-
16h30
'Đề nghị bộ trưởng, trưởng ngành nói đi đôi với làm và làm ngay'
Quốc hội kết thúc chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết sau hai ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 đối với 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.
136 lượt đại biểu chất vấn, 18 lượt đại biểu tranh luận, còn 80 đại biểu đăng ký phát biểu nhưng chưa được phát biểu do hết thời gian. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo, giải trình, làm rõ thêm về những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Cùng tham gia trả lời chất vấn có: Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; Phó thủ tướng Lê Thành Long; Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã thể hiện trách nhiệm cao, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ và thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời rõ nhiều vấn đề khó, phức tạp, thẳng thắn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới.
Có một điểm chung mà các thành viên Chính phủ nhắc nhiều lần trong phiên chất vấn lần này là: "trân trọng cảm ơn", "nghiêm túc tiếp thu", "nhận trách nhiệm cá nhân", "quyết tâm thực hiện"... "Tôi nêu như vậy để thấy rằng các Bộ trưởng, Trưởng ngành luôn thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, nỗ lực trong thực hiện chức trách được giao", ông Mẫn nói.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chất vấn đã thành công với những cam kết mạnh mẽ trong chỉ đạo, quản lý, điều hành. Ông đề nghị bộ trưởng, trưởng ngành với tinh thần "nói đi đôi với làm và làm ngay", phát huy những kết quả đạt được, khẩn trương khắc phục những hạn chế, có giải pháp mới để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
-
16h25
'Đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa'
Trả lời đại biểu Quốc hội về quản lý hoạt động trên không gian mạng, Thủ tướng nhắc lại quan điểm "quản lý đời thực thế nào thì quản lý trên không gian mạng như vậy".
Tuy nhiên, ông lưu ý bỏ tư duy không quản được thì cấm. Tinh thần xây dựng thể chế vừa phục vụ quản lý, vừa phục vụ sáng tạo, khuyến khích mọi người dân, doanh nghiệp, chủ thể luôn phải đổi mới sáng tạo. "Đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên", Thủ tướng nói.
Ông Chính đề nghị các cơ quan cùng vào cuộc với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
-
16h20
Đất nước cần những công trình 'xoay chuyển tình thế'
Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp trong chỉ đạo điều hành sắp tới để thực hiện thành công các dự án quan trọng quốc gia?
Lãnh đạo Chính phủ nói rằng phải có giải pháp bứt phá tăng trưởng, trong đó cần phát triển hạ tầng chiến lược, bao gồm hạ tầng số, giao thông, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, đầu tư cho các động lực truyền thống như tiêu dùng, xuất khẩu. "Cần tạo ra đột phá về hạ tầng chiến lược với những công trình mang tính xoay chuyển tình thế, chứ không phải bình bình như hiện nay", Thủ tướng nói.
Nguồn lực cho các dự án này gồm ngân sách nhà nước, địa phương, vốn vay và hợp tác công tư. Đồng thời, việc đào tạo và chuyển giao nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả của các dự án. "Mong Quốc hội ủng hộ các dự án lớn này, trong đó có đường sắt tốc độ cao, sân bay Long Thành giai đoạn hai", ông nói.
Thủ tướng đã đưa ra bằng chứng về hiệu quả của việc tập trung nguồn lực cho các dự án lớn. Đó là chỉ trong ba năm, Việt Nam đã hoàn thành gấp đôi số lượng đường cao tốc, dù ban đầu cũng có những lo ngại về nguồn vốn.
-
16h15
Cần 'cơ chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh'
Đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh) nói chuyển đổi số là một lĩnh vực mới, khó, bao gồm các nội dung rộng lớn như Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và có tác động vĩ mô. "Việc chuyển đổi số có cần cơ sở lý luận không? Khi nào Việt Nam hoàn thành lộ trình thể chế số?", ông Trung Anh chất vấn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói "cần có lý luận". Ông nói để chuyển đổi số thành công cần có một lộ trình rõ ràng dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn và nghiên cứu khoa học. Việc ưu tiên phát triển nhanh, xanh và bền vững sẽ là kim chỉ nam cho quá trình này. Chính phủ cũng hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là Luật dữ liệu và cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và chia sẻ dữ liệu, tránh lãng phí nguồn lực.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường chia sẻ dữ liệu mở giữa các cơ quan, bộ ngành để học hỏi kinh nghiệm từ các dự án như Đề án 06. Mỗi ngành cần xây dựng các đề án tương tự để thúc đẩy chuyển đổi số. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào hạ tầng số và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định để thành công.
"Cơ chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh thì chúng ta sẽ làm được", Thủ tướng khẳng định.
