Mở đầu CTO Talks ngày 16/7 trên VnExpress, ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, đánh giá trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, công nghệ đang giúp triển khai nhanh, chính xác và hiệu quả việc kiểm soát dịch bệnh. Ở phạm vi rộng hơn, công nghệ còn góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản trong tương lai.
"Giá trị lớn nhất mà công nghệ mang lại là cả người dân lẫn cơ quan chức năng đều truyền tin cho nhau nhanh hơn, miễn là tin thật. Nếu truyền nhanh và đúng, dù virus lây lan nhanh hơn, chúng ta vẫn tự tin kiểm soát được dịch bệnh", ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ DTT, Tổ phó Tổ thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch Covid-19 - nhận định.
Theo ông Trung, suy cho cùng, Việt Nam chỉ có một ban chỉ đạo, một bộ Y tế và đội ngũ khoảng một triệu người tham gia chống dịch. Nếu sử dụng công nghệ hiệu quả, đội ngũ này có thể nhân thêm 10, 100. "Khi đó chúng ta không chỉ có 10 triệu người chống dịch mà là 100 triệu người. Hiệu quả của sức mạnh này đã được chứng minh trong những đợt lây nhiễm trước và chúng ta có thể tự tin trước những thách thức mới nếu hiểu đúng và sử dụng đúng công nghệ", ông Trung nói.
Công nghệ không phải "vị cảnh sát toàn năng"
Chung quan điểm với đại diện Bộ Y tế và Tổ thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch Covid-19, ông Lê Anh Sơn - Phó giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển Phenikaa - cho rằng công nghệ đang tham gia vào bốn lĩnh vực chính trong việc chống dịch, gồm: đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vaccine, thuốc chữa bệnh bằng ứng dụng AI, Big Data; phân tích, dự báo, cảnh báo dựa trên số liệu để có bức tranh toàn cảnh về phòng chống dịch; hạn chế sự lây lan, tìm kiếm người nghi nhiễm, khai báo y tế... Thứ tư là công nghệ phụ trợ, như robot, giúp hạn chế tiếp xúc, diệt khuẩn, giao nhận hàng hóa...
Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ là xã hội phải thay đổi cách thức, phương thức sinh hoạt, sản xuất, khám chữa bệnh truyền thống. "Khi triển khai công nghệ trên bình diện rộng, nhiều người chưa quen sẽ gặp khó khăn, vướng mắc. Nhiều ứng dụng công nghệ phát triển nhanh trong thời gian ngắn có thể còn lỗi, khiến một số người dùng không thoải mái, thậm chí hoang mang, tạo tâm lý không tốt cho người dân", ông Nguyễn Trường Nam đánh giá về mặt trái của việc ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch.
Theo đại diện Tổ thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch Covid-19, tất cả đóng góp của công nghệ trong chống dịch là môn khoa học về dịch tễ. Ông Nguyễn Thế Trung nói: "Công nghệ không phải vị cảnh sát toàn năng. Nói tìm mọi cách để giám sát, truy vết ai đó thì không phải đích đến của công nghệ".
Theo ông Trung, truy vết là truy vết con virus trong cộng đồng, chứ không phải truy vết một bệnh nhân cụ thể. Việc hiểu nhầm về truy vết có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Ví dụ, khi tiếp xúc với số lượng ca nhiễm lớn lên đến con số hàng nghìn người, việc truy vết một người chỉ là vấn đề nhỏ. Mục đích quan trọng hơn là xem con virus đang hoạt động đậm đặc ở khu vực nào, từ đó đưa ra các quyết định mang tính khoa học, dựa trên số liệu, như giảm chợ vì lịch sử dịch tễ cho thấy dấu vết của virus ở chợ đông đặc, lượng người tiếp xúc lớn, nhiều người có thể mang mầm bệnh. "Mục đích truy vết là tìm những điểm, những sự kiện có thể tạo ra siêu lây nhiễm chứ không đơn giản là truy vết một người", ông Trung nhấn mạnh.
Tương tự việc giám sát người được cách ly tại nhà, các giải pháp công nghệ được ứng dụng không phải trong phim viễn tưởng. Nó chỉ đơn giản là công cụ liên lạc giữa người được cách ly với đội ngũ y tế. Đó là bài toán hai chiều, người đang cách ly sẽ được quan tâm, chăm sóc sức khoẻ hỏi han từ đội ngũ y tế một cách nhanh chóng và thường xuyên hơn. Ở chiều ngược lại, ứng dụng cũng giúp đảm bảo người đó đang tuân thủ các quy định cách ly, tốt cho bản thân mình lẫn cộng đồng.
Với vaccine cũng thế, nếu chỉ nhìn ở góc độ công nghệ giúp tiêm vaccine thì không đúng. Công nghệ chỉ giúp câu chuyện mỗi người được bảo vệ bằng vaccine sẽ được cộng đồng công nhận. Từ đó, có thể quy hoạch xem vaccine đang được tiêm cho ai, cộng đồng nào, phân bổ vaccine ở đâu là tốt nhất. "Khi nói về giải pháp công nghệ, giải pháp sinh ra không phải nhìn theo tên gọi mà phải đi theo mục tiêu cuối cùng. Truy vết là truy vết virus. Cách ly là để giữ an toàn cho con người, cho cộng đồng. Vaccine là công cụ tốt nhất cho chống dịch", ông Trung lưu ý.
