thu hết giấy tờ tùy thân, hàng ngày bị ép tham gia gọi điện lừa đảo. Ai muốn về quê phải nộp hàng trăm triệu đồng "chuộc mình".
Ban chuyên án xác định các nạn nhân đang bị một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia khống chế. Đường dây này "ẩn mình" tại đặc khu kinh tế Tam giác vàng đóng ở tỉnh Bò Kẹo (Lào), có nhiều hoạt động phạm tội khác như mua bán người, tổ chức vượt biên trái phép... Đặc khu có hơn 200 tòa cao ốc với hàng nghìn người. Để xác định nhóm tội phạm đang ẩn náu ở tòa nào, tầng nào là bài toán phải giải khi các ông trùm luôn cắt cử bảo vệ, trang bị vũ khí để ngăn người lạ.
Theo trinh sát, quy mô của đường dây phủ khắp châu Á, tại mỗi quốc gia sẽ có nhóm người bản địa phụ trách. Chúng dùng chiêu "người Việt lừa người Việt", kết nạp người từng tham gia các tổ chức lừa đảo qua mạng hứa trả lương cao. Phụ trách đường dây nhằm vào người Việt Nam là Hoàng Bích Ngọc, 30 tuổi, trú Hải Phòng.
Ngọc đầu quân cho tổ chức tội phạm xuyên quốc gia ở tỉnh Bò Kẹo khoảng hai năm nay, tuyển hàng trăm "chân rết". Cả nhóm ăn ở, sinh hoạt, làm việc tập trung tại các tòa nhà.
Thủ đoạn nhóm Ngọc thực hiện nhiều nhất tạo tài khoản mạng xã hội với hình ảnh người giàu có, doanh nhân thành đạt để kết bạn với các phụ nữ có điều kiện ở Việt Nam. Sau vài tuần tạo được lòng tin, chúng sẽ rủ "con mồi" đầu tư kinh doanh qua mạng thông qua các ứng dụng để chiếm đoạt tiền.
Theo trinh sát, hàng ngày "chân rết" trong đường dây do Ngọc phụ trách được giao chỉ tiêu gọi điện tiếp cận hàng chục "con mồi". Mỗi tháng, nhân viên được trả lương 25-36 triệu đồng dựa trên số tiền chiếm đoạt được.
Cuối tháng 7, các "điểm mờ" của vụ án sáng tỏ, chân dung về Ngọc và 154 nghi phạm trong đường dây được "dựng" xong. Hàng trăm trinh sát Công an tỉnh Hà Tĩnh sang Lào, phối hợp với Bộ Công an và lực lượng liên ngành của Lào lên phương án "cất lưới".
Rạng sáng 2/8, khi xác định hàng trăm nghi phạm đang làm việc từ tầng 3 đến 11 ở tòa nhà hơn 20 tầng ở đặc khu, hàng trăm trinh sát từ nhiều mũi đã đột kích. Nhà chức trách cho biết thấy bị lộ, các nghi phạm đang ngồi trước màn hình máy tính nháo nhào vứt điện thoại, giấy tờ. Họ tìm cách trèo ra ban công ẩn nấp hoặc trà trộn vào các tầng khác để lẩn trốn.
Tại nơi làm việc này, lượng chức năng thu 100 quyển hộ chiếu, 74 viên hồng phiến, 18.900 nhân dân tệ, gần 500 điện thoại cùng hàng nghìn sim điện thoại không chính chủ... để phục vụ hành vi lừa đảo.
Sau 4 tiếng, trinh sát bắt 154 người. Riêng Ngọc biết đồng bọn bị khống chế đã lập tức trốn về Việt Nam, đến sân bay Nội Bài thì bị bắt.
"Trở ngại văn hóa và ngôn ngữ nên quá trình tìm hiểu chứng cứ khó khăn. Do không gian phạm tội trên mạng, đôi lúc manh mối vừa được hé lộ đã bị chúng phát hiện và xóa sạch dấu vết", một cán bộ điều tra nói.
Cán bộ tham gia đánh án cho hay để vào đặc khu Tam giác vàng không đơn giản. Tại đây có nhiều lớp bảo vệ, yêu cầu giấy tờ tùy thân gắt gao. Người và xe ra vào luôn bị kiểm soát nghiêm ngặt, nếu sơ hở để "động" thì công sức đeo bám hai năm qua sẽ đổ xuống sông xuống biển, vì thế phải làm chậm mà chắc.
Cơ quan điều tra cáo buộc, hơn một năm qua, đường dây đã lừa hàng chục nghìn bị hại ở Việt Nam, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng. Trung bình, mỗi nghi phạm lừa hơn 200 bị hại, nạn nhân mất nhiều nhất là 5 tỷ đồng.
155 nghi phạm đang bị tạm giữ hình sự để phân loại, điều tra các hành vi liên quan buôn người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đại tá Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, nói việc xóa sổ được đường dây tội phạm ngay tại sào huyệt của chúng giúp ngăn chặn nhiều hành vi lừa đảo qua mạng, góp phần bảo vệ người dân.