Báo cáo do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ cùng Cục Thông tin khoa học, công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp phát hành. Báo cáo được công bố tại Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia 2024 chiều 27/11.
Qua gần 10 năm hình thành và phát triển, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, có sự phát triển mạnh. Tuy nhiên, hệ sinh thái vẫn còn ở giai đoạn ban đầu của sự phát triển. Thông tin, dữ liệu vẫn còn rời rạc, phân tán, thiếu thống nhất, đồng bộ. Do đó, giảm hiệu quả hỗ trợ trong công tác quản lý, vận hành cũng như xây dựng hệ sinh thái quốc gia.
Báo cáo tổng quan hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ phát hành hàng năm. Ngoài việc cung cấp thông tin và phân tích, báo cáo sẽ so sánh và đánh giá với một số hệ sinh thái trong khu vực và thế giới. Qua đó, đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị để tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Theo báo cáo, khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đã trải qua ba giai đoạn phát triển. Giai đoạn 2013 - 2016 chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về cả số lượng và chất lượng, với 1.800 doanh nghiệp, 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Đây là giai đoạn nhiều quỹ đầu tư nhận thấy tiềm năng lớn và thể hiện mong muốn đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Giai đoạn từ 2017 đến 2020 là thời điểm toàn cầu hóa. Lúc này, Chính phủ đã đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính, thông qua chương trình thúc đẩy kinh doanh, cung cấp vốn rủi ro cho các doanh nghiệp mới thành lập. Thời gian này đã xuất hiện các chương trình hỗ trợ tập trung vào từng giai đoạn phát triển khác nhau của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp đã biết cách thu hút và tận dụng nguồn lực tài chính từ các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Năm 2019, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 3 trong số các quốc gia ASEAN về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Indonesia và Singapore. Tỷ lệ lượng vốn đầu tư mạo hiểm trong tổng vốn đầu tư cho doanh nghiệp sáng tạo tại khu vực cũng đã tăng từ 5% (2018) lên 17%.
Giai đoạn từ 2021 đến nay là thời điểm gặp nhiều khó khăn và có bước chững lại. Tuy nhiên, hệ sinh thái đã phục hồi và đang tiến triển một cách ấn tượng. Cụ thể, năm 2021, Việt Nam đã ghi nhận mức đầu tư mạo hiểm kỷ lục với tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP HCM. Ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, số lượng doanh nghiệp có sự chênh lệch không đáng kể.
Trong đó, 11 doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, 2 trong số đó đạt trạng thái kỳ lân với định giá trên 1 tỷ USD, gồm Momo và Sky Mavis. Tuy nhiên, kể từ năm 2021 đến nay, Việt Nam chưa có thêm kỳ lân mới. Một số doanh nghiệp sáng tạo được đánh giá là "soonicorn" (cận kỳ lân) đang gặp khó khăn trong hoạt động và mở rộng quy mô.
Phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ở giai đoạn đầu của vòng đời phát triển với giá trị doanh nghiệp tương đối thấp. Ngoại trừ một số doanh nghiệp đã khẳng định tên tuổi hoặc nhận được vốn đầu tư từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu USD, đa phần các startup Việt vẫn đang trong giai đoạn ươm mầm, với định giá doanh nghiệp dưới 1 triệu USD.
Lê Tân