Nhận định trên được lãnh đạo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đưa ra tại buổi hội thảo trước thềm Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt 2023, tại TP HCM, ngày 20/10. Trong đó, các diễn giả chia sẻ về vai trò của quảng cáo trong sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp Hội Quảng cáo cho biết lĩnh vực này đã phát triển ở Việt Nam từ cuối thế kỷ trước. Những năm 1990, các doanh nghiệp quảng cáo đầu tiên được thành lập, chủ yếu là loại hình giới thiệu sản phẩm trên bảng, biển trên đường. Năm 1992, các họa sĩ Việt bắt đầu tìm hiểu về vẽ quảng cáo trên máy tính.
Đến năm 2001, Chính phủ ra Pháp lệnh về quảng cáo để ghi nhận ngành là một mắc xích trong nền kinh tế. Cùng năm, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam ra đời, trở thành tập hợp của các đơn vị hoạt động trong ngành và ghi nhận tốc độ phát triển chóng mặt. 10 năm sau, Pháp lệnh được thay thế bằng Luật Quảng cáo để đưa hoạt động này vào khuôn khổ. Đến nay, quảng cáo được Chính phủ xem là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa quan trọng của nước ta.
Ông Sơn dẫn số liệu cho thấy sự phát triển và đóng góp của ngành trong nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, doanh thu quảng cáo năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số các quốc gia ASEAN. Xét về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam xếp thứ hai (12,7%), chỉ sau Malaysia (18,9%) và hơn Indonesia (8,1%), Thái Lan (3,9%) và Singapore (8,4%).
"Lợi thế của chúng ta là luôn cập nhật những hình thức quảng cáo mới và tận dụng được sự phát triển của công nghệ", ông Sơn nói. Theo lãnh đạo hiệp hội, Việt Nam là nước có đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin dồi dào, lượng người tiếp cận internet nằm ở top đầu khu vực. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội giúp quảng cáo dễ lan tỏa và tạo tác động lớn đến hành vi người dùng.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu hiệp hội, những giá trị về kinh tế chỉ là một phần nhỏ trong đóng góp của quảng cáo. Các chiến dịch, sản phẩm không chỉ là nơi "trưng bày" nhận diện thương hiệu, sản phẩm mà còn truyền tải những thông điệp tích cực, giá trị về văn hóa, phong tục, nếp sống, nét đẹp Việt đến cộng đồng. "30 giây của quảng cáo có thể tạo ra thay đổi trong tư duy cộng đồng. Tôi xem đây là các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc trong mỹ thuật ứng dụng", ông Sơn nhận định.
Dẫn ví dụ, ông Trần Việt Tân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Truyền thông Vinama, đưa ra hàng loạt chiến dịch quảng cáo nhiều năm trước như "Đèn Đom Đóm" của Dutch Lady, "Về nhà ăn Tết - Gia đình trên hết" của Neptune, "Đi về nhà" của Honda... Theo ông Tân, đây là những sản phẩm quảng cáo chạm đến trái tim người xem, giúp định hướng công chúng đến sự sẻ chia, tình yêu thương, tình cảm gia đình và điều tích cực, nhân văn.
Ông Tân còn cho rằng nếu làm đúng hướng, các sản phẩm đậm đà bản sắc, mang hơi thở văn hóa Việt có thể vươn ra thế giới, góp phần quảng bá đất nước. "Chẳng hạn khi đi máy bay, chúng ta luôn nhìn thấy những đoạn giới thiệu Việt Nam rất đẹp mắt, yên bình, hùng vĩ. Những TVC này nếu được nhân rộng sẽ là cầu nối đưa văn hóa Việt ra nước ngoài", ông Tân nêu dẫn chứng
Hình thức quảng cáo thông qua người nổi tiếng, nghệ sĩ thịnh hành vài năm qua. Lãnh đạo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng rapper Đen Vâu, ca sĩ Hà Anh Tuấn, hoa hậu H’Hen Niê là những nghệ sĩ điển hình trong việc truyền cảm hứng cho cộng đồng qua các sản phẩm quảng cáo. Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều nghệ sĩ giới thiệu cho các sản phẩm kém chất lượng, không đúng sự thật, nhất là các loại thuốc, thực phẩm chức năng.
"Điều khó nhất hiện nay là đưa hoạt động quảng cáo vào nề nếp, định hướng đúng để các nhà sáng tạo trung thực, góp phần bảo vệ văn hóa, kinh tế, xã hội", ông Nguyễn Trường Sơn nói và cho rằng việc cần làm đầu tiên là sửa đổi Luật Quảng cáo đã áp dụng hơn 10 năm, để phù hợp với những hình thức mới và sự thay đổi của thời đại.
Tiếp đến, ông Sơn nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong việc chọn lọc quảng cáo đúng, hay, bài trừ những quảng cáo sai sự thật, trái pháp luật, không đúng thuần phong mỹ tục. "Quyền lực của cộng đồng rất lớn. Khi cộng đồng quyết tâm tẩy chay, những quảng cáo kém chất lượng sẽ không còn đất diễn", ông Sơn khẳng định.
Với mong muốn tôn vinh những quảng cáo giá trị và bài trừ những sản phẩm kém chất lượng, Hiệp hội cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công ty Cổ phần Truyền thông Vinama tổ chức Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam - Vạn Xuân Awards 2023. Giải thưởng đang trong giai đoạn nhận đề cử đến 20/11.
Giải thưởng năm nay đặc biệt bởi có 2 hệ thống giải. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ trao 12 giải thưởng Vạn Xuân Classic cho những tác phẩm ấn tượng ở 4 loại hình quảng cáo gồm quảng cáo trên truyền hình; trên bảng, biển ngoài trời; trên báo điện tử và nền tảng mạng xã hội; quảng cáo truyền thông tích hợp. Trong khi đó, ban tổ chức trao 28 giải thưởng chuyên môn, gồm một giải thưởng chung cuộc (IMC Grand Prix) trị giá 10.000 USD (240 triệu đồng) cho tác phẩm quảng cáo xuất sắc. Ngoài ra còn có giải thưởng cho 27 tác phẩm khác, gồm: 17 giải Sáng tạo, 3 giải Thương hiệu, 4 giải Media, 3 giải Đại sứ quảng cáo.
Hoài Phương