Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chìm sâu trong khủng hoảng sau thảm họa động đất tuần trước khiến hơn 41.000 người thiệt mạng ở nước này và Syria. Nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi nguyên nhân nào khiến thảm họa gây thương vong lớn đến vậy và trách nhiệm thuộc về ai.
Động đất đã khiến loạt tòa nhà cả cũ và mới ở Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí có những công trình mới xây dựng trước đó 6 tháng, đổ sập hoàn toàn. Nhiều tòa nhà cao tầng sập thành những lớp bê tông chồng chất lên nhau như những lớp giấy, khiến nạn nhân mắc kẹt có rất ít cơ hội sống sót.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 12.141 tòa nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng trong động đất. Phần lớn nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng do bị chôn vùi khi nhà sập.
Nhiều chuyên gia, học giả và người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các tòa nhà kém chất lượng đã khiến thiệt hại trong thảm họa thêm trầm trọng.
Hàng chục nghìn người được cho là đang bị vùi lấp dưới những đống đổ nát như vậy, trong đó có những tòa chung cư cao cấp mới xây dựng. Nhiều tòa nhà khi mở bán được nhà thầu quảng cáo là đạt "đẳng cấp sang trọng và tuân thủ các tiêu chuẩn về chống chịu động đất mới nhất", nhưng chúng đã sụp đổ như "lâu đài cát" khi rung chấn diễn ra.
Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần qua cho biết 134 người đang bị điều tra về vai trò trong quá trình xây dựng những tòa nhà bị sập do động đất, trong đó hơn 100 người đã bị bắt. Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cam kết sẽ trừng phạt nghiêm khắc những nhà thầu bị phát hiện vi phạm trong thi công những công trình đó.
Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên hứng chịu động đất do nằm trên hai đường đứt gãy lớn ở bề mặt Trái Đất. Sau trận động đất năm 1999 khiến hơn 17.000 người thiệt mạng, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua các quy định xây dựng chặt chẽ hơn, nhưng chúng đã không được thực thi nghiêm túc khi nước này chứng kiến cơn sốt xây dựng gần đây.
Quá trình xây dựng như vũ bão ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan coi đây là động lực tăng trưởng kinh tế của đất nước. Năm 2019, ông Erdogan đã khuyến khích việc "xé rào" quy định về xây dựng, mở đường để các tòa nhà được xây và cấp phép nhanh chóng.
Theo chính sách này, các nhà thầu phải nộp tiền phạt khi không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn về xây dựng, nhưng được miễn trừ áp dụng quy định về xây dựng. Công trình của họ sau đó vẫn được cấp phép và bán ra cho khách hàng.
Chính sách này đã được áp dụng từ trước trận động đất năm 1999 và bị siết lại theo các cải cách về tiêu chuẩn an toàn và xây dựng sau đó. Tuy nhiên, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua luật miễn trừ áp dụng quy định cho hàng chục nghìn tòa nhà vào năm 2018. Nhiều công trình trong số đó nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất hôm 6/2.
Một luật miễn trừ khác đang chờ được quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua trước khi động đất xảy ra, theo BBC.
Cùng với động thái "xé rào" quy định, tình trạng quản lý lỏng lẻo đã cho phép các nhà thầu xây lên nhiều tòa nhà kém chất lượng. Nhiều công ty xây dựng và nhà thầu bị cáo buộc thường xuyên rút ruột công trình hay sử dụng vật liệu kém chất lượng.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích các thanh tra viên, quan chức địa phương cấp phép vô tội vạ cho những công trình chưa đạt chuẩn.
"Động đất là một hiện tượng tự nhiên và thường xuyên xảy ra. Nhưng hậu quả của động đất sẽ rất lớn nếu công tác quản lý bị buông lỏng", Hisyar Ozsoy, phó chủ tịch đảng Dân chủ Nhân dân, nghị sĩ quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đại diện cho thành phố Diyarbakır gần nơi bị động đất tàn phá, cho hay.
Luật miễn trừ tuân thủ quy định về xây dựng được coi là nguyên nhân chính gây ra khác biệt ngày càng lớn giữa quy định và những gì được thi hành trên thực tế. Theo giới chuyên gia, xây dựng là động cơ của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, vì thế mọi nỗ lực đều xoay quanh việc duy trì hoạt động cho nó.
Cơn bão xây dựng đã thúc đẩy các lĩnh vực khác của nền kinh tế. "Những gì đang diễn ra là vấn đề của cả hệ thống, liên quan đến cả nền kinh tế đằng sau nó", Sebnem Gumuscu, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Middlebury, Mỹ, bình luận.
Hệ quả là các nhà phát triển bất động sản và nhà thầu dần trở nên cẩu thả, xây dựng những tòa nhà bằng vật liệu rẻ tiền hoặc thiết kế không đủ sức chống chọi với một trận động đất 7,8 độ.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu việc điều tra một số nhà thầu xây dựng có đủ để xoa dịu công chúng hay không. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 5 và cách xử lý hậu quả của thảm họa động đất có thể định đoạt cục diện của cuộc bầu cử này.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng những gì xảy ra sau trận động đất sẽ quyết định tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ, Jen Kirby, bình luận viên kỳ cựu từ trang Vox của Mỹ nhận định. "Hàng chục nghìn tòa nhà đổ sập sẽ phải được tái thiết. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây dựng lại chúng bằng tiêu chuẩn nào?", Kirby đặt câu hỏi.
Vũ Hoàng (Theo Vox)