Hôm 23/5, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu rằng thuế, phí thu theo quy định (phần Bộ Tài chính quản lý) chiếm rất ít trong giá vé máy bay. Trong khi đó, các loại phí dịch vụ ngành giao thông quản lý chiếm tỷ trọng nhiều hơn trong cấu thành giá.
Tuy nhiên, hôm nay, Cục Hàng không liệt kê Bộ Giao thông Vận tải chỉ quy định 3 loại chi phí gồm phục vụ chuyến bay, phí sân bay và an ninh soi chiếu. Trong đó, chi phí phục vụ chuyến bay theo đánh giá của Cục Hàng không thường chiếm 6-7% tổng giá vé. Nhóm chi phí này gồm tiền thu cất/hạ cánh, thuê sân đỗ máy bay, thuê quầy thủ tục hành, cầu dẫn khách lên xuống máy bay, phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất, phân loại hành lý, dịch vụ tra nạp xăng dầu.
Còn phí bay dao động từ 60.000-100.000 đồng tùy sân bay, phí soi chiếu 20.000 đồng một hành khách mỗi lượt.
Theo Cục Hàng không, phần thu do Bộ Tài chính chiếm tỷ trọng 7,7-8,7% gồm thuế nhập khẩu nhiên liệu bay (7%), thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay 1.000 đồng mỗi lít, thuế VAT với nhiên liệu bay và một số dịch vụ khác.
Thực tế, trong cơ cấu vé máy bay, các hãng thu hộ ngân sách Nhà nước thuế VAT, khoảng 8-10%. Còn các loại phí như phí sân bay, soi chiếu an ninh là hai khoản các hãng thu hộ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị đang quản lý, vận hành hơn 20 sân bay trên cả nước.
Đại diện các hãng hàng không cũng khẳng định doanh nghiệp thu thuế, phí đúng theo đơn giá của Nhà nước và không có khả năng tác động. Vì vậy, các hãng chỉ có thể giảm các chi phí vận hành khai thác như lao động, phục vụ máy bay để hạ nhiệt giá vé.
Để giảm chi phí đầu vào, cả bốn hãng (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines) đề xuất Nhà nước xem xét điều chỉnh giảm phí điều hành bay, cất hạ cánh; phí nhập khẩu nhiên liệu bay hay miễn phụ thu bay đêm.
Còn Cục Hàng không đang đề xuất Nhà nước có thể điều tiết giảm chi phí chuyến bay thông qua giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu, thuế bảo vệ môi trường, VAT. Ngoài ra, cơ quan này cũng cho rằng cần có biện pháp điều hành tỷ giá cho phù hợp diễn biến thị trường bởi phần lớn chi phí các hãng bay đều trả bằng đồng USD.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thuế, phí là ngân sách nên nhiều nước đang muốn tăng nguồn lực công thông qua nâng thuế suất. Chẳng hạn, tại hội nghị tài chính APEC vừa qua, chủ trương của Bộ trưởng Tài chính các nước là tăng sức mạnh tài chính công bằng thuế, để đối phó với già hóa dân số, dịch bệnh. Tại Việt Nam, 4 năm qua Chính phủ đưa ra nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí khoảng 200.000 tỷ đồng một năm "là đã khoan sức dân rồi".
Vài năm trước, để hỗ trợ cho các hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, Nhà nước cũng đã có chính sách giảm một số loại thuế, phí như cất/hạ cánh, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay. Tuy nhiên, đại diện một hãng hàng không tư nhân gần đây nói rằng thực tế các hãng cũng chưa được hưởng nhiều lợi ích từ các chính sách này vì giai đoạn Covid-19 hầu hết máy bay của các hãng đều nằm sân, số lượng chuyến bay giảm mạnh.
Anh Tú