"Người tiêu dùng trên khắp châu Á có các dấu hiệu cho thấy thói quen ăn uống của họ có thể thay đổi vĩnh viễn sau khi thế giới thoát khỏi tác động của nCoV", SCMP hôm 6/4 dẫn kết quả khảo sát trực tuyến của Nielsen.
Khảo sát lấy ý kiến của hơn 6.000 người tại 11 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á từ 6/3 đến 17/3, gồm Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia, Việt Nam, Đài Loan và Hong Kong.
Tại Trung Quốc, 86% người được hỏi cho hay họ sẽ ăn ở nhà thường xuyên hơn so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát, ở Hong Kong, tỷ lệ này là 77%, còn ở Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam, con số đều ở mức 62%.
"Khủng hoảng Covid-19 chắc chắn làm thay đổi thái độ và hành vi của người tiêu dùng", Vaughan Ryan, giám đốc Nielsen khu vực Đông Nam Á, nói. "Tôi không nghĩ mọi người sẽ hoàn toàn ngừng ăn ở ngoài, nhưng rõ ràng tác động của nCoV sẽ kéo dài một thời gian và hy vọng người tiêu dùng sẽ tiếp tục ăn ở nhà nhiều hơn trong tương lai gần", Ryan nói thêm.
Khảo sát của Nielsen cũng cho thấy tại nhiều thị trường châu Á, doanh số bán các mặt hàng tiêu dùng nhanh tăng trung bình ít nhất 20% mỗi tuần kể từ khi dịch bắt đầu lan rộng vào cuối tháng 1 năm nay. Ông Ryan cho rằng điều này chứng tỏ hành vi tiêu dùng đã thay đổi.
"Cách biệt cộng đồng dẫn đến những cách thức mới, sáng tạo hơn về hành vi của người tiêu dùng, tôi tin rằng vẫn sẽ là xu hướng ngay cả sau Covid-19", Veronica Wang, chuyên gia tại Công ty OC&C Strategy Consultants, trụ sở ở London, Anh, nhận định.
209 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19 sau khi dịch khởi phát ở Trung Quốc tháng 12/2019, khiến hơn 1,3 triệu người nhiễm, gần 75.000 người chết và hơn 280.000 người hồi phục. Mỹ và châu Âu hiện là những vùng dịch lớn nhất thế giới.
Mai Lâm (Theo SCMP)