Trong hai năm rưỡi xung đột ở Ukraine, Đức, một trong số đồng minh ủng hộ Kiev mạnh mẽ nhất, vẫn không muốn có những động thái mạo hiểm có thể chọc giận Nga, đặc biệt về cung cấp cho Kiev vũ khí tầm xa có thể sử dụng tấn công lãnh thổ của Moskva.
Nhưng khi Ukraine bất ngờ mở chiến dịch tấn công tỉnh Kursk, phía tây nước Nga hôm 6/8, sử dụng nhiều loại vũ khí phương Tây để đẩy lùi lực lượng Nga và kiểm soát khoảng 1.000 km2 lãnh thổ cùng hơn 80 ngôi làng và thị trấn chiến lược Sudzha, Đức đã không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào.
"Ukraine có quyền tự vệ theo quy định của luật pháp quốc tế. Điều này không chỉ giới hạn trong lãnh thổ của họ", Bộ Ngoại giao Đức nói tuần trước. Nhiều chính trị gia phe đối lập bảo thủ Đức thậm chí ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch tấn công của Ukraine và việc sử dụng vũ khí Đức trên lãnh thổ Nga.
Roderich Kiesewetter, nhà lập pháp đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), nói rằng hành động tấn công "các khu tập kết lực lượng" trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Đức cung cấp là hoàn toàn hợp pháp. "Sau khi được chuyển giao, chúng là vũ khí của Ukraine", Kiesewetter nói.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz chưa bình luận về cuộc tấn công lãnh thổ Nga của Ukraine. Ông Scholz từ lâu tìm cách cân bằng giữa việc ca ngợi hỗ trợ quân sự mạnh mẽ của Đức cho Ukraine và duy trì hình ảnh "lãnh đạo hòa bình", người biết giữ chiến tranh không vượt tầm kiểm soát.
Ông Scholz được cho là thường hành động theo động thái của Mỹ trong vấn đề viện trợ cho Ukraine, từ xe tăng chiến đấu tới hệ thống phòng không. Tuy nhiên, ông vẫn phản đối việc chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Kiev, bất chấp áp lực từ giới chức Ukraine cùng các thành viên trong liên minh cầm quyền.
Hồi tháng 5, Washington và Berlin cùng thay đổi chính sách, nới hạn chế cho Kiev sử dụng vũ khí viện trợ tấn công lãnh thổ Nga, như động thái đáp trả cuộc tấn công lớn của Nga vào thành phố Kharkov ở Ukraine. Một phát ngôn viên chính phủ Đức thời điểm đó nói rằng Ukraine "có quyền tự vệ trước những cuộc tấn công này, dựa trên đảm bảo của luật pháp quốc tế".
Mỹ hồi tháng 5 chỉ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ tấn công mục tiêu ở khu vực biên giới Nga gần Kharkov. Đó không phải là nơi quân đội Ukraine đang tiến hành chiến dịch tấn công, nhưng Mỹ dường như cũng không coi đây là vấn đề lớn.
"Rõ ràng chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của Ukraine nhằm chống lại cuộc chiến của Nga. Chính sách mà chúng tôi công bố cho phép Ukraine đáp trả các cuộc tấn công xuất phát từ ngay phía bên kia biên giới. Và khu vực mà họ đang chiến đấu, chúng tôi đã thấy những cuộc tấn công từ đó", Matthew Miller, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nói tuần trước.
Lầu Năm Góc cũng bác bỏ những lo ngại rằng cuộc tấn công có thể làm leo thang xung đột. Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh ngày 8/8 nói rằng chiến dịch của Kiev "phù hợp với chính sách của chúng tôi" về những gì Ukraine có thể và không thể làm với vũ khí Mỹ cung cấp. Song bà thêm rằng Mỹ không ủng hộ các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine những gì họ cần. Chúng tôi không thấy đây là hành động leo thang. Ukraine đang làm những gì cần thiết để thành công trên chiến trường", bà nói.
Một quan chức an ninh hàng đầu của Ukraine tuần trước tiết lộ mục tiêu chiến dịch ở tỉnh Kursk là kéo giãn phòng tuyến Nga và tạo bất ổn, gây thiệt hại tối đa trên lãnh thổ đối phương.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Georgiy Tykhy khẳng định quân đội nước này không có ý định chiếm đóng lãnh thổ Nga lâu dài. "Ngay khi Nga đồng ý khôi phục nền hòa bình công bằng, chiến dịch tấn công trên lãnh thổ của họ sẽ dừng lại", Tykhy nói.
Ngoài mục đích giành lợi thế chiến trường và nâng vị thế đàm phán, giới quan sát cho rằng chiến dịch tấn công của Ukraine còn gửi thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ và đồng minh NATO, giúp họ xua tan nỗi e ngại về nguy cơ Nga có những hành động quyết liệt hơn.
