Cuộc họp về giá trần dầu thô Nga hôm 28/11 kết thúc trong bế tắc, khi Liên minh châu Âu (EU) chưa thể thống nhất về mức giá trần. Một nhà ngoại giao tại EU cho biết Ba Lan yêu cầu mức giá trần thấp hơn nhiều so với đề xuất của G7 để giảm nguồn thu từ năng lượng của Nga.
EU đang chịu áp lực ngày càng tăng từ G7 và Mỹ nhằm áp trần giá dầu Nga từ ngày 5/12, thời điểm lệnh cấm nhập dầu Nga bằng đường biển của khối cũng như của Anh có hiệu lực.
Nhưng khi còn một tuần nữa là đến thời hạn trên, bất đồng vẫn bủa vây các cuộc thảo luận của khối. Ba Lan và các nước vùng Baltic muốn áp đặt mức giá khoảng 20-30 USD mỗi thùng với dầu Nga, trong khi Hy Lạp, Malta và Cộng hòa Cyprus muốn đặt mức giá trên 70 USD hoặc EU có cơ chế bồi thường để bảo vệ ngành vận tải biển của họ, theo một số nhà ngoại giao châu Âu.
Mục tiêu của biện pháp áp giá trần là giữ nguồn dầu Nga tiếp tục lưu thông trên thị trường, trong khi hạn chế số tiền mà Moskva có thể kiếm được từ những thùng dầu đó. Ủy ban châu Âu đề xuất mức giá trần 65-70 USD mỗi thùng, còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đề nghị mức 60 USD.
Một số nhà quan sát cho rằng giá dầu ở mức 65 USD sẽ không khiến doanh thu của Nga giảm nhiều. Dầu thô Urals của Nga đang được giao dịch với giá khoảng 66 USD mỗi thùng, theo Investing, trong khi dầu thô Brent có giá khoảng 81 USD/thùng.
"Ở mức giá này, mục tiêu của châu Âu là giảm lạm phát thay vì giảm doanh thu của Nga", Helima Croft, người phụ trách chiến lược hàng hóa tại RBC Capital Markets, nói.
Công ty tư vấn Rystad Energy ước tính chi phí sản xuất dầu của Nga khoảng 20-50 USD/ thùng tùy từng loại.
"Chúng tôi muốn các biện pháp trừng phạt thật sự hiệu quả trong cuộc chiến này với mức giá trần khoảng 30-40 USD, để Nga có thể cảm nhận được chúng", Tổng thống Ukraine Volodymyz Zelensky ủng hộ quan điểm hạ mức giá trần của Ba Lan.
Tuy nhiên, nhà sử học về dầu mỏ Gregory Brew cho rằng rất khó để xác định mức giá trần là cao hay thấp, bởi Nga hiện bán dầu thô với mức chiết khấu mạnh.
Brew giải thích những bên mua lớn như Trung Quốc và Ấn Độ đang nhập dầu Nga với giá thấp hơn dầu Brent khoảng 25 USD. Họ và những khách hàng khác ở châu Á sẽ không cảm thấy cần phải cam kết thực hiện mức giá trần mà Mỹ và đồng minh châu Âu đặt ra, bởi nó không thấp hơn mức mà họ đang trả.
"Họ có thể đàm phán các điều khoản rất thuận lợi với những công ty dầu mỏ Nga đang muốn bán hàng để duy trì hoạt động", Brew nói, thêm rằng đó có thể là nguyên nhân khiến kế hoạch áp trần giá dầu Nga hoàn toàn thất bại.
Đối với Livia Gallarati, nhà phân tích dầu mỏ cấp cao của Energy Aspects có trụ sở ở London, ý tưởng áp trần giá dầu có thể gây tranh cãi vì Moskva thời gian qua nhiều lần cảnh báo sẽ không giao dịch với bất kỳ quốc gia nào tuân thủ biện pháp này.
"Chúng tôi nghĩ rằng người Nga sẽ làm như họ nói, bởi việc đồng ý với giá trần sẽ tạo ra tiền lệ để người mua quyết định mức giá mà họ muốn", Gallarati nói.
Điều duy nhất khiến khách hàng châu Á có thể phải cân nhắc tham gia quyết định áp trần giá dầu Nga là tiếp tục được sử dụng các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm của châu Âu. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo các công ty châu Âu muốn xử lý các đơn hàng liên quan tới dầu Nga.
Gallarati thêm rằng giá trần dầu Nga có thể không tác động nhiều tới thị trường dầu mỏ. "Nếu Nga tiếp tục bán ở mức giá hiện tại, không quốc gia nào muốn tham gia áp giá trần với phương Tây, bởi họ có thể bị Nga cắt nguồn cung dầu giá rẻ", bà nói.
Giới quan sát cảnh báo động thái áp giá trần thấp hơn có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đặc biệt nếu Nga trả đũa. Nếu Moskva cắt giảm sản lượng nhiều hơn dự kiến, giá xăng dầu thế giới sẽ tăng vọt, trong bối cảnh các nước như Mỹ, Nhật Bản và Đức đau đầu tìm cách kiểm soát lạm phát.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước khẳng định kế hoạch áp trần giá dầu Nga của phương Tây sẽ gây ra "hậu quả nghiêm trọng" với thị trường năng lượng. Xuất khẩu dầu của Nga trong năm 2022 ước tính ở mức 9,7 triệu thùng mỗi ngày, cao hơn năm 2021, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Ngay cả khi các biện pháp áp trần giá dầu được phương Tây thống nhất, Giovanni Staunova, nhà phân tích tại ngân hàng USB ở Thụy Sĩ, không tin các đơn vị kinh doanh dầu mỏ sẽ tuân thủ. Ông cho rằng họ sẽ cố gắng tìm kiếm các kẽ hở để lách luật.
"Mong muốn thực hiện biện pháp áp trần giá dầu Nga của phương Tây rất mạnh mẽ, nhưng thực tế sẽ khác", Staunova nói.
Thanh Tâm (Theo Business Insider, CNN, Politico)