-
16h10
Còn hai ngân hàng yếu kém bắt buộc chuyển giao
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc giải quyết các dự án tồn đọng. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ lo ngại về một số dự án vẫn chưa được xử lý và tình hình của các tổ chức tín dụng yếu kém. Đại biểu đề nghị Thủ tướng làm rõ nguyên nhân của những vấn đề này và đưa ra các giải pháp cụ thể, đồng thời chia sẻ về tiến độ thực hiện trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nhờ sự nỗ lực của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, đến nay 12 đại dự án tồn đọng kéo dài đã có chủ trương xử lý. Bộ Chính trị đã đồng ý và Chính phủ sẽ thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của mình.
Ông cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và xử lý các dự án tồn đọng, đặc biệt chú trọng đến việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Đối với các vấn đề vượt quá thẩm quyền, Chính phủ sẽ xin ý kiến của Quốc hội.
Về các ngân hàng yếu kém, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi của người dân và xử lý các vấn đề một cách chặt chẽ, có lộ trình rõ ràng. Hiện tại, hai ngân hàng đã được chuyển giao, còn lại hai ngân hàng và SCB đang được xem xét.
-
16h05
Thiên tai là vấn đề 'toàn cầu, toàn dân, toàn diện'
Bà Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, cho biết vấn đề biến đổi khí hậu và ứng phó thiên tai đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía cử tri. Mặc dù đánh giá cao các biện pháp ứng phó của Chính phủ trong cơn bão Yagi vừa qua, cử tri vẫn mong muốn được Chính phủ chia sẻ rõ hơn về những giải pháp lâu dài, căn bản để ứng phó với tình hình khí hậu cực đoan hiện nay.
Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để phù hợp với tình hình mới. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với thách thức toàn cầu này. Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc để Việt Nam tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ sẽ tích cực huy động các nguồn lực từ trong và ngoài nước, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ hiện đại. Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, nghiên cứu giải quyết hiệu quả các vấn đề như sụt lún, sạt lở và xâm nhập mặn.
-
15h50
Phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và năng lực thực thi
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa khẳng định rằng phân cấp, phân quyền là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai việc này trong thực tiễn còn nhiều hạn chế, chưa tạo điều kiện để các địa phương phát huy tối đa nguồn lực. Bà đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể để khắc phục bất cập và nâng cao hiệu quả của việc phân cấp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phân cấp, phân quyền là một vấn đề cấp bách. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan, nhưng việc thực hiện trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Đây được coi là một nút thắt lớn cản trở quá trình phát triển.
Vì vậy, các cơ quan đã rà soát quy định của pháp luật, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, xem xét lại Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương, từ đó hoàn thiện quy chuẩn tiêu chuẩn, tăng cường giám sát kiểm tra.
"Phân cấp phân quyền cần đi đôi với phân bổ nguồn lực và năng lực thực thi của các cấp để đảm bảo phân cấp hiệu quả", lãnh đạo Chính phủ nói.
-
15h30
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, 46 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Quốc hội nghỉ giải lao 20 phút.
-
15h20
Bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo
Thủ tướng cho biết, việc phát triển nhân lực chất lượng cao công nghệ thông tin đã đạt được những kết quả tích cực. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là trong xây dựng chính sách, kết nối, thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng 56/100. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 (tăng 4 bậc so với năm 2022). Hà Nội và TP HCM lọt vào nhóm 200 thành phố đứng đầu về khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Tuy nhiên, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa đạt mục tiêu đề ra. Thể chế, cơ chế, chính sách chưa có đột phá; đầu tư cho khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa thực sự hiệu quả; sự gắn kết giữa các chủ thể, nhất là Nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học và doanh nghiệp chưa chặt chẽ.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng khoa học công nghệ; chấp nhận rủi ro và kiên trì trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy mạnh mẽ hệ thống đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, vùng, địa phương; lấy doanh nghiệp là trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là nền tảng.
Chính phủ sẽ bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo; có chính sách đột phá trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các ngành động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức...
"Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là hợp tác công - tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, hướng đến chuẩn quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường. Sớm hoàn thành đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn", Thủ tướng nói.
-
15h15
Ưu đãi tài chính thu hút tập đoàn công nghệ lớn
Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, xanh, bền vững. Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số và triển khai hiệu quả Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở. Chuyển đổi số đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng người" và tiến bộ vượt bậc. Thương mại điện tử phát triển mạnh, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, chính sách về chuyển đổi số chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Cải cách hành chính còn chậm; thủ tục còn rườm rà, ách tắc; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa chuyển biến rõ nét. Thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, ưu tiên để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân chuyển đổi số.
Hạ tầng số, nhất là công nghệ vệ tinh, Internet vạn vận, sẽ được đẩy mạnh; xây dựng trung tâm công nghiệp kỹ thuật số, dữ liệu lớn, ứng phó khẩn cấp sự cố an ninh mạng; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; đẩy mạnh triển khai Đề án 06 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.
"Chính phủ sẽ xây dựng chính sách ưu đãi, kể cả ưu đãi tài chính để thu hút mạnh mẽ đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn; phát triển nguồn nhân lực số, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi; triển khai hiệu quả Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030", ông cho hay.