Hơn tuần qua, ban giám đốc Công ty giày dép V.P ở quận Bình Tân tổ chức nhiều cuộc họp để tìm cách xoay được nguồn tiền thưởng Tết cho gần 400 công nhân. Với phương án thưởng một tháng lương, nhà máy cần vào khoảng 2,8 tỷ đồng.
Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất đi châu Âu, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, từ tháng 10 đến nay đơn hàng giảm gần 40%. Lãnh đạo nhà máy cho biết nếu theo kế hoạch sản xuất trước đó, các đơn hàng sẽ hoàn thành vào tháng 11 với điều kiện tiến độ như bình thường, tổ chức tăng ca. Do đó, để tạo việc cho lao động đến tháng 1 năm sau, công ty chỉ tổ chức đi ca hành chính. Việc này kéo chi phí sản xuất tăng cao.
Đại diện nhà máy giải thích do kéo dài thời gian sản xuất nên tiền điện, nước, chi phí cho nhân công cao, lợi nhuận đơn hàng giảm mạnh. Trong khi đó nhiều đơn hàng hoàn thành, khách hàng không làm thủ tục nhận, thanh toán chậm.
Phía nhà máy nói rằng tình hình tệ hơn năm ngoái. Khi dịch bùng phát gần giữa năm 2021, công ty dừng hoạt động gần 4 tháng nhưng tài chính ổn hơn bây giờ. Bởi công nhân được nhà nước giúp đỡ, khách hàng hỗ trợ, chủ đất giảm tiền thuê mặt bằng. Trong khi năm nay, cả quý 4 không có đơn hàng nhưng tất cả chi phí trên doanh nghiệp phải xoay.
"Thêm khoản thưởng Tết, doanh thu năm nay sẽ xuống âm", đại diện công ty nói. Tuy nhiên, khoản thưởng này đã được đưa vào thỏa ước lao động tập thể nên công ty vẫn thực hiện. Để có tiền thưởng Tết, ban giám đốc thuyết phục nhà cung cấp nguyên phụ liệu kéo dài thời gian thanh toán, chờ công ty thu hồi công nợ. Các thành viên trong ban lãnh đạo xoay xở mượn thêm từ nhiều nguồn.
"Khó khăn bủa vây nhưng phải cố vì bây giờ công nhân cũng rất khó. Mình đối xử tệ, không có thưởng là họ bỏ hết. Khi đơn hàng phục hồi nhà máy sẽ không có người", đại diện công ty nói.
Cố gắng có thưởng Tết cho công nhân cũng là mục tiêu mà ban giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony ở quận Tân Bình, đặt ra. Do ảnh hưởng chung, từ tháng 8, công ty bị giảm 20% đơn hàng trong mảng đồng phục và 50% đơn hàng mảng thời trang. Suốt thời gian qua, doanh nghiệp hoạt động gần như không có lợi nhuận, toàn bộ chi phí bù đắp sản xuất và đảm bảo thu nhập cho công nhân.
Ông Phạm Quang Anh, giám đốc công ty, nói doanh nghiệp có hai phương án thưởng Tết một tháng hoặc nửa tháng lương, tùy thuộc vào nguồn tiền lúc trả thưởng. Nhà máy đang xoay kinh phí, trong đó quan trọng là thu hồi công nợ các đơn hàng đã xuất.
"Công nhân nào cũng mong được thưởng nhiều nhưng khả năng tài chính của mình có hạn", ông Quang Anh nói. Giai đoạn này nhà máy chấp nhận lỗ, không lợi nhuận nhưng trong giới hạn nhất định vì phải bảo toàn tài chính để năm sau đi tiếp.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch công đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết qua nắm thông tin ban đầu, các doanh nghiệp phía Nam thuộc tập đoàn với khoảng 50.000 lao động sẽ có mức thưởng 1-1,5 tháng lương. Mức này chỉ bằng một nửa so với năm ngoái khi các nhà máy thưởng trung bình cho công nhân hai tháng, nhiều doanh nghiệp thưởng 3-4 tháng do doanh thu tốt.
Từ quý 3 đến nay, đơn hàng các nhà máy may giảm, riêng công ty sợi, dệt khó khăn từ đầu năm. Để tạo việc làm cho công nhân, nhiều nơi phải tận dụng tất cả nguyên phụ liệu sẵn có, tìm thêm thị trường nội địa. Tuy nhiên, hàng bán không được nhiều, số lượng lưu kho lớn. Số khác phải cho lao động nghỉ giãn cách, trả 180.000 đồng mỗi ngày. Nhiều nhà máy cho biết khả năng chỉ gồng đến hết tháng 12. Đầu năm sau đơn hàng không phục hồi, họ phải tính phương án khác.
"Dù thưởng Tết giảm hơn một nửa nhưng đó là sự nỗ lực rất lớn", bà Thủy nói. Những doanh nghiệp có tích lũy vẫn sẽ thưởng Tết cho công nhân, tuy nhiên các nhà máy quá khó khăn sẽ chỉ tượng trưng 1-2 triệu đồng.
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA), nói rằng năm nay những doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu sẽ có mức thưởng Tết ổn vì tình hình kinh doanh không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng với những ngành như dệt may, da giày... nhóm hàng thuộc về nhu cầu thì khó khăn hơn rất nhiều do đơn hàng giảm mạnh.
Theo ông Việt Anh, các doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì lương, thưởng cho người lao động. Với những nơi có đơn hàng đầy đủ vẫn sẽ có thưởng Tết tốt, còn lại sẽ cố gắng duy trì một tháng lương. "Lao động bây giờ cần được ưu tiên hàng đầu", lãnh đạo HUBA nói.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM, cho biết trong 3 tháng cuối năm 2022, ảnh hưởng lạm phát ở nhiều nước khiến chi phí nguyên vật liệu tăng, trong khi tổng cầu của thế giới giảm. Một số nhãn hàng hủy hợp đồng, giảm đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, nhất là ngành chế biến gỗ, da giày, dệt may... Công nhân phải nghỉ việc luân phiên, ứng phép năm 2023, chấm dứt hợp đồng lao động.
Phía liên đoàn lao động dự báo tình hình khó khăn nên một số doanh nghiệp không thưởng Tết và lương tháng 13 cho người lao động. Thời gian qua, tổ chức công đoàn đã tham gia với chủ doanh nghiệp xây dựng phương án chi trả lương, thưởng Tết, các khoản phúc lợi khác cho công nhân. Các cấp công đoàn dành khoảng 140 tỷ đồng giúp đỡ, chăm lo Tết cho người khó khăn.
Lê Tuyết