Trước trận đấu quan trọng giữa Juventus với AS Roma tại Serie A năm 2014, trung vệ Bonucci quyết định ăn... một nắm tỏi. Anh nghe theo hướng dẫn của chuyên gia tâm lý Alberto Ferrarini, rằng hàng trăm năm trước, các chiến binh đã ăn tỏi để giữ được sự cường tráng và tập trung.
Ferrarini còn nhắc Bonucci "Đừng quên... thở vào mặt các ngôi sao tấn công Francesco Totti và Gervinho". Trận đấu hôm đó kết thúc với phần thắng 3-2 cho Juventus, và Bonucci chính là người ghi bàn quyết định vào lưới Roma. Đó là một trong nhiều câu chuyện cho thấy Bonucci - và cả người đồng đội lâu năm Chiellini - sẵn sàng làm bất cứ điều gì để thắng.
Hành trình chinh phục Euro 2021 của Italy, trên nhiều phương diện, cho thấy thay đổi lớn trong văn hóa bóng đá nước này. Đội quân của HLV Robert Mancini cho thấy sự trẻ trung, sôi nổi, sẵn sàng phiêu lưu và xoay quanh một hàng tiền vệ giàu kỹ thuật, một lối chơi tấn công sáng nước. Đó là phiên bản giúp Italy toàn thắng vòng bảng, rồi vượt qua Áo và Bỉ ở hai trận knock-out đầu tiên.
Nhưng khi vào bán kết đụng Tây Ban Nha, Italy trở lại với bộ mặt quen thuộc trong quá khứ: tàn nhẫn, không khoan nhượng, và thậm chí, bất chấp thủ đoạn.
Bộ mặt ấy được khắc họa không phải trên những chiếc bình gốm hoa mỹ mang tên Lorenzo Insigne và Marco Verratti, mà được thể hiện qua bức tường bê tông vững chãi mang tên Bonucci và Chiellini. Họ là những người đề cao nghệ thuật phòng ngự, như cách người Italy luôn tự hào khi nhắc đến. Bonucci từng tuyên bố: "Là hậu vệ, bạn luôn thích những chiến thắng 1-0".
Trong trận khai mạc Euro, khi Italy đã dẫn Thổ Nhĩ Kỳ 3-0 và nắm chắc chiến thắng, Chiellini và Bonucci vẫn mừng một pha cứu thua của đội nhà, mà nếu ai không xem có thể lầm tưởng họ vừa ghi bàn quyết định trận đấu. Nhưng các tifosi thì chẳng lạ điều này.
Chiellini lên tuyển Italy năm 2004. Bonucci, trẻ hơn hai tuổi, lại phát tiết tài năng chậm hơn tận sáu năm. Dù vậy, hai người có tổng cộng 219 trận chơi cho ĐTQG, và đa phần là đá cặp trung vệ với nhau. Họ gắn bó chặt chẽ cả ở CLB lẫn đội tuyển quốc gia tới mức một trong những câu hỏi thường thấy ở Google khi tìm kiếm về họ là: "Chiellini và Bonucci có họ hàng với nhau không?".
Anh em ruột thịt thì không rồi, nhưng cách họ chơi bóng ăn ý, hiểu nhau trên sân tạo cảm giác như thể bộ đôi này là máu mủ của nhau. Chiellini tự nhận hiểu Bonucci hơn cả hiểu vợ anh, trong khi Bonucci khẳng định: "Tôi chẳng cần lo lắng về những điều mà tôi thường sẽ nghĩ tới khi đá cặp cùng người khác, bởi tôi và Giorgio hiểu rõ chân tơ kẽ tóc về nhau".
Điều khiến bộ đôi này ăn ý không chỉ nằm ở sự giống nhau mà còn ở sự khác biệt. Ở bên ngoài sân cỏ, Chiellini khác với hình ảnh dữ dằn trên sân tới mức mẹ của Alvaro Morata từng nói rằng bà ngạc nhiên khi thấy anh lịch sự, dịu dàng và tử tế đến nhường nào. Chiellini có bằng Thạc sĩ Kinh tế & Thương mại, là đồng tác giả cuốn sách về thần tượng quá cố Gaetano Scirea. Là đội trưởng của cả Italy lẫn Juventus đem tới cho Chiellini sự bình tĩnh. Khi trận đấu với Tây Ban Nha bước vào loạt luân lưu, nụ cười tươi rói và cái bệu má của anh với đồng nghiệp bên kia Jordi Alba trông có vẻ như chiêu bài để lung lạc đối thủ. Trong thực tế, có lẽ Chiellini chỉ đang là chính anh.
Bonucci, ngược lại, từng vật lộn, hoài nghi với bản thân khi mới bắt đầu sự nghiệp. Anh hoang mang tới mức phải thuê Ferrarini để cải thiện về tâm lý. Vị chuyên gia này thậm chí từng đưa Bonucci xuống hầm và đấm liên tục vào bụng anh để tăng cường sự tập trung. Dần dần theo thời gian, những phương pháp kỳ lạ phát huy tác dụng, để Bonucci trở thành một "chiến binh", như lời Ferrarini.
Trên sân cỏ, Bonucci và Chiellini chung đam mê ngăn chặn các cầu thủ tấn công, nhưng sức mạnh thực sự nằm ở sự khác biệt. Như Andrea Barzagli - một đồng đội cũ ở Juventus - nhận định: "Họ rất hiểu nhau. Khi bạn trải qua rất nhiều trận chiến bên nhau, bạn biết rõ điều gì đang xảy ra, và người kia sẽ phản ứng ra sao. Bạn có thể nhớ rằng tình huống này từng diễn ra như thế nào và cách hai người xử lý nó. Họ bù đắp lẫn cho nhau".
Barzagli là người hiểu rõ bộ đôi này nhất, bởi anh từng là một phần của bộ ba thành đồng vách sắt ở cả trên tuyển lẫn Juventus cùng Chiellini và Bonucci. Họ từng gắn bó bên nhau nhiều năm cho tới khi Barzagli giã từ ĐTQG năm 2018, rồi giải nghệ không lâu sau đó. Trong mắt Chiellini, anh là "tay hung hăng", Bonucci là "máy đếm nhịp", còn Barzagli là "giáo sư" luôn có mặt đúng lúc đúng chỗ.
Với Bonucci, Barzagli chính là tấm gương, người "không thể bị đánh bại trong các pha một đối một". Còn với Barzagli, Chiellini là một mẫu cầu thủ hiếm thấy trong bóng đá hiện đại: "Cậu ấy là dạng hậu vệ có đầu óc, nhưng cũng cần tiếp xúc trực tiếp để dùng sức mạnh thể chất ngăn cản đối phương. Đó là mẫu cầu thủ ngày càng hiếm gặp, và Chiellini là một trong những hậu vệ vĩ đại cuối cùng của Italy".
"Bonucci là mẫu cầu thủ hiện đại hơn, giỏi đọc trận đấu và các tình huống", Barzagli kể. Không phải ngẫu nhiên mà Pep Guardiola từng mô tả Bonucci như một trong những hậu vệ mà ông thích nhất. Trung vệ trẻ Matthijs de Ligt - người thừa kế vị trí của Barzagli tại Turin - luôn công khai ngưỡng mộ "tầm nhìn, độ chính xác của những đường chuyển" từ chân Bonucci.
Với độ tuổi tổng cộng là 70, Chiellini và Bonucci vẫn chơi tuyệt hay trong trận chung kết gặp Anh và có những dấu ấn riêng. Bonucci ghi bàn gỡ hoà 1-1. Chiellini thì phạm lỗi rất thô thiển, nhưng kịp thời và cần thiết - kéo áo cầu thủ trẻ Bukayo Saka từ giữa sân để ngăn một pha phản công ở hiệp phụ. Đương đầu với những cầu thủ tấn công trẻ trung, giàu năng lượng của Anh, cặp trung vệ này vẫn chơi tỉnh táo, và khi cần, sẵn sàng dùng "nghệ thuật hắc ám".
Barzagli chia sẻ: "Việc họ vẫn ở đây, chinh phục những đỉnh cao mới cho thấy sự chuyên nghiệp, quyết tâm và chuẩn bị kỹ lưỡng cả về mặt thể chất lẫn tâm lý. Đó là bí mật giúp hai người chơi đỉnh cao lâu đến vậy. Có một điều có lẽ Italy biết mà các quốc gia khác không biết: Các hậu vệ càng già chơi càng hay! Bạn luôn học, và với nhiều kinh nghiệm, bạn sẽ có thêm nhiều giải pháp hơn. Bạn biết phải làm gì trong mỗi tình huống, bởi bạn từng gặp nó rồi".
Bonucci và Chiellini có thể đứng vững trước sức ép của hàng vạn khán giả sân khách, áp lực của việc bị dẫn trước và giành chiến thắng. Bởi với hai cựu binh lão luyện này, chẳng có thách thức nào họ chưa từng đối mặt.
Thịnh Joey (theo New York Times)