Công nghệ truy vết
Theo ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, nếu truy vết theo cách cũ, cơ quan chức năng sẽ phải dùng các biện pháp nghiệp vụ để hỏi xem F0 đã đi đâu, tiếp xúc những ai, thời điểm nào trong 14 ngày qua. Để một người có thể nhớ chính xác những thông tin trong khoảng thời gian dài như vậy là rất khó, mất nhiều công sức, thời gian. Nhưng nếu truy xuất bằng công nghệ, việc này chỉ tốn vài giờ, thay vì 3 - 4 ngày như cách truyền thống.
Hai trong số nhiều công nghệ truy vết đang phát huy hiệu quả ở Việt Nam là truy vết bằng công nghệ Bluezone - xem lịch sử tiếp xúc gần - và truy vết nhanh lịch trình di chuyển bằng mã QR.
Đại diện Bộ Y tế cho biết việc quét mã QR để "check in" ở những nơi công cộng đang được đẩy mạnh ở Việt Nam. Việc này giúp cơ quan chức năng ghi nhận những người đã đến những địa điểm cố định. Hoặc nếu di chuyển, phải khai báo các thông tin như mã số chuyến đi, từ đâu đến đâu. Khi có F0, có thể truy vết ngược lại để khoanh vùng các điểm liên quan.
Tuy nhiên, khi họ đến những nơi công cộng như công viên, xung quanh có nhiều người, không có điểm "check in" QR code thì lúc này, ứng dụng Bluezone lại phát huy tác dụng. Hệ thống sẽ ghi nhận được những số điện thoại nào đã tiếp xúc gần người dương tính để liên lạc và thông báo đến họ. Việc kết hợp nhiều biện pháp công nghệ không chỉ giúp truy vết nhanh, khoanh vùng hiệu quả mà còn có thể phát hiện những lịch trình di chuyển bất thường như trường hợp người đàn ông ở TP HCM bay ra Hà Nội sau đó quay ngược về Đà Nẵng để trốn cách ly.
Mặt trái của ứng dụng chống dịch
Lý giải về việc Việt Nam đang có nhiều ứng dụng, nền tảng liên quan đến chống dịch Covid-19, đại diện Bộ Y tế cho biết, ban đầu, để đáp ứng nhanh cho nhu cầu chống dịch, mỗi đơn vị sẽ đảm nhận phát triển một ứng dụng cho những nhiệm vụ đặc thù. Ví dụ, "Tờ khai y tế" dành cho người nước ngoài nhập cảnh, di chuyển nội địa. ;"Khai báo toàn dân" dành cho người dân trong nước; Bluezone dành cho việc truy vết. Sau đó yêu cầu chống dịch cần mở rộng chức năng, điều chỉnh thay đổi cho phù hợp với thực tế, khiến từ 1, 2 bài toán ban đầu, ứng dụng phải giải quyết thêm 1 - 2 chùm ứng dụng mới. Do đó, nhà phát triển phải điều chỉnh lại hệ thống hạ tầng, nền tảng.
Ông Lê Anh Sơn - Phó giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển Phenikaa - đánh giá ưu điểm của các ứng dụng này là có thể áp dụng đồng loạt trên diện rộng. Người dân có thể dễ dàng khai báo y tế, cơ quan chức năng có thể tổng hợp thông tin nhanh. Các công cụ phát hiện người tiếp xúc gần giúp rút ngắn thời gian truy vết, khoanh vùng. Đây cũng là thời gian công nghệ hoạt động đặc biệt sôi động ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc này cũng kéo theo một hệ luỵ là do yêu cầu phát triển ứng dụng phải nhanh, thời gian kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng bị rút ngắn, dẫn đến nhiều lỗi trong thời gian đầu, khiến người dùng cảm thấy hơi khó chịu. Việc lưu thông thông tin, giữa các bên cũng còn trục trặc.
Chung quan điểm với lãnh đạo Bộ Y tế và Viện nghiên cứu Phenikaa, ông Nguyễn Thế Trung cho rằng việc có quá nhiều ứng dụng liên quan đến phòng chống dịch còn do người làm công nghệ thông tin "quá hăng hái". "Khi dịch bệnh nổ ra, ai cũng muốn chống dịch, nêu sáng kiến và làm. Có nhiều lý do khách quan và chủ quan dẫn đến việc mỗi địa phương có thể lại phát triển một ứng dụng riêng. Nhưng một trong những lý do chính là các nhà phát triển không làm việc một cách khoa học, đúng ra mọi người nên ngồi lại với nhau để cùng giải quyết bài toán chung", ông Trung nói.
Theo đại diện Tổ thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch Covid-19, việc làm một ứng dụng cho người dân tưởng là miễn phí nhưng lại tốn kém vô cùng. "Chưa nói đến việc mất thời gian của người dân, chỉ cần tính đến việc ứng dụng chạy thì tốn pin. Hết pin, sạc điện thoại. Sạc điện thoại, tốn tiền điện. Chỉ cần một ứng dụng không hiệu quả tốn 100 đồng/ngày, nhân với 100 triệu dân đã là con số lãng phí khổng lồ", ông Trung phân tích.
Theo các chuyên gia công nghệ, thay vì làm một ứng dụng riêng, mỗi địa phương nên liên hệ với các đầu mối chung của Bộ Y Tế để cùng tham gia, cùng làm hoặc làm cái mới nhưng liên thông được với cái cũ.
Siêu ứng dụng chống dịch
Nếu không tính đến các ứng dụng của các địa phương, người dân hiện tại phải cài không ít dưới ba ứng dụng liên quan đến việc khai báo y tế, truy xuất, xem kết quả xét nghiệm, chứng nhận tiêm vaccine...
Khi được hỏi về khả năng gộp tất cả ứng dụng này lại thành một siêu ứng dụng chống dịch. Ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết: "Sau hơn một năm triển khai các ứng dụng công nghệ, chúng tôi nhận ra đối tượng cuối cùng cần quan tâm phải là người dân. Ứng dụng chỉ là công cụ. Mỗi ứng dụng có một chức năng riêng những để đảm bảo người dân được thuận tiện nhất, phải liên thông dữ liệu. Việc này quan trọng hơn là gộp tất cả ứng dụng lại thành một siêu ứng dụng".
Theo ông Nam, Bộ Y tế đang phối hợp với nhiều bên để chuẩn hóa dữ liệu. Trong tương lai mỗi người dân sẽ có một mã QR định danh. Mã này có thể liên thông dữ liệu trong tất cả ứng dụng chống dịch từ "check-in", khai báo y tế, xét nghiệm, tiêm chủng và sắp tới là khám chữa bệnh, hồ sơ sức khoẻ điện tử.
Ví dụ, khi đi xét nghiệm Covid-19, người dân chỉ cần cài Bluezone là có thể nhận kết quả ngay trên điện thoại. Dữ liệu sẽ được kết nối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh thành. Khi dữ liệu đổ về, ứng dụng sẽ được tích hợp vào mã QR. Người dân có thể dùng mã này để di chuyển qua lại một cách đơn giản. Đại diện Bộ Y tế cho biết dự án liên thông dữ liệu từ khai báo y tế điện tử, di chuyển, check-in, xét nghiệm và những việc liên quan đến chống dịch đặt mục tiêu hoàn thành trong tháng 7 năm nay.
Lý giải tiếp về lựa chọn liên thông dữ liệu y tế thay vì phát triển một siêu ứng dụng. Ông Nguyễn Thế Trung - Tổ phó Tổ thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch Covid-19 cho biết mỗi ứng dụng hiện có một chức năng riêng. Với những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, rất khó bắt buộc họ cung cấp thông tin cá nhân, mình chỉ cần theo dõi việc cách ly, đảm bảo không lây nhiễm cộng đồng. Lúc này cần dùng ứng dụng khai báo nhập cảnh. Nhưng người dân trong nước cần chăm sóc cẩn thận hơn, mình cần một nền tảng khác để khai báo thông tin. Nhưng đến khi quản lý tiếp xúc gần, để bảo vệ tối đa quyền riêng tư của người dùng và hỗ trợ chống dịch, buộc phải phát triển một ứng dụng mới là Bluezone. "Đây là tinh thần chung, cả thế giới làm, không thể gộp hay phát triển một siêu ứng dụng, vì mỗi ứng dụng có một mục đích riêng".
Tương tự với mã QR, thời gian đầu người dân có mã này chưa nhiều, lượt người cài ứng dụng còn ít. Hơn nữa "bắt buộc người nước ngoài phải có QR code của Việt Nam là không cần thiết, trong khi họ chỉ cần dùng điện thoại, quét mã QR của từng địa điểm như khách sạn, nhà hàng để khai báo là xong", ông Trung nói.
Nhưng đến thời điểm chín mùi, người dùng được cấp mã QR trên thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT) đã nhiều. Cơ quan chức năng, nhà phát triển ứng dụng đã có thể thiết kế lại quy trình. Người dân chỉ cần đưa mã QR của mình trên ứng dụng, trên thẻ BHYT hoặc in ra giấy, đưa vào máy quét là xong.
Đánh giá về việc dùng công nghệ để giải bài toán an sinh, ông Lê Anh Sơn - Phó giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển Phenikaa cho rằng: "Bản chất công nghệ chỉ là truyền tải thông tin, xử lý thông tin, không nên gắn cho công nghệ quá nhiều 'sức mạnh khủng khiếp' làm nhiễu loạn, sai lệch, tạo tâm lý không tốt trong người dân".
Theo ông Sơn, những công nghệ như hỗ trợ cách ly nên đi theo hướng chăm sóc sức khoẻ để F0, F1 cảm thấy an tâm hơn là giám sát. Vì người không có ý thức tự giác, sẽ có hàng trăm cách để ứng dụng không hoạt động.
Khương Nha