Cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sáng 20/9, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo xây dựng tiêu chí về giao thông, môi trường và phòng cháy, chữa cháy của Hà Nội vượt trội hơn so với cả nước, nhất là sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng ở Khương Hạ, quận Thanh Xuân.
Ông cũng nhắc Ủy ban Pháp luật rà soát trong quá trình thẩm tra Luật Nhà ở (sửa đổi), "dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini", không để biến tướng thành một điều khác trong Luật Nhà ở chuẩn bị trình Quốc hội.
Khái niệm "chung cư mini" không có trong các văn bản quy phạm pháp luật, không được thừa nhận và thẩm định hồ sơ công trình dưới tên gọi này. Luật Nhà ở hiện chỉ có nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà xã hội.
Tuy nhiên, trong Quyết định 24/2014, UBND TP Hà Nội xác định: "Chung cư mini là nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng có từ hai tầng trở lên. Mỗi tầng có từ hai căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế khép kín như có phòng, bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng. Diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu là 30 m2 và đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo điều 70 của Luật Nhà ở 2014".
Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), tại Điều 74, chung cư mini được mô tả dưới dạng "nhà ở nhiều tầng nhiều hộ của hộ gia đình, cá nhân". Nhà ở kiểu này phải có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung; các căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín; diện tích sàn mỗi căn hộ không thấp hơn diện tích theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư. Nhà ở phải có Giấy phép xây dựng, đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng việc quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quy hoạch rất quan trọng, đặc biệt sau vụ cháy chung cư mini vừa qua. Trong vụ cháy này, theo giấy phép xây dựng, chủ nhà chỉ được xây 6 tầng nhưng thực tế đã xây 9 tầng (chưa tính tầng tum có 3 căn hộ). "Đáng lo ngại những chung cư mini thường đặt trong ngõ hẻm chỉ rộng 2-3 m. Kể cả việc cho phép xây 6 tầng cũng vô cùng bất cập, chỉ nên cho xây 2-3 tầng", ông Dũng nói.
Vì vậy, Bí thư Đinh Tiến Dũng đề nghị dự án Luật Thủ đô cần có điều khoản giao cho Hà Nội quyết định những vấn đề về quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch tại những địa bàn cụ thể để đảm bảo an ninh an toàn lâu dài.
Trả lời báo chí trước đó, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An đồng tình không hợp thức hóa mô hình chung cư mini trong dự án Luật Nhà ở sửa đổi. Loại nhà ở này tiềm ẩn nhiều nguy cơ an toàn phòng cháy và cứu nạn cứu hộ. Cùng với đó, quy định hiện hành cũng không có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể dành cho chung cư mini.
"Chúng ta không nên ủng hộ chung cư mini mà cần ủng hộ nhà cho người thu nhập thấp. Nhà trong ngõ, trong hẻm rồi xây cao cả chục tầng rất nguy hiểm cho tính mạng con người", ông An nêu quan điểm.
Ông An đề nghị cơ quan chức năng tổng rà soát để thấy rõ xem có bao nhiêu chung cư mini trên địa bàn, thực trạng các chung cư này hiện nay ra sao, vấn đề phòng cháy thế nào. Chính quyền địa phương cần khuyến cáo, tăng cường ý thức tự đề phòng của người dân trong phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, cách sử dụng an toàn thiết bị điện, gas, sạc xe điện.
Đêm 12, rạng sáng ngày 13/9, chung cư mini tại số 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân bốc cháy suốt hai tiếng khiến 56 người chết, 37 người bị thương. Thủ tướng đã yêu cầu rà soát toàn bộ công tác phòng cháy chữa cháy tại các nhà ở đông người, mật độ cao, dễ xảy ra cháy nổ. Bí thư Hà Nội cũng chỉ đạo kiểm tra ba tổ chức Đảng có dấu hiệu vi phạm ở quận Thanh Xuân nhằm làm rõ trách nhiệm liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn.
Thống kê sơ bộ, Hà Nội có khoảng 2.000 chung cư mini, TP HCM có 42.200 nhà cho thuê dạng này.