Mỹ cùng nhiều đồng minh NATO ngần ngại cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga, vì lo ngại động thái này sẽ làm leo thang xung đột trực tiếp với Nga và có thể kích hoạt lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân mà Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần đưa ra.
Nhưng khi Ukraine tấn công qua biên giới, ông Putin chỉ gọi đây là "hành vi khiêu khích", không coi đó là "hành động gây chiến", vốn có thể kích hoạt phương án đáp trả hạt nhân của Nga.
"Bằng cách tấn công lãnh thổ Nga, Kiev đang gửi lời nhắc nhở mạnh mẽ tới Washington rằng lực lượng Ukraine có thể đạt được kết quả đáng ngạc nhiên khi có đủ năng lực cần thiết", Matthew Sussex, phó giáo sư Viện châu Á Griffith kiêm nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Australia, nói.
Oleksiy Goncharenko, nghị sĩ Khối Đoàn kết châu Âu ở Ukraine, trong bài bình luận trên Hội đồng Đại Tây Dương đầu tuần này cho rằng cuộc tấn công của Ukraine cho thấy "những lời đe dọa hạt nhân của Nga và cảnh báo về lằn ranh đỏ chỉ là đòn gió để đe dọa phương Tây".
Ukraine từ lâu chỉ trích các lãnh đạo phương Tây quá lo ngại về nguy cơ chọc giận Nga, cản trở nỗ lực hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột và đặt ra những hạn chế về vũ khí viện trợ.
Goncharenko thêm rằng Kiev đã gửi tín hiệu mạnh mẽ rằng quân đội Ukraine là lực lượng chuyên nghiệp, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ khó khăn và xứng đáng nhận được ủng hộ lớn hơn.
"Khi tấn công Kursk, Ukraine hy vọng các đồng minh sẽ đưa ra kết luận hợp lý hơn", nghị sĩ này nói.
Bằng chứng về việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây trong cuộc tấn công ngày càng nhiều. Trang Bild của Đức ngày 8/8 dẫn hình ảnh xe chiến đấu bộ binh Marder mà nước này cung cấp cho Ukraine đã xuất hiện trên lãnh thổ Nga.
Đức đã cung cấp cho Ukraine 120 thiết giáp Marder, song một phát ngôn viên chính phủ Đức ngày 9/8 nói họ không có thông tin về việc thiết bị của Đức được sử dụng trong cuộc tấn công hiện tại trên lãnh thổ Nga.
Truyền thông Anh cũng dẫn một số hình ảnh trên mạng xã hội cho hay xe tăng Challenger 2 mà nước này viện trợ cho Ukraine có thể đã được triển khai tham gia chiến dịch tấn công tỉnh Kursk. London chưa lên tiếng về thông tin này.
Canada, nước đã viện trợ xe tăng Leopard 2, thiết giáp, pháo M777 cho Ukraine, có quan điểm thẳng thắn hơn. "Chúng tôi không áp đặt hạn chế nào về mặt địa lý cho những vũ khí đã chuyển tới Ukraine", một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Canada cho hay. "Quân đội Ukraine có thể sử dụng vũ khí chúng tôi viện trợ trên lãnh thổ Nga".
Marcus Faber, chủ tịch ủy ban quốc phòng thuộc quốc hội Đức, cũng nói với truyền thông nước này rằng Ukraine được tự do sử dụng "tất cả trang thiết bị" viện trợ, gồm cả xe tăng chiến đấu Leopard 2 mà Đức sản xuất, trong chiến dịch tấn công.
"Cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk là hoàn toàn hợp pháp và có ý nghĩa về mặt quân sự. Chúng tôi chỉ có thể chúc những người lính Ukraine thành công", ông nói trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, không phải đồng minh phương Tây nào cũng hưởng ứng việc sử dụng vũ khí phương Tây trong cuộc tấn công của Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn công bố ngày 12/8, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani nhấn mạnh vũ khí mà nước này viện trợ cho Ukraine "không thể được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga".
Alexander Graef, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Hòa bình và An ninh ở Đức, cho rằng quan điểm không đồng nhất này cho thấy phương Tây vẫn còn chia rẽ về việc tăng cường hỗ trợ Ukraine.
"Các đối tác của Ukraine đang chịu áp lực. Một số cho rằng chiến dịch như ở Kursk có thể giúp đẩy lùi quân Nga khỏi lãnh thổ Ukraine. Song số khác lại không muốn chiến tranh lan rộng về mặt địa lý", Graef nói.
Thùy Lâm (Theo Politico, AP, El Pais, Atlantic Council)