Chu Công Sơn, 34 tuổi, tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Oxford (Anh) - ngôi trường số 1 thế giới, năm 2020. Anh hiện là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Glasgow, Scotland, đồng thời quản lý dự án tại MR CoilTech, một công ty chuyên sản xuất cuộn dây RF cho máy chụp cộng hưởng từ (MRI). Trước đó, anh là thủ khoa đầu ra bậc cử nhân và thạc sĩ của Đại học Sheffield Hallam, Anh.
Giữa tháng 5, anh Sơn tham gia một số sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Anh. Chàng trai Hà Nội lần đầu có dịp kể về hành trình từ một học sinh không ít lần trốn tiết tới sinh viên người Việt duy nhất trong lịch sử hơn 250 năm của phân viện Harris Manchester, thuộc Đại học Oxford.
"Đường tới Oxford không dễ dàng, nhưng 'con nhà người ta' chắc chắn không phải tôi", anh Sơn nói. "Cuộc sống có nhiều điều bất ngờ, và tôi cho mình cơ hội được mơ lớn".
Công Sơn là cựu học sinh trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, khóa 2005-2008. Đam mê bóng rổ, là thành viên đội tuyển Hà Nội dự Hội khỏe Phù Đổng 2008, cậu học trò 15 tuổi từng nhiều lần trốn tiết, nghịch ngợm nhiều hơn học hành.
Bậc cử nhân, Sơn chọn ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử, học ba năm tại trường Đại học Giao thông Vận tải, rồi chuyển tiếp hai năm còn lại ở Đại học Sheffield Hallam. Một năm trước khi sang Anh, Sơn mới bập bẹ nói được đôi câu tiếng Anh và bắt đầu học ngoại ngữ.
Lần đầu xa gia đình, lại trong một môi trường cạnh tranh, chàng trai Hà Nội dần nhận thức được phải có điểm nổi bật hơn người khác thì mới phát triển được. Anh dồn cả thời gian cho việc học.
"Chú tâm học, tôi mới thấy mình cũng có khả năng mà trước đây không nhận ra. Hồi cấp ba, tôi có thể vừa xem TV, vừa nghe nhạc và học thuộc 4 mặt giấy trong 15 phút nhờ khả năng ghi nhớ tốt", anh Sơn kể. "Tôi quyết định dùng khả năng học để cạnh tranh với người khác".
Sau khi tốt nghiệp thủ khoa cả bậc cử nhân và thạc sĩ tại Đại học Sheffield Hallam, Sơn nộp hồ sơ học tiến sĩ tại Đại học Oxford. Anh cho biết đã quen với môi trường tại Anh và nghĩ chẳng có gì để mất khi ứng tuyển vào ngôi trường số 1 thế giới.
"Tôi bước ra khỏi vùng an toàn, tin tưởng và thử thách bản thân với lựa chọn Oxford, và thành công", anh Sơn nhớ lại.
Trở thành sinh viên người Việt duy nhất của phân viện Harris Manchester, chàng trai sinh năm 1990 bị sốc ngay từ đầu. Sơn kể, các giáo sư thường không hướng dẫn kiến thức cơ bản, chỉ đề cập đến các môn hay lĩnh vực, rồi sinh viên phải tự tìm đọc.
Theo đuổi nghiên cứu ứng dụng của siêu vật liệu với việc truyền thông tin trong môi trường dẫn điện, Sơn gần như phải học lại từ đầu môn Sóng trường điện từ. Anh tìm các lớp bậc đại học ở Oxford đang dạy môn này để vào nghe từ đầu tới cuối khóa.
"Đây là môn khiến tôi chật vật nhất. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi cải thiện được khả năng tự học, nghiên cứu độc lập", Sơn nói. Trong thời gian ở đây, anh có 6 bài báo khoa học đăng trên tạp chí, 11 bài công bố ở hội thảo.
Cuộc sống tại Oxford cũng giúp Sơn có trải nghiệm sống phong phú. Trong các buổi giao lưu, anh ấn tượng với những người bạn xuất thân quý tộc, từ cách họ dùng dao, dĩa tới phong thái nói chuyện, kể một cách chừng mực về bản thân nhưng vẫn toát lên sự khác biệt.
