- Ông đánh giá thế nào về trận chung kết giữa Việt Nam và Thái Lan ở SEA Games 31 vừa qua?
- Trận đấu thật gay cấn khi đôi bên đều quyết tâm và có khả năng chiến thắng. Đến phút 80, tôi vẫn còn cảm giác đội nào cũng có thể thắng. Cuối cùng, Việt Nam thành công và tôi nghĩ họ xứng đáng vì đã thể hiện được sự điềm tĩnh, hay nói cách khác là khả năng chịu áp lực. Họ đã tìm ra cách phá vỡ cấu trúc hàng thủ đối phương, trong khi Thái Lan không làm được.
- Theo ông, đâu là cầu thủ hay nhất của Việt Nam trận này?
- Nhâm Mạnh Dũng đã ghi một bàn trác tuyệt. Nhưng tôi chú ý đến Nguyễn Tiến Linh. Cậu ấy đã đáp trả một cách tương xứng những chỉ trích nhắm vào mình. Tiến Linh cống hiến nhiều thứ hơn là ghi bàn. Đường chuyền đổi hướng tấn công dẫn tới bàn thắng của Mạnh Dũng cho thấy nhãn quan tuyệt vời của Tiến Linh. Cách cậu ấy cầm bóng, thoát khỏi sự đeo bám của đối phương rồi chia bài khi lui xuống thấp... Tất cả đều chất lượng.
- Ông đánh giá thế nào về cách HLV Park vận hành cũng như điều chỉnh nhân sự giải này?
- Chúng ta nên khen ngợi ông ấy. Có nhiều cầu thủ mà Park có thể đưa vào sân trong hiệp hai, nhưng ông ấy chọn Nhâm Mạnh Dũng. Dĩ nhiên ông ấy hiểu rõ khả năng của Mạnh Dũng, và đưa cậu ấy vào để gia tăng trung phong có thể hình tốt trong bối cảnh hàng thủ Thái Lan có dấu hiệu xuống sức. Đôi khi có những sự thay đổi dẫn tới sai lầm, còn trong trường hợp này Park đã đạt hiệu quả tuyệt đối.
- Vậy đâu là nguyên nhân thất bại của Thái Lan?
- Tôi không nghĩ Mano Polking đã làm gì sai để dẫn tới thất bại của Thái Lan. Như tôi đã nói, cả hai đội đều khát khao và nỗ lực chiến thắng. Dù sao, khi tỷ số là 1-0, trận đấu cũng thường được giải quyết bằng một khoảnh khắc đặc biệt. Việt Nam đã tạo ra khoảnh khắc ấy và điều đó rất quan trọng.
- Vì sao Việt Nam không thể ghi bàn trong hiệp một, nhưng vẫn thắng năm trên sáu trận tại Đại hội?
- Đây là câu hỏi hay. Tôi tin rằng Việt Nam chơi kiên nhẫn dưới thời Park. Họ được tổ chức tốt, và đề cao sự ổn định của hàng thủ. Đó là nền tảng trong triết lý của ông ấy. Cho nên, dù Việt Nam không ghi được bàn trong hiệp một, đấy cũng không phải vấn đề với Park. Thể lực bền bỉ của các cầu thủ Việt Nam giúp Park tự tin rằng đội bóng của ông sẽ tìm ra bàn thắng trong hiệp hai.
- Theo ông, cầu thủ nào chơi hay nhất giải này?
- Tôi thực sự thích Lê Văn Đô. Tôi không nghĩ cậu ấy xứng đáng nhận giải "Cầu thủ hay nhất giải", nhưng mới 21 tuổi và có nhiều đàn anh ở xung quanh, cậu ấy vẫn đóng góp ấn tượng vào thành công của Việt Nam. Còn nếu phải chọn "Cầu thủ hay nhất", bao gồm cả những người lớn tuổi, Đỗ Hùng Dũng đã chơi xuất sắc và dẫn dắt đội bóng như một thủ lĩnh thực thụ. Nếu không có cậu ấy, Việt Nam đã không thể vô địch.
- Park ở vị trí nào trong những HLV vĩ đại nhất lịch sử Đông Nam Á?
- Tôi cảm thấy khó khăn khi chọn ra ai đó vĩ đại nhất, hay bậc nhất. Nếu do nhiều thế hệ khác nhau, điều đó càng khó. Tôi chỉ có thể nói rằng Park xứng đáng với mọi lời khen. Ngay cả Kiatisuk Senamuang cũng từng đoạt hai HC vàng liên tiếp cùng Thái Lan, điều đó có nghĩa Park ở cùng đẳng cấp với Kiatisuk không? Họ chơi với phong cách rất khác nhau. Và khi Thái Lan đoạt hai HC vàng liên tiếp, họ không có đối thủ thực thụ nào. Còn Việt Nam giải này phải đối đầu Thái Lan và thậm chí cả Indonesia. Park đã làm được nhiều điều tuyệt vời.
- Sự cổ vũ của khán giả nhà ảnh hưởng thế nào đến chức vô địch của Việt Nam?
- Đôi khi khán giả tạo ra khác biệt, đôi khi không. Tôi nghĩ trong trường hợp của Việt Nam, khán giả đã tạo khác biệt rất lớn. Sự đam mê của họ là không thể phủ nhận. Ngay cả những trận không có Việt Nam, các sân vận động vẫn chật kín người. Tôi chỉ có những lời tốt đẹp để nói về khán giả Việt Nam, và hy vọng sẽ được tự trải nghiệm điều đó ở Việt Nam.
Gabriel Tan là chuyên gia bóng đá châu Á, người Singapore. Ông là cây viết lâu năm của ESPN, và từng làm bình luận viên kênh Fox Sports.
Xuân Bình