Tại Nghị quyết 72 và 73 ngày 17/5, Chính phủ đồng ý với đề xuất về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, thay vì 1/1/2025 như được thông qua tại kỳ họp hồi đầu năm.
Bộ trưởng Tư pháp được giao thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội nêu trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.
Để chính thức có hiệu lực sớm 6 tháng, các Nghị quyết này dự kiến được trình Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp thứ 7 sắp khai mạc từ 20/5.
Trước đó, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề xuất đưa Luật Đất đai vào thi hành sớm nhằm kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất. Cùng đó, việc này sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, phát huy tiềm năng, hiệu quả nguồn lực đất đai.
Nhà chức trách cũng kỳ vọng qua đó tháo gỡ được những khó khăn trong tiếp cận đất đai cho sản xuất - kinh doanh, thu hút đầu tư, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Đại diện nhiều địa phương cũng mong Luật Đất đai sớm được đưa vào cuộc sống. Phó chủ tịch TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết Luật Đất đai sửa đổi được thông qua đã tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của thành phố. Hai tháng đầu năm 2024, số thủ tục liên quan đến nhà đất hơn 67.000, tăng gần 19.000 hồ sơ so với cùng kỳ.
Các tỉnh, thành phố đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu Chính phủ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn để địa phương có đủ cơ sở pháp lý triển khai khi luật có hiệu lực. Họ cũng gấp rút xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Chẳng hạn, TP HCM cần ban hành 9 văn bản, HĐND là hai văn bản.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở năm 2023 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng, góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng hiệu quả quản lý và phát triển nhà ở.
Phương Dung