"Tôi thay đổi nhân sinh quan rất nhiều. Tôi không tự ti về xuất thân hay những gì mình đang có, nhưng hiểu rằng phải nhìn cái hay của họ để học và phát triển, hoàn thiện hơn", anh nói.
Bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2020, Sơn tới Đại học Glasgow, Scotland, để tiếp tục nghiên cứu. Tại đây, anh chuyển hướng sang lĩnh vực thiết bị y tế, và có thành tựu "tự hào nhất từ trước đến giờ".
Sơn cho biết hiện nay, máy MRI dùng cho người chủ yếu là loại dùng từ trường 1,5-3 Tesla. Máy có từ trường mạnh nhất đến nay chỉ có một, do Pháp chế tạo trong 20 năm với từ trường 11,7 Tesla. Tham gia vào dự án phát triển máy MRI 11,7 Tesla, nhiệm vụ của anh là chế tạo cuộn dây RF dùng để chụp não tương thích với máy này.
Sơn dò dẫm từng bước đi. Không chỉ đảm bảo về hiệu quả, anh còn phải tuân thủ các nguyên tắc về kích thước, cân nặng, mẫu mã sản phẩm, vì thiết bị này được dùng trong lĩnh vực y tế với nhiều tiêu chuẩn y khoa. Anh mất hai năm ngày đêm ở phòng nghiên cứu, nhiều lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, trước khi cuộn dây đầu tiên thành hình.
"Được biết cuộn dây hoạt động tốt trong ngày chạy thử nghiệm, tôi sung sướng", anh Sơn nói.
Anh giải thích, máy MRI 1,5-3 Tesla có thể phát hiện các bệnh thông thường, nhưng với 11,7 Tesla, điểm ảnh giảm xuống 0,2 mm, máy có thể chụp tất cả mao mạch nhỏ nhất của não. Điều này giúp các nhà khoa học hiểu hơn về cấu trúc thần kinh của não, từ đó phát triển các giải pháp chữa bệnh. Nghiên cứu của anh được công bố, đồng thời được in lên trang bìa tạp chí Y khoa Magnetic Resonance in Medicine.
Gần một năm sau, tháng 9/2023, anh hoàn thành cuộn dây thứ hai, khắc phục một số hạn chế về cấu trúc, hiệu suất, tăng độ tín hiệu và giảm nhiễm.
Với kết quả này, Sơn nhận lời mời nghiên cứu từ Đại học Nottingham, Anh - nơi cũng đang phát triển máy MRI 11,7 Tesla.
10 năm quen biết Sơn, thạc sĩ Vũ Đỗ Khanh, cựu sinh viên Oxford, cho biết ấn tượng của mình với đàn anh từ ngày đầu đến giờ không đổi. Với Khanh, Công Sơn là người nhiệt tình, kiên trì, quyết tâm và có đủ tham vọng, dù không hay thể hiện.
"Anh Sơn thường tự đùa "ngày xưa rách lắm", nhưng tôi không nghĩ vậy. Trước khi vào Oxford, anh có thể chưa phải hình mẫu ưu tú điển hình, nhưng tố chất lãnh đạo, khả năng học thuật đã xuất hiện. Ở những thời điểm quan trọng, anh luôn có mục tiêu và quyết tâm lớn để đạt được những gì đặt ra", Khanh chia sẻ.
Ngoài nghiên cứu, Sơn cùng Lê Quốc Minh, bạn học cũ tại Oxford, hỗ trợ sinh viên tìm cơ hội vào các trường danh tiếng và công ty đa quốc gia. Anh cho rằng Oxford hay những đại học, công ty hàng đầu thế giới đầy thách thức nhưng cũng phải là cánh cửa đóng chặt. Anh muốn chia sẻ những trải nghiệm và bài học mình đã có, mong giúp nhiều bạn trẻ vươn ra thế giới.
"Điều tuyệt vời nhất tôi có được trên hành trình này không chỉ là sinh viên của đại học hàng đầu thế giới, mà còn cảm thấy mình được hiện diện trong dòng chảy tri thức nhân loại", anh nói.
Thanh Hằng