Thông tin được Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ tại hội thảo "Thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá", trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2023, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 14/6.
Thứ trưởng Duy cho biết, kể từ khi khái niệm 4.0 được đưa ra trên toàn thế giới, cuộc chơi định hình và dần chuyển sang công nghệ thiết thực gần gũi hơn, thúc đẩy ứng dụng AI trong cuộc sống. Trong 6 tháng qua cả thế giới chứng kiến sự phát triển bùng nổ về xu thế AI siêu lớn, qua các hệ thống AI tạo sinh, chat GPT, hệ thống xử lý ảnh, video kết hợp dữ liệu lớn làm thay đổi cuộc sống hàng ngày con người.
"Việt Nam đã có những tiếp cận xu thế nhanh thông qua tổ chức, diễn đàn 4.0, triển khai ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia", Thứ trưởng Duy nói. Những ứng dụng cho thấy AI đang là công nghệ nền tảng quan trọng dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, trong đó lớn nhất là tạo động lực và thay đổi phương thức làm việc.
Ông nhắc về một số trụ cột thúc đẩy và phát triển trí tuệ nhân tạo cần được chú trọng, trong đó trụ cột đầu về nhân lực chuyên gia AI và nhóm kỹ năng công nghệ số; hạ tầng tính toán và dữ liệu... Cả ba trụ cột này "vẫn còn nhiều việc phải làm".
Một trụ cột khác là quy định thể chế quy định về đạo đức AI, deepfake, xử lý video hình ảnh và quy định xây dựng hệ thống AI... "Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp các chuyên gia Australia xây dựng hệ thống quy định "Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm" - trách nhiệm từ người xây dựng đến người sử dụng", ông Duy cho biết.
Thực tế những năm gần đây công nghệ AI đã có bước phát triển nhanh chóng, ngày càng đi vào chiều sâu và mở rộng ở nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, TS Dương Duy Hưng, Trợ lý trưởng ban Kinh tế Trung ương nói trong bài phát biểu. Ông cho rằng, Việt Nam coi ngành công nghiệp công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn) là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng.
Dẫn dự báo của Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PriceWaterhouse Coopers, vào năm 2030, AI sẽ đóng góp thêm 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu, đồng thời AI sẽ tạo ra những ngành công nghiệp mới và việc làm mới, ông Hưng cũng nhấn mạnh lợi ích mà công nghệ này mang lại. Tuy nhiên Việt Nam cũng đứng trước khó khăn thách thức trong xây dựng và kết nối hạ tầng dữ liệu và tính toán; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thể chế, chính sách; huy động và thu hút nguồn lực đa dạng vào phát triển AI...
Tại sự kiện, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị phát triển công nghệ AI cũng minh hoạ nhiều kết quả thực tế cho thấy công nghệ AI đang hiện diện trong nhiều lĩnh vực. Trong đó AI được ứng dụng trong các giải pháp đánh giá phân tích khách hàng, trải nghiệm khách hàng số được thực hiện với trợ lý ảo cá nhân, data bộ công cụ giúp đưa ra báo cáo tổng hợp, hỗ trợ đưa ra quyết định.
Các chuyên gia nhấn mạnh, để Việt Nam có thể nắm bắt được lợi thế từ công nghệ AI, quan trọng nhất là phát triển nguồn nhân lực, tiếp theo là triển khai hạ tầng tính toán, quan tâm vấn đề dữ liệu trong đó có việc chia sẻ dữ liệu mở cho cộng đồng nhà khoa học, đơn vị khai thác.
Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023 với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới", thu hút quan tâm của hơn 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế. Sự kiện gồm phiên diễn đàn cấp cao và 4 phiên hội thảo chuyên đề về nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Việt Nam; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa; xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển năng lượng và chuyển đổi số và chuyển đổi số xanh ngành dịch vụ.
Như Quỳnh