Tổng thống Mỹ Joe Biden chiều 21/7 (rạng sáng 22/7 giờ Hà Nội) tuyên bố chấm dứt nỗ lực tranh cử tổng thống "vì lợi ích cao nhất" cho đảng Dân chủ và đất nước.
"Thật đáng tiếc, nhưng lãnh đạo của thế giới tự do cần phải sắc bén. Ông Biden là người tốt, quan tâm đến quốc gia, việc ông ấy phải rút lui sau khi phục vụ nước Mỹ trong thời gian rất dài là điều thật đáng buồn", Thomas Watson, 67 tuổi, người yêu thích nghiên cứu về lịch sử các đời tổng thống ở Michigan, nói.
Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ một tổng thống Mỹ đương nhiệm quyết định không tái tranh cử. Tổng thống Biden, 81 tuổi, trong tháng qua chịu sức ép khổng lồ từ nội bộ đảng Dân chủ, sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên với cựu tổng thống Donald Trump.
"Đây không phải điều ngạc nhiên. Việc Tổng thống kém minh mẫn là rất rõ ràng", ông Watson nói thêm.
"Chuyện đi đến bước này là do chính ông Biden, ông ấy đã thể hiện phong độ yếu kém, khiến công chúng lo lắng khi đối đầu với Donald Trump, dù ông Trump cũng cao tuổi", Tayaba Zahra, luật sư 41 tuổi ở New York, cho biết.
"Tôi đã mong chờ tuyên bố này từ ông Biden. Tôi là cử tri Dân chủ, luôn bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, nhưng tôi đã định đứng ở vị trí trung lập trong cuộc bầu cử tới, bởi không nghĩ ông Biden còn phù hợp để tiếp tục vị trí", Heather Strauch, cử tri ở Los Angeles, nói.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, "ứng viên đề cử" của một chính đảng bỏ cuộc vào phút chót, sau khi đã nắm chắc số lượng đại biểu cần thiết để nhận đề cử chính thức và chỉ còn chờ tổ chức đại hội đảng. Trong tuyên bố rút lui, ông ủng hộ Phó tổng thống Kamala Harris làm ứng viên của đảng Dân chủ.
Đảng Dân chủ dự kiến bầu ứng viên mới trong đại hội đảng (DNC) cuối tháng 8. Bà Harris nhiều khả năng sẽ được nhận đề cử, bởi bà vừa duy trì chính sách nhiệm kỳ của Tổng thống Biden và không gây tranh cãi về kết quả bầu cử sơ bộ.
"Tôi choáng váng, nhưng rồi cũng nhẹ nhõm, bởi quyết định cuối cùng đã được đưa ra và đảng Dân chủ đang tìm giải pháp", Barb Katz, giáo viên nghỉ hưu 59 tuổi ở Illinois, nói.
"Tôi hy vọng sẽ không có vấn đề gì, mong họ sẽ đề cử bà Harris. Đảng Dân chủ sẽ lại có thêm sinh lực", Jill Lake, cử tri Dân chủ ở Maryland, bày tỏ.
Hơn 80 nghị sĩ Dân chủ tại quốc hội đã công khai ủng hộ bà Harris. Hiệp hội Các ủy ban Dân chủ cấp bang (ASDC) thông báo đa số lãnh đạo Dân chủ tại 50 bang của Mỹ ủng hộ bà Harris.
Kamala Harris là nữ phó tổng thống đầu tiên của Mỹ, cùng là người gốc Á, gốc Phi đầu tiên đảm nhận chức vụ này. Ngày nhậm chức hồi đầu năm 2021 của bà được mô tả là sự kiện trọng đại, mang tính lịch sử, phá vỡ tiền lệ tồn tại hơn hai thế kỷ.
Nhưng nhiều người Mỹ, trong đó có người ủng hộ đảng Dân chủ, cũng lo lắng xem liệu Mỹ đã sẵn sàng có nữ tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử hay chưa. "Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là phải thật nhanh chóng sẵn sàng", Mary Biggs, nhà giáo 58 tuổi ở New York, bày tỏ.
Lãnh đạo DNC Jaime Harrison cho biết các bước tổ chức đại hội và bầu chọn ứng viên sẽ được công bố trong vài ngày tới.
Trong tuyên bố dừng tranh cử vào trưa 21/7, Tổng thống Biden khẳng định nước Mỹ đã đạt "tiến bộ vĩ đại" trong nhiệm kỳ của ông, có nền kinh tế mạnh nhất thế giới và đã thực hiện "những khoản đầu tư lịch sử để tái thiết đất nước", hạ giá thuốc kê toa cho người cao tuổi, mở rộng chương trình chăm sóc sức khỏe cho "số lượng kỷ lục người dân Mỹ".
Một số cử tri vẫn nuối tiếc về Biden. "Tôi không nghĩ ông ấy nên bỏ cuộc. Ông ấy là người phù hợp để đánh bại Donald Trump", Kevin Beard, người Mỹ gốc Phi 50 tuổi đang làm giám đốc công nghệ thông tin ở Brooklyn, New York, nói.
"Nhưng giờ ông ấy đã ra quyết định, tôi chắc chắn sẽ ủng hộ Phó Tổng thống Harris", Beard nói thêm.
Đức Trung (Theo AFP)