Thời sự
Chủ nhật, 28/4/2024, 14:00 (GMT+7)

'Chị gánh, anh thồ' chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ

Lương thực, hàng hóa từ vùng tự do tới tận Liên khu 4 - những nơi cách mặt trận Điện Biên Phủ 300-600 km được 261.000 dân công gánh gồng, thồ vác cho chiến trường.

Khi Trung ương quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 6/12/1953, việc cung cấp đạn dược, lương thực được đánh giá quan trọng không kém chiến thuật. Tây Bắc chủ yếu núi rừng, không thể chi viện hậu cần tại chỗ. Trung ương đã huy động từ vùng tự do, căn cứ Việt Bắc, Liên khu 3-4, những nơi cách tiền tuyến 300-600 km.

Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương thành lập, giao Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng phụ trách, dưới có Hội đồng Cung cấp mặt trận liên khu và cấp tỉnh, trực tiếp huy động nhân vật lực cho chiến trường. Chiến dịch huy động hơn 261.000 dân công hỏa tuyến, hơn 3.100 người phục vụ hậu cần - nhiều gấp 5 lần quân chủ lực tham chiến. Trong ảnh là đoàn ôtô Cục Vận tải vượt ngầm ra mặt trận Điện Biên Phủ.

Cung đường vận tải dài khoảng 600 km được tổ chức thành hai tuyến. Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và Hội đồng Cung cấp các liên khu Việt Bắc, 3 và 4 đảm nhiệm. Dân công chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực cho tuyến chiến dịch ở Ba Khe (Nghĩa Lộ, Yên Bái) trên đường 13 từ Việt Bắc sang; ở Suối Rút, Bãi Sang (Hòa Bình) trên đường 41 từ Liên khu 3, 4 lên.

Tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp tiền phương và Hội đồng Cung cấp Liên khu Tây Bắc đảm nhiệm, chia thành ba tuyến, bố trí kho tàng, lực lượng vận tải, công binh mở đường, bệnh viện mặt trận thành ba cung: Sơn La - Tuần Giáo; Tuần Giáo - Lai Châu và hậu cần hỏa tuyến trực tiếp phục vụ bộ đội chiến đấu. Lực lượng vận tải chính là dân công, xe đạp thồ, trâu, ngựa thồ...

Bộ đội, dân công đốt đuốc ban đêm mở đường về Điện Biên Phủ, tháng 1/1954.

Để cung đường hậu cần trước chiến dịch thông suốt, công binh Liên khu 4 nổ mìn, phá thác, khai thông đường thủy ngược sông Mã; sửa chữa 200 km đường bộ từ Thanh Hóa đi Hòa Bình; khai thông đường 41 (quốc lộ 6 ngày nay) lên Điện Biên Phủ. Tính riêng quãng đường hậu cần từ Liên khu 4 đã dài hơn 450 km.

Dọc tuyến hậu cần chiến dịch, Pháp xác định khoảng 40 vị trí trọng điểm, cho không quân đánh phá 24/24h nhưng chưa bao giờ cắt đứt được huyết mạch nối hậu phương với chiến trường. Những đoạn bị bom cắt đứt, chuyển tải vẫn diễn ra, dân công vác hàng qua rừng, đi vòng đường khác.

Công binh gỡ bom bươm bướm để thông đường lên Điện Biên Phủ. Loại bom mà quân Pháp rắc khắp núi rừng, có cánh màu xanh, lẫn vào cỏ cây khó phát hiện. Công binh phải dùng sào gạt, ném đá kích nổ những trái bom trên mặt đất, dùng sào khua những trái mắc trên cành cây khiến bom nổ ngay trên đầu.

Trên trời, quân Pháp huy động mỗi ngày trên 200 chuyến bay vận tải từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng) tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Dưới đất, dân công Việt Nam với xe đạp thồ, đôi bồ, quăng gánh, vác vai... từ khắp các ngả qua núi cao, vực thẳm chi viện cho tiền tuyến.

Xe đạp thồ được cải tiến, buộc thêm cành tre dài hơn một mét vào tay cầm bên trái, đoạn còn lại buộc cạnh yên xe để giữ thăng bằng khi di chuyển. Dân công vận tải bằng xe thồ được tổ chức thành từng đoàn theo địa phương. Họ mang theo đồ nghề, phụ tùng sửa chữa dọc đường khi thủng xăm, nắn vành, hàn khung. Xe thồ chở 100-200 kg hàng hóa vượt núi đèo Tây Bắc, trên những lối mòn mà ôtô không thể đi.

Sau chiến dịch, những năm 1990-1995, xe đạp thồ vẫn được dùng ở các vùng quê Bắc Trung Bộ, chở lúa, rơm rạ, các loại nông sản.

Những đoàn bè mảng của dân công Thanh Hóa, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... xuôi ngược thác ghềnh trên sông Mã, sông Đà, Lô, Chảy... đưa hàng về mặt trận.

Nhiều đoạn sông hẹp, thác dữ đánh vỡ bè, công binh phải phá thác, đóng bè mảng chắc chắn, luyện tập cho dân công điều khiển qua những đoạn này. Trung đoàn Tất Thắng (nay là Lữ đoàn Pháo binh 45) còn dùng bè mảng xuôi sông Hồng, đưa 20 khẩu pháo 105 mm từ Lào Cai về bến Âu Lâu (Yên Bái) an toàn.

Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò chị hát, những câu hò, ví dặm mà dân công động viên nhau dọc đường đã vào thơ ca.

Đầu tháng 3/1954, hậu cần đảm bảo khoảng 95% cho chiến dịch. Lương thực, đạn dược theo đường Bản Tấu, Khâu Hu cho Đại đoàn 308 ở phía Tây; đường 43 vào Nà Lợi cho Đại đoàn 312 ở phía Tây Bắc; theo đường kéo pháo cho Đại đoàn 316 và nhiều đơn vị khác ở phía Đông.

Dọc tuyến hậu cần chiến dịch đều có các bệnh viện mặt trận theo từng cung, do các đội điều trị phụ trách. Cục Quân y huy động toàn bộ 7 đội điều trị, 4 đội của các đại đoàn để cứu chữa thương bệnh binh.

Chiến trường khốc liệt nên thương bệnh binh tăng gấp đôi dự kiến, khoảng 10.000 người.

Sau ngày chiến dịch nổ súng 13/3/1954, việc bảo đảm sức khỏe cho bộ đội chiến đấu dài ngày nơi rừng núi, thời tiết khắc nghiệt càng nặng nề. Hậu cần ướp thịt, dưa muối, gửi đồ khô lên mặt trận.

Cuối tháng 3 khi chiến dịch bước vào đợt hai, bộ đội đánh lấn dần về trung tâm Mường Thanh, chịu hỏa lực ác liệt. Bếp Hoàng Cầm đặt xa chiến hào, tiếp tế cơm nước dọc giao thông hào ùn tắc, bộ đội phải ăn cơm nắm đã nguội. Mưa đổ xuống chiến hào ngập bùn non, ăn uống thất thường, chiến đấu liên tục, sức khỏe anh em giảm sút. Hậu cần đào bếp Hoàng Cầm ngay trận địa, đảm bảo cơm nóng cho bộ đội ăn lấy sức chiến đấu. Sau mỗi trận đánh, hậu cần tải thương binh về phía sau cho quân y cứu chữa.

Ngọc Thành
Ảnh tư liệu

Bài tiếp: Binh đoàn đạp thồ huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