- Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến Việt Nam thất bại 0-1 trước Indonesia ở vòng bảng Asian Cup hôm 19/1?
- Có một số lý do có thể dùng để bào chữa cho trận thua này. Thứ nhất, phải thừa nhận rằng Indonesia đã tiến bộ khi bổ sung một số cầu thủ nhập tịch gốc Tây Ban Nha, Hà Lan. Thể chất cũng như trình độ của những cầu thủ này giúp họ có khả năng pressing toàn sân. Nhưng, Indonesia chưa trở thành đội bóng mạnh đến mức khiến Việt Nam hoàn toàn lép vế. Vì thế, tôi cho rằng cần đánh giá thất bại lần này từ góc độ sai lầm của chúng ta, chứ không phải từ bất kỳ ai. Rõ ràng, đã có những tính toán thiếu chuẩn xác từ cách tiếp cận lối chơi, nhân sự đến điều chỉnh trong trận của HLV Philippe Troussier và ông ấy phải chịu trách nhiệm đầu tiên.
Thứ hai, Việt Nam chịu thiệt về lực lượng bởi chấn thương của Nguyễn Đình Bắc, Phạm Tuấn Hải hay Nguyễn Văn Tùng. Đây đều là những cá nhân quan trọng, nhưng bị quá tải dẫn đến việc không thể góp mặt hoặc phải rời trận đấu giữa chừng. Nhưng điều này một lần nữa cho thấy HLV Troussier đã đánh giá sai năng lực của học trò. Ông ấy kỳ vọng quá cao vào các cầu thủ trẻ, đề cao họ hơn các đàn anh. Thực tế dù nỗ lực, các cầu thủ này chưa biết phân phối sức và cũng không thể hiện được khả năng tốt nhất của mình khi gặp những đối thủ thi đấu tinh quái. Có lẽ HLV Troussier đánh giá trình độ của cầu thủ trẻ Việt Nam hiện nay ngang với thế hệ Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Hoàng Đức. Nhưng đánh giá như thế là sai lầm.
- Sau trận, HLV Troussier cho rằng sai lầm nhỏ của trung vệ Nguyễn Thanh Bình làm ảnh hưởng tới kết quả của tập thể. Ông nghĩ sao về phát biểu này?
- Có thể chấp nhận lời bào chữa đó. Đó giống như lời động viên cho Thanh Bình hơn. Vì trên hết, thất bại này là của tập thể chứ không riêng gì cá nhân cậu ấy.
Còn xét về chuyên môn ở pha xử lý dẫn đến quả phạt đền cho Indonesia, tôi cho rằng Thanh Bình xử lý không tốt. Đáng nhẽ chỉ nên kéo nhẹ để đối thủ mất thăng bằng rồi thả ra. Dù sao giải cũng có VAR. Các cầu thủ phải rất thận trọng với từng hành động, vì dù lỗi nhỏ thôi cũng có thể bị phát hiện. Pha bóng đó thể hiện sự non nớt đến ngớ ngẩn của Thanh Bình. Một phần cũng do cậu ấy thiếu kinh nghiệm.
- Nếu đặt vào vị thế của HLV Troussier, ông muốn điều chỉnh thế nào ở trận đấu Indonesia?
- Tôi sẽ không dùng quá nhiều cầu thủ trẻ, trong khi những người dày dạn kinh nghiệm như Đỗ Hùng Dũng, Hồ Tấn Tài hay Vũ Văn Thanh... phải ngồi ngoài. Điều đó rất mạo hiểm, và không HLV nào dám làm, trừ Troussier. Trong khu vực Đông Nam Á, trình độ của các nền bóng đá khá tương đồng, để đội hình giống như U23 đấu ĐTQG thì cầm chắc thất bại.
Do đó, tôi nghĩ Troussier có phần bảo thủ. Trong bóng đá, yếu tố kinh nghiệm rất quan trọng. Những cầu thủ như tôi kể trên đã thực chiến nhiều, dày dạn trận mạc nên sẽ biết cách để điều chỉnh nhịp độ hoặc chiếm ưu thế khi đấu tay đôi với đối thủ kiểu như Indonesia. Ở đây, tôi không bàn về trình độ. Có thể, Troussier nhận định trình độ của các cựu binh cũng ngang các cầu thủ trẻ. Nhưng ông ấy đã triệu tập thì cũng nên tin tưởng họ.
- Việc thua một đối thủ từng được xem là cửa dưới, thậm chí không thắng nổi chúng ta lần nào trong năm năm qua, có vẻ như khiến người hâm mộ bức xúc hơn thông thường. Cá nhân ông cảm thấy thế nào?
- Thực sự mà nói, tôi rất bực mình. Tôi bực vì Việt Nam với Indonesia, cụ thể hơn là Indonesia dưới thời HLV Shin Tae-yong, có mối thâm thù. Khi HLV Park Hang-seo còn dẫn dắt Việt Nam, họ chỉ từ hoà đến thua một cách tâm phục khẩu phục. Nhưng lần này ngược lại. Việt Nam chơi một trận thất vọng, hoàn toàn lép vế. Các cơ hội mà chúng ta tạo ra, chủ yếu đến trong thời điểm Indonesia hạ thấp nhịp độ để giữ lợi thế và nhân sự.
- HLV Troussier từng nhiều lần nhắc đến mục tiêu World Cup, phải chăng vì thế mà ông ấy phải lên kế hoạch dài hạn và dùng cầu thủ trẻ từ bây giờ?
- Việc dùng cầu thủ trẻ hay không là quyền của Troussier. Ông ấy là HLV trưởng. Nhưng nhìn rộng ra trên thế giới, tôi không nghĩ có đội tuyển nào dám dùng toàn cầu thủ trẻ để định hình lối chơi, chưa kể nhiều người trong số đó còn chưa có vị trí chính thức ở CLB. Thú thực, tôi chưa bao giờ thấy có chuyện như vậy. Các đời HLV của Việt Nam trước đây, họ luôn tìm những cầu thủ giỏi nhất.
Tôi có cảm giác những gì HLV Troussier nói hơi mâu thuẫn với những gì ông ấy làm. Ví dụ, ông ấy nói không nhìn mặt hay nhìn tên cầu thủ để chọn, chỉ quan tâm người nào có phong độ cao. Nhưng thực sự, có nhiều cầu thủ trẻ được ông lựa chọn còn chưa được đá chính ở CLB. Dùng họ nhiều sẽ đồng nghĩa với việc lãng phí những người khác.
Từ đây, tôi cho rằng vấn đề của đội tuyển lúc này không chỉ nằm ở lối chơi, mà còn từ cách dùng người. Dưới thời HLV Park, tuyển Việt Nam có cả lớp trẻ lẫn những cầu thủ kỳ cựu, tạo thành một khối và động viên nhau tiến lên. Còn HLV Troussier lại sử dụng cầu thủ trẻ một cách ồ ạt.
Đã đến lúc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần quan tâm tới việc sử dụng lực lượng ở đội tuyển. Không phải đến lúc thua Indonesia, điều này mới được đặt ra. Nhiều người đã cảnh báo từ năm ngoái. Tôi biết Liên đoàn rơi vào thế khó, bởi đã ký hợp đồng với Troussier thì không có quyền can thiệp vào chuyên môn. Nhưng chắc chắn, không phải ai cũng hài lòng với cách làm của HLV trưởng, chỉ là không ai dám hành động kiên quyết.
Quang